• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Tương Dương Thủ lĩnh văn hóa miền sơn cước

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có chuyến ngược rừng lên với huyện miền núi cao Tương Dương. Anh Vi Tân Hợi, P.Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu. Không chỉ cánh báo chí luôn coi anh là bạn, bà con dân tộc cũng luôn xem anh là người con, người thầy kề vai, sát cánh những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Gần 15 năm trên cương vị lãnh đạo, bàn chân anh đã đến hầu khắp các bản làng xa xôi nhất của huyện miền núi rẻo cao này.


Anh Vi Tân Hợi vận động học sinh đến trường

Phó chủ tịch huyện gần dân

Anh Vi Tân Hợi vốn là một thầy giáo dạy môn vật lý. Năm 2010, tổ chức điều chuyển anh lên công tác ở Huyện ủy rồi làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Chừng ấy năm công tác dù ở vị trí nào, anh vẫn luôn tâm niệm phải cố hết mình, giúp đồng bào tiếp cận nhanh nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cương vị công tác mới, anh đã có gần 500 ngày đêm ở bản, vận động nhân dân các xã Luân Mai, Hữu Dương, Hữu Khuông, Kim Đa di dân tái định cư để xây dựng nhà máy thủy điện bản Vẽ. Có những cuộc họp kéo dài từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau vẫn chưa ngã ngũ, dân bản vẫn không chịu đồng ý di dời, anh vẫn kiên trì, bám trụ trong dân. Nhóm công tác của anh phải mất 47 ngày đêm mới xoay chuyển được tình thế. Có một câu chuyện rất cảm động tôi được anh em đồng nghiệp kể lại. Hôm đó cả tổ hết thức ăn phải vào bản hỏi mua, bà con nhất quyết không bán. Nhưng đồng nghiệp của tôi bảo: "Mua cho thầy Hợi” thì bà con nói: "Mua cho thầy Hợi thì bà con ta sẵn sàng bán”.

Anh Hợi luôn được dân bản tin yêu, bởi anh đến với bà con bằng cả tấm chân tình. Ở bản Chà Coong có học trò Lương Văn Bờ nhà nghèo nên đã bỏ học. Lúc đó, anh Hợi đang là thầy giáo. Biết tin, anh xin thầy Hiệu trưởng đi bộ 2 ngày đường xuống bản, lên tận rẫy để nói chuyện với gia đình và khuyên em Bờ trở lại trường. Sau đó, anh vận động một số bạn hữu góp tiền nuôi Bờ học hết phổ thông. Sau chuyện ấy, cả bản Chà Coong càng thêm quý mến, đón tiếp anh như chào đón một người con lâu ngày về thăm nhà.

Huyện Tương Dương có 10 bản đồng bào Mông sinh sống. Chuyện di cư tự do sang Lào, tái trồng cây thuốc phiện từ năm 2006 về trước diễn ra như cơm bữa. Anh nhận nhiệm vụ đến bản để vận động bà con. Có những bản ở trên đỉnh núi cao như Huồi Cọ, Huồi Măn hay Phá Mựt ở Nhôn Mai phải đi bộ 8 tiếng đồng hồ, phải leo núi 4 giờ liền. Có những chuyến đi dài ngày phải sang tận xã Tri Lễ, huyện Quế Phong hoặc sang tận Lào để thuyết phục bà con xóa bỏ cây thuốc phiện. Sau bao nỗ lực của tập thể lãnh đạo huyện, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân anh, tình hình di cư tự do sang Lào, trồng cây thuốc phiện của đồng bào Mông đã giảm hẳn.

Anh vẫn thường nói với đồng nghiệp: "Một ngày xa dân là một ngày không hiểu dân. Để được bà con tin yêu, trước hết phải am hiểu đời sống, ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán của đồng bào; phải luôn tâm huyết với công việc, có tình thương và mong muốn đồng bào tiến bộ”. Có lẽ vì thế, anh đã tự mày mò học tiếng Mông, tập thổi khèn Mông, Pí Tơm và nói tiếng Khơ-Mú rành rọt.

"Công việc của huyện là ở cơ sở”

Khi đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch huyện kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học, việc đầu tiên của anh là xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài. Anh cùng Hội khuyến học huyện bắt tay vào xây dựng các điển hình dòng họ, thôn bản, gia đình hiếu học. Câu chuyện ở bản Huồi Cọ là một trong những minh chứng cho lòng tâm huyết của anh. Cuộc sống khó khăn, nghèo đói, ai cũng chỉ lo công việc mưu sinh thường nhật mà quên việc đi tìm con chữ. Thế nhưng, từ khi Và Bá Tủa trở thành bác sĩ, anh và Hội khuyến học huyện đã tích cực phát động phong trào thi đua trong dòng họ Và, dùng tấm gương Tủa để động viên con em các gia đình tích cực phấn đấu học tập. Không lâu sau, bà con đã dần thay đổi quan niệm, việc cho con mình theo học tại trường dân tộc nội trú huyện, tỉnh và những trường cao hơn dần ăn sâu vào ý thức đồng bào và trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Anh Hợi bộc bạch: "Bây giờ thấy mấy em gái người Mông đã bỏ tập tục lạc hậu của đồng bào, theo học hết THPT rồi đi học chuyên nghiệp, mình mừng lắm”. Hiện nay bản Huồi Cọ có 37 hộ, hơn 200 khẩu, đã có 27 em đã và đang học đại học.

Thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những khó khăn, vất vả của bà con dân tộc thiểu số, mỗi khi về công tác cơ sở anh luôn tâm niệm phải luôn gần gũi, cùng ăn, cùng ở với nhân dân bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm sâu nặng của người con đối với bản làng.

Sau những buổi làm việc với lãnh đạo địa phương anh thường xuống thăm bà con để tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng cây, con phù hợp với địa bàn để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, quản lý, giáo dục người nghiện ma túy, chăm lo cho con cháu học tập tốt… Bà con nghe theo lời vận động của anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, con cái học hành tiến bộ.

Theo ĐĐK
 

Ads HMO

Ads HMO

Top