• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đô Lương Thiếu đất sản xuất, dân chài Đặng Sơn chật vật mưu sinh

HMO

Administrator
Staff member
Sau hàng chục năm không có mảnh đất để “cắm dùi”, người dân vạn chài xóm 6, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) được bố trí tái định cư. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu vẫn đang loay hoay với câu chuyện mưu sinh.

Niềm vui chưa trọn
Cuối năm 2012, gần 70 hộ dân làng chài ven sông Lam, ở xóm 6, xã Đặng Sơn được chuyển lên bờ tái định cư. Có được một mảnh đất để “cắm dùi” là điều mà người dân hằng mong ước. Bởi từ đây sẽ hết cảnh quanh năm sinh sống trên chiếc thuyền chông chênh với nỗi lo nơm nớp mỗi khi mùa mưa bão về.

Người dân vạn chài Đặng Sơn trên sông Lam. Ảnh Cảnh Thắng
Các hộ dân xóm chài được bố trí tái định cư phấn khởi lên bờ nhận đất, nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước, để xây dựng nhà cửa lập nghiệp trên vùng đất mới.

“Trước đây người dân chúng tôi quanh năm phải ăn ở trên thuyền. Mỗi khi nhìn lên bờ thấy những gia đình lên đèn quây quần đầm ấm bên nhau, lúc đó chúng tôi chỉ khát khao có một mảnh đất ở, để con cháu sau này không phải lênh đênh giữa mênh mông bốn bề là nước như ông bà, bố mẹ chúng nó. Lúc nhận được quyết định tái định cư, giấc mơ ấy gần như sắp thành hiện thực, mỗi khi mưa bão về không còn thấp thỏm phải lo lật thuyền, con cái đi học đỡ vất vả...” - bà Đặng Thị Hòa (65 tuổi), ở xóm 6, Đặng Sơn tâm sự.


Một gia đình vạn chài Đặng Sơn đi đánh cá trên sông Lam. Cảnh Thắng
Niềm vui được lên bờ là vậy. Thế nhưng, từ đó đến nay, nỗi lo về kế mưu sinh dường như đang là gánh nặng lớn đối với hầu hết các gia đình xóm vạn chài cũ. Và, việc quay trở lại cuộc sống sông nước để tìm kế sinh nhai của người dân diễn ra ngay sau đó. Từ 5 năm qua, xóm vạn chài cũ lại trở về với những chiếc nốc (thuyền nhỏ có mui) để mò tôm, bắt cá… kiếm sống qua ngày.

Trên chiếc thuyền đánh cá cũ anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1987), xóm chài Đặng Sơn tỏ ra mệt mỏi, buồn bã cho hay: “Đi cả đêm đến sáng tôi mới đánh được mấy cân cá, bán được mấy chục nghìn thôi, từng đó chỉ đủ cho sinh hoạt ngày hôm nay thôi. Chứ tiền ăn học của các con chưa biết lấy đâu ra. Không công ăn việc làm, không có đất để mưu sinh bọn em không biết làm thế nào cả, sống qua ngày như thế này thì khổ cho con cháu quá...”.

Không có đất để mưu sinh
Gia đình anh Tuấn có 6 nhân khẩu, sống ở xóm vạn chài Đặng Sơn được mấy chục năm qua. Anh Tuấn cũng được sinh ra và lớn lên trên chiếc nốc của gia đình. Khi lớn lên anh chỉ được đi học đến lớp 5, sau vì không có điều kiện nên anh đành bỏ học đi theo cha mẹ đánh bắt cá tôm. Nghề sông nước đã gắn với anh được gần 20 chục năm qua. Năm 2012, cũng như các hộ dân vạn chài khác, gia đình anh được chia đất để làm nhà ở, thế nhưng do gia đình vay mượn được mấy chục triệu để cất căn nhà tạm để ở. Đất đai canh tác không có, bĩ cực, nợ nần nên anh đành quay lại bờ sông đoạn qua xóm 2, xã Đặng Sơn để tiếp tục nghề cũ là rong ruổi khắp khúc sông để đánh cá, xúc tôm… bán kiếm tiền mua gạo và trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Không có đất mưu sinh, nhiều người dân lại quay trở lại nghề sông nước. Cảnh Thắng
Cũng theo người dân nơi đây, việc trở lại với sông nước như bao đời nay chỉ là “bất đắc dĩ”, điều đó khiến cho người dân quanh quẩn kiếm sống qua ngày chứ không dư dả gì. Trước đây tôm cá còn nhiều, nhưng nhiều năm trở lại đây tình trạng khai thác cát sỏi diễn ra ở hầu hết các khúc sông khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị ảnh hưởng nhiều nên lượng tôm cá ở sông cũng vì thế mà giảm đi rất nhiều.

Được biết, trong dự án tái định cư, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để đào giếng nước. Thế nhưng khi đào giếng không đủ nước để dùng, nhiều người phải đi mua nước. Theo người dân cho hay, lúc lên bờ ngoài được phân chia 150 - 160m2 đất xây dựng nhà cửa và các công trình phụ, còn lại không có mảnh ruộng nào để sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi.

Nhà ít người còn đỡ, có gia đình 7- 8 người sống trong một căn nhà cũng với chừng ấy diện tích nên hết sức bất tiện. Trong khi tiền không có để mua thêm đất, cất thêm nhà. Bất đắc dĩ, người ở trên bờ, người lại xuống thuyền cư trú, những ngày gia đình có công việc hay lễ tết mới được lên bờ quây quần ban nhau.

Ông Lê Văn Phát, người đã có hơn nửa đời người lênh đênh khắp dòng sông để mưu sinh, thở dài: “Năm 2012, tôi được nhà nước cắt cho 150m2 đất. Cha con vay mượn tiền để cất căn nhà nho nhỏ để có chỗ chui vào chui ra. Khổ nỗi đất ít quá, đất sản xuất không có lấy một thước nên trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn cả. Không có công ăn việc làm nên các con tôi người Nam, kẻ Bắc làm công nhân. Còn tôi thì quay lại sông Lam để làm lại nghề cũ”.


Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn trên chiếc nốc chật chội. Cảnh Thắng
Cũng theo ông Phát thì ngoài việc thiếu đất sản xuất, không có việc làm thì số đất được nhà nước giao để làm nhà ở khu tái định cư cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc đó cũng đang gây không ít khó khăn cho người dân nếu muốn thế chấp vay vốn làm ăn.

Trao đổi với NTNN ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương cho biết: “Người dân lên bờ tái định cư đã tương đối ổn định về đất ở, việc thiếu đất sản xuất, huyện cũng hết sức trăn trở vì quỹ đất không có, rất hạn hẹp rồi...”.

Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND Đô Lương tậm sự: “Hiện nay huyện đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm ổn định cho người dân ở khu tái định cư vạn chài Đặng Sơn. Ngoài việc thiếu đất sản xuất thì công tác đào tạo để chuyển đổi nghề khi người dân lên bờ cũng không phải chuyện đơn giản có thể giải quyết trong ngày một ngày hai được. Sắp tới, huyện sẽ lưu ý việc này để làm sao tìm ra phương án giải quyết phù hợp nhất cho các hộ dân có thể an cư, lạc nghiệp theo đúng nghĩa của nó”.

Dự án khu tái định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ở xã Đặng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2012. Cuối năm 2012, 68 hộ dân trong đó có 39 hộ của xóm 6 và 29 hộ ở xóm 7 được chuyển về khu tái định cư này sinh sống.

Theo Cảnh Thắng (Dân Việt)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top