• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Tương Dương Tam Hợp một bản làng chưa bình yên

HMO

Administrator
Staff member
Xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) một thời có nhiều đối tượng chống đối, tấn công cán bộ, di cư trái phép sang Lào, chặt phá gỗ quý, săn bắn động vật hoang dã... Nhưng, chưa từng có vụ việc nào gây chấn động khắp bản làng, làm cho bà con hoang mang, lo sợ như vụ thảm sát một lúc 4 sinh mạng ở bản Phồng hôm 2/7.

Một góc bản làng Huồi Sơn
Từng nghe theo đối tượng xấu
Tam Hợp là xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Tương Dương. Có 9 kilômét chiều dài đường biên nối liền với nước bạn Lào bởi dãy Trường Sơn trùng điệp. Vừa là vùng biên cương, lại nằm sâu trong thung lũng của núi rừng miền tây xứ Nghệ, vùng đất này có một quá khứ cam go và không chút bình yên.

Trước đây, một số người dân của hai bản Phà Lõm và Huồi Sơn từng nghe theo kẻ xấu xúi giục, đã liên tục chống đối chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Họ tự do di cư trái phép sang Lào, rồi tự do xâm nhập trở lại.

Một số chiến sỹ Đồn Biên phòng 551 đóng tại xã Tam Hợp kể lại, trước năm 2005, một số đối tượng “phỉ” từ Lào đột nhập và trà trộn vào khu vực dân cư vùng biên giới Tam Hợp để tuyên truyền những thông tin xấu, rồi xúi giục bà con chống đối.

Dọc tuyến biên giới này không ít lần bọn chúng được trang bị súng ống, đạn dược để tấn công bộ đội biên phòng ta khi đang làm nhiệm vụ. Đỉnh điểm là ngày 26/7/2004, trong khi tuần tra khu vực biên giới, Trung úy Và Bá Giải (SN 1975, người dân tộc Mông, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là chiến sỹ thuộc đồn Biên phòng 551 đã phát hiện toán “phỉ” đang xâm nhập qua biên giới để vào địa bàn xã Tam Hợp. Trong lúc truy đuổi các đối tượng, anh Giải bị bọn chúng chống trả rồi tấn công quyết liệt. Cuối cùng anh đã hy sinh ở ngay mảnh đất Tam Hợp này. Từ đó về sau cuộc chiến chống “phỉ” ngày càng khốc liệt.

Ngoài các đối tượng “phỉ” từ nước bạn Lào trà trộn vào địa phương, một số bà con người dân tộc Mông ở Tam Hợp cũng theo “phỉ” nên gây không ít khó khăn cho bộ đội ta cũng như chính quyền sở tại. Nhiều đối tượng còn tìm cách liên lạc và tiếp tế lương thực cho “phỉ” sang tận bên kia biên giới nước bạn Lào.

Để ngăn chặn lực lượng tiếp tế và đẩy lùi toán “phỉ”, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã được tăng cường lực lượng để ngày đêm sẵn sàng chiến đấu. Trong thời gian đó, hầu như đêm nào các chiến sỹ biên phòng cũng đối mặt với “phỉ”, sau đó đã bắt gần 50 đối tượng để bàn giao cho phía nước bạn Lào.

50 đối tượng khác là người Việt Nam tham gia tiếp tế cho “phỉ” được bộ đội biên phòng Đồn 551 giáo dục, cảm hóa và đưa về sống tập trung ở bản mới Huồi Sơn từ đó cho đến nay.

Nhiều người dân bản Phồng (Tam Hợp) chưa dám vào rẫy sản xuất
Chưa hết gian nan
Trung tá Phạm Huy Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng 551 cho biết, xã Tam Hợp có 5 bản nằm rải rác khắp biên cương. Trong đó, Huồi Sơn và Phà Lõm là bản của đồng bào Mông, hai bản người Thái là Văng Môn và Xốp Nặm, bản còn lại là người Tày Pọong tức bản Phồng (nơi vừa xẩy ra vụ thảm án).

Hiện nay, dân số ở xã Tam Hợp đã lên đến 2.135 nhân khẩu, với 453 hộ gia đình sinh sống ở khắp các bản làng. Gần đây, một số bà con người Mông tiếp tục lén lút di cư trái phép sang Lào để làm ăn, số nữa hiên ngang đi bằng hộ chiếu nhưng qua nước bạn là trốn luôn bên đó. Gần đây có 3 hộ, với 15 nhân khẩu ở bản Phà Lõm đã di cư trái phép ra khỏi địa bàn xã Tam Hợp để sang nước bạn Lào, nay mới có 1 hộ, với 3 nhân khẩu quay trở về.

Được biết, hầu hết bà con người Mông di cư trái phép chủ yếu là để đi phát nương làm rẫy. Một phần do phong tục, tập quán, sinh sống theo lối du canh, du cư của họ; phần nữa chủ yếu đi để làm ăn, sản xuất. Cũng không ít trường hợp ở hai bản Huồi Sơn và Phà Lõm, mỗi khi mâu thuẫn nhau là họ bất ngờ bỏ địa phương mà đi. Vừa qua, ở hai bản Mông nói trên có một số hộ gia đình đang có ý định di cư trái phép sang Lào, nhưng được bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động và giải thích nên sau đó không ai bỏ quê di cư trái phép nữa.
Cách đây chưa lâu, kể từ lúc xẩy ra vụ thảm án man rợ ở bản Phồng, trên địa bàn này cũng vừa xẩy ra vụ chặt phá gỗ quý ở rừng Quốc gia Pù mát. Một số đối tượng chặt thuê đã bị bắt đi tù, số đối tượng cầm đầu ở bản Phà Lõm bỏ trốn sang Lào trước sự truy nã của cơ quan chức năng.

Bộ đội biên phòng Đồn 551 thăm hỏi, động viên ông Bình, người duy nhất còn sống trong gia đình bị thảm sát
Vào rẫy nhưng vẫn lo
Trở lại vụ thảm án ở bản Phồng nay đã chuẩn bị bước sang ngày thứ 15 nhưng manh mối của kẻ thủ ác vẫn trong bóng tối. Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, sáng 15/7, dọc các tuyến đường mòn men theo các con khe, con suối, người dân một số bản làng thuộc xã Tam Hợp bắt đầu tiếp tục trở lại với công việc của mình. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa hết khiếp sợ.

Anh Lo Văn Trung, một người dân bản Phồng tâm sự, hôm nay (15/7) lác đác một số hộ gia đình đã bắt đầu lên rẫy của mình để sản xuất. Nhưng bà con đi làm theo cụm, cứ sau khi lao động mệt nhọc, đến giờ nghỉ ăn trưa là vài ba gia đình co cụm lại gần nhau ở một chỗ, không ai ở lại qua đêm trên nương rẫy của mình như mọi khi.

Người dân Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An) trong lán trại ở rải rác trong rừng vẫn còn lo sợ
Được biết, gia đình ông Lo Văn Bình (người có vợ, con trai, con dâu và cháu trai bị thảm sát) thuộc diện hộ nghèo nên cách đây 2 năm, Nhà nước đã hỗ trợ gia đình ông 40 triệu đồng, Đồn Biên phòng 551 cũng ủng hộ 10 triệu đồng để dựng ngôi nhà gỗ. Làm xong, ở chưa được bao lâu thì xẩy ra vụ thảm án, tước đoạt mạng sống của 4 người thân trong ngôi nhà ấy.
Trước mất mát đau thương này, lãnh đạo Đồn biên phòng 551 đã huy động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị quyên góp được 6 triệu đồng ủng hộ gia đình ông Bình 3 triệu đồng, ủng hộ bố mẹ nạn nhân Lê Thị Yến. UBND xã Tam Hợp ủng hộ ông Bình 3 triệu đồng, UBND huyện Tương Dương ủng hộ 10 triệu đồng.

Quyết liệt điều tra phá án
Chiều 15/7, đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết Công an tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ liên quan phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ vụ án tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương.

Công an tỉnh Nghệ An đã khẩn trương thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định các dấu vết liên quan và tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định. Huy động các điều tra viên, trinh sát viên, giám định viên có kinh nghiệm, năng lực để tập trung đấu tranh làm rõ vụ án.

Do nơi xảy ra vụ án là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Tương Dương; giáp ranh biên giới với nước CHDCND Lào, ít người qua lại, xa vùng dân cư sinh sống và có nhiều thành phần dân tộc sinh sống (Tày Pọong, Thái, Mông), trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế nên trong quá trình tổ chức điều tra, xác minh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo TPO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top