• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Thăm đền vua Mai Hắc Đế

HMO

Administrator
Staff member
Từ trung tâm thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, theo Quốc lộ 46 ven sông Lam, chúng tôi về thăm Khu di tích lịch sử vua Mai Hắc Đế. Khu di tích này đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1996.

Ông Mai Kim Lượng, 51 tuổi, người trông coi lăng mộ vua Mai kể lại với chúng tôi rằng, vua Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt, nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 713, Mai Thúc Loan có mặt trong đoàn phu đi cống vải (còn gọi là lệ chi) cho nhà Đường. Dọc đường, dân phu vô cùng khổ cực. Là người có sức khỏe, nhanh nhẹn, giỏi võ, tài năng, chí lớn, Mai Thúc Loan vận động dân phu nổi dậy giết bọn quan, lính áp tải, rồi dùng trái “lệ chi” làm lễ ăn thề. Mọi người cùng nhau tuyên thệ: “Dốc chí phục thù, giết hết bọn giặc để cứu nước” và tôn Mai Thúc Loan làm chủ súy. Mai Thúc Loan lập nghĩa quân, chọn Sa Nam làm căn cứ vì rú Đụn lớn hơn rú Vệ, hiểm trở và kín đáo, hai bên có sông Lam bao bọc. Xây đắp chiến lũy thành Vạn An (trên địa bàn thị trấn Nam Đàn hiện nay), chứa voi trận, khí giới, vũ khí, lương thực dự bị để tính kế lâu dài. Lần đầu tiên trong lịch sử, nghĩa quân của Mai Hắc Đế đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, lập nên nhà nước Vạn An độc lập, tự chủ ở thế kỷ VIII, buộc nhà Đường sau đó phải bãi bỏ lệ cống nạp sản vật và thay đổi một số chính sách cai trị dân.


Cảnh quan Khu di tích lịch sử vua Mai Hắc Đế.
Đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn, hướng ra đê sông Lam, phong quang, sạch sẽ. Cổng đền thờ Vua Mai khá đồ sộ, có đến sáu trụ nhưng chỉ một lối vào rộng thênh thang. Hai trụ chính cao lớn, trên chóp có tượng kỳ lân, những trụ khác gắn sen búp. Hai bên cổng xây tường có mái giả, bên trái đắp tượng quan võ đeo kiếm, ngựa hồng, bên phải đắp tượng quan văn cầm quyển thư, ngựa bạch.

Theo sử ghi thì trước đây nơi thờ vua Mai là một ngôi đền nhỏ, đơn giản. Đến năm Minh Mạng thứ hai được xây dựng khang trang hơn, kiểu chồng diềm tám mái. Đầu thời nhà Nguyễn, đền được mở rộng diện tích hơn 10.000m2. Năm 2005, ngôi đền được trùng tu gồm ba phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối.

Từ đền vua Mai cách khoảng 3km về phía tây là đến khu mộ vua Mai. Lăng mộ vua Mai được xây dựng ngay trên khu đất an táng hài cốt. Ngài qua đời năm 723, trong thung lũng núi Đụn rộng vài chục mẫu, ba mặt có núi bao quanh, ngoảnh mặt về hướng đông, nhìn thẳng ra dòng sông Lam. Ngôi mộ được xây theo kiểu "thượng miếu hạ mộ" (miếu ở trên, mộ ở dưới). Hiện nay, khu mộ đã được tôn tạo lại có quy mô bề thế, trang trí công phu.

Năm 2015, tại đây đã phát hiện nhiều di vật như: Tượng chim uyên ương, tượng đầu rồng, tay rồng, lá đề, đầu đao được làm từ đất nung. Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh tháp bằng đất nung loại nhỏ 5 tầng, cao trung bình 30-40cm.

Tại núi Giẻ ở làng Ngọc Trừng (xã Nam Thái) có lăng mộ mẹ vua Mai, ngôi mộ đã trùng tu và tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hài cốt tại vị trí người dân địa phương mai táng khi bà tử nạn cách đây hơn 1.300 năm. Ngày nay, để tưởng nhớ công ơn vua Mai Hắc Đế, hằng năm nhân dân tổ chức Lễ hội Vua Mai tại địa phương với nhiều nghi thức độc đáo như lễ rước nước, lễ yết cáo với các trò diễn, trò chơi dân gian, trở thành nét văn hóa, phong tục tốt đẹp của người dân Nam Đàn.
Theo QĐND
 

Ads HMO

Ads HMO

Top