• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Tấm lòng 'bồ tát' của người mẹ cưu mang hàng chục trẻ bất hạnh

HMO

Administrator
Staff member
Suốt 25 năm nay, bà Lê Thị Hồng (SN 1945) trú ở khối 2, phường Hồng Sơn, TP.Vinh đã lặn lội khắp các hang cùng ngõ hẻm để "nhặt" những mảnh đời bất hạnh, lang thang, nghiện ngập để cưu mang.

Lòng bao dung, sự sẻ chia của bà được rất nhiều người ngợi ca và trong số những đứa con bà đưa về nuôi, có những người đã thành đạt và trở nên có ích cho xã hội.
Đi nhặt “con” về nuôi
Bà Lê Thị Hồng sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em tại Nghệ An. Khi tròn 18 tuổi, bà xin làm công nhân tại xí nghiệp chè Nghệ An rồi lập gia đình với ông Nguyễn Năng Cậy, là thương binh nặng, có bố là Liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cuộc sống gia đình khi mới lấy nhau gặp rất nhiều khó khăn, mấy cha con, mẹ con phải sống khổ sở trong ngôi nhà tạm bợ sau khu chợ Vinh.
Bà Lê Thị Hồng.
Một mình bà vừa đi làm ở xí nghiệp, đêm về tranh thủ đi vác thuê, quét rác... ở chợ Vinh để kiếm ít đồng về thuốc thang cho chồng. Mấy đứa con bà đứt ruột đẻ ra phải chịu cảnh thiếu thốn vật chất, bữa đói, bữa no. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những đứa trẻ đồng lứa lang thang cơ nhỡ ở chợ Vinh, bà lại không cầm được lòng, muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ các em. Và cách bà chọn đó là đưa những đứa nhỏ vô gia cư mà mình gặp về nuôi trong chính ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng bà.
Nói về "cơ duyên" lần đầu bà làm mẹ của những mảnh đời bất hạnh, bà tâm sự: "Đó là vào một ngày giáp Tết năm 1989, thời điểm ấy, tầm khoảng 9h tối, bà vừa trở về nhà sau một đêm bốc vác hàng ở chợ Vinh, chưa kịp bước vào nhà thì phát hiện một cháu bé nằm vật vờ, đói lả bên kia vỉa hè. Lại gần hỏi thăm, tôi mới biết được đó là cậu bé bị lạc mất bố. Chẳng kịp nghĩ ngợi nhiều, tôi vội đưa vào nhà, lấy quần áo của con mình cho cậu bé mặc, lấy cơm cho ăn".
Sau khi trấn tĩnh lại, cậu bé cho biết tên là Thạch Quang Tiến, mới 10 tuổi. Tiến có một tuổi thơ bất hạnh, bố mẹ bỏ nhau lúc em mới 6 tuổi, mẹ đi lấy chồng khác, em sống với bố trong khu tập thể quân nhân vì bố là bộ đội. Cách thời điểm em được mẹ Hồng phát hiện, đơn vị của bố chuyển quân, em đi theo và đã bị lạc. Giờ đây, Tiến cũng không biết đơn vị bố đi đâu, nên đã mấy ngày em dặt dẹo khắp nơi, đến lúc đói rét quá tìm đến vỉa hè cạnh chợ Vinh ngủ. Từ bấy đến nay, Thạch Quang Tiến đã được vợ chồng bà nuôi dạy, dựng vợ gả chồng và kiếm cho công việc ổn định giữa TP.Vinh.
Tiếp đó, vào năm 1993, khi bà đang quét rác trong chợ Vinh để kiếm thêm thu nhập thì phát hiện ra một đám đông đang tụm năm tụm ba bàn tán, chỉ trỏ. Tò mò bà tiến lại gần thì thấy một bé trai chừng 3 tuổi đang nằm co ro trong một mái che tạm bợ của bà bán thịt, sợ hãi nhìn xung quanh, rồi khóc thét lên. Có lắm người quan tâm, nhưng nhìn đứa trẻ gầy dơ xương ai cũng lắc đầu ái ngại bỏ đi. Thấy cảnh ấy, bà Hồng đã bế cháu bé lên, hỏi han sự tình nhưng nó chỉ khóc ré lên đòi tìm mẹ. Qua câu chuyện của những người bán buôn gần đó, bà biết được một bà mẹ trẻ đã bế cháu bé đến để đấy rồi đi mất. Thương đứa bé có hoàn cảnh éo le, bà lại một lần nữa nhón tay làm phúc, đưa đứa trẻ về nuôi nấng, đặt tên là Nguyễn Năng Tuấn.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp mà vợ chồng bà Lê Thị Hồng đã cưu mang và nuôi nấng. Không chỉ những đứa trẻ bị bỏ rơi, mà hễ thấy hoàn cảnh éo le là bà lại đưa về ngôi nhà hạnh phúc của mình để nuôi dạy. Có những đứa trẻ hành nghề ăn xin, đánh giày ngày vật vạ khắp phố, tối co quắp trên những vỉa hè, đêm đêm đi quét rác, bà bắt gặp lại đưa về nhà cho tá túc, nuôi ăn ở, kiếm việc làm. Có những đứa trẻ trước khi về ở với gia đình bà chuyên hành nghề móc túi, trộm cắp, thậm chí còn là "đại ca" nhí ở ga tàu, bến xe bà đem về dạy dỗ và nuôi nấng thành người.
Có thời điểm, ngôi nhà của hai vợ chồng bà có đến 7 người con nuôi, cộng với ba đứa con ruột nữa là 10 người. Chật chội, đói ăn, đói mặc nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười vui. Những đứa con này có đứa chỉ ở với mẹ được mấy tháng rồi phải ngậm ngùi chia tay khi bà tìm lại được mái ấm ruột thịt cho chúng, cũng có đứa ở được mấy năm thì có người đến xin làm con nuôi. Sau khi tìm hiểu gia cảnh của người muốn nuôi con, thấy đủ điều kiện bà đã cho các cháu về sống với họ để đảm bảo hơn về tương lai.
Ngôi nhà nhỏ ngày xưa nay đã được xây dựng lại.
Hạnh phúc đơm hoa
Bà Hồng năm nay bước sang tuổi xế chiều nhưng có lẽ do bà đã phải "gồng mình" mấy chục năm nay nuôi nấng những phận đời bất hạnh nên nhìn bà hao gầy và già đi nhiều so với tuổi thực. Đã thế, căn bệnh rối loạn thần kinh, khớp gối còn làm cho trí nhớ bà có lúc kém minh mẫn. Nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà vẫn ánh lên niềm tự hào khôn xiết. Bởi rằng, vợ chồng bà may mắn hơn, giàu có hơn nhiều người khác khi những người con mà bà nuôi nấng, chăm bẵm nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và hơn bao giờ hết là một mái ấm gia đình hạnh phúc.
Điều mà bà cảm thấy hạnh phúc hơn là bà đã trao những đứa con mình cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đường con cái, cho họ cái quyền được làm cha mẹ. Có lẽ, cũng chính bởi vậy mà không chỉ các con của bà mà với nhiều người, cái tên "mẹ Hồng" đã trở thành cửa miệng mỗi lần nhắc đến, để cảm ơn về sự cưu mang này.
Cho đến bây giờ, vợ chồng bà Hồng cũng không nhớ được là mình đã nhận nuôi bao nhiêu đứa trẻ có số phận thiếu may mắn như thế, chỉ biết rằng, mỗi khi có dịp, những đứa con ngày nào lại tìm về để tạ ơn bố mẹ nuôi. Có đứa nhớ mặt, đứa nhớ tên, nhưng cũng có đứa chẳng thể nhớ ra, vì chúng đã trưởng thành, khác xưa nhiều quá.
Chỉ tính riêng xung quanh thành phố Vinh và vùng ngoại ô này cũng đã có đến gần chục đứa con đã là con của bà, đó là trường hợp của bà Phạm Thị Nga ở xã Hưng Đông, là hai anh em Toàn - Thắng ở phường Bến Thủy, là cháu Võ Văn Hương ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc). Mỗi cháu một hoàn cảnh, song bà Hồng ấm lòng là đến nay, chúng đã tìm được mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.
Những đứa con mẹ Hồng bây giờ đã có gia đình và công việc ổn định - đó là niềm tự hào nhất của bà. Con gái đầu của bà là Nguyễn Thị Thoa, hiện nay đang là Giám đốc công ty TNHH chuyên về lĩnh vực chăn ga gối đệm có tiếng ở phố Trần Phú (TP.Vinh), có một gia đình ấm áp với 2 đứa con. Con gái thứ hai Nguyễn Thị Thắm theo chồng sinh sống và làm việc tại TP Nha Trang, hiện đang tu nghiệp tại Úc với nghề kỹ sư nuôi trồng thủy sản. Còn cậu con trai út Nguyễn Văn Thống được bố mẹ giúp đỡ vốn liếng để chung nhau mở một đại lý kinh doanh ga ở gần nhà. Cậu con nuôi cả Thạch Quang Tiến hiện đã có một gia đình nhỏ, với hai đứa con, còn bản thân là giáo viên dạy lái tại một trường đào tạo sát hạch lái xe tại phường Quán Bàu (TP.Vinh).
Giờ, không chỉ 5 đứa con của bà, mà những đứa con bà nuôi nấng (ngoại trừ những đứa không liên lạc trở lại), còn với những đứa con mà bà biết được địa chỉ thì chúng đều đang sống tốt, trong đó có những đứa chỉ ở với bà chưa đến một tháng, đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhìn chúng, ít ai biết được rằng, ngày xưa chúng là những phận đời bị bỏ rơi.
Bà Nguyễn Thị Sáu, hàng xóm nhà bà Hồng chia sẻ: "Nhìn bà Hồng khổ sở chống chọi với bệnh tật những ngày tuổi đã qua bên kia dốc cuộc đời, tự dưng tôi lại thầm trách ông trời sao quá bất công. Cả đời bà đã gần như dành trọn cho những việc làm thiện nguyện để mang lại cuộc đời thực sự có ý nghĩa cho nhiều phận người. Giờ đây, bà đang phải chống chọi với bệnh tật ai cũng thương nhưng những đứa con hiếu thảo đã làm bà vơi đi ít nhiều nỗi đau".
"Những đứa con thành đạt tiếp sức cho tôi chống chọi bệnh tật"
Ba đứa con do ông bà dứt ruột đẻ ra, cùng với những đứa con nhận nuôi, đến nay tất cả đều đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Bà bảo: "Con cái tôi trưởng thành là điều mà suốt mấy chục năm qua tôi thầm ước mong. Nhớ ngày mới đưa các con về nuôi, lắm điều tiếng thị phi, kể cả những đồn thổi ác ý, tôi buồn lắm”. Nói về ước nguyện của mình khi tuổi đã về chiều, bà chân tình bộc bạch, sẽ tiếp tục cưu mang trẻ bất hạnh cho đến cuối đời. Giờ bệnh tật thế nhưng nhìn những đứa con thành đạt, bà luôn vững tin.
HMO nguồn Người đưa tin.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top