• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Anh Sơn Từ đôi tay tật nguyền với ước mơ nghề Đan trong tương lai

HMO

Administrator
Staff member
Hơn 30 năm qua, anh Lô Văn Tuấn (Xóm 11, Xã Hoa Sơn, Anh Sơn) phải chiến đấu với căn bệnh bại liệt. Suốt 30 năm đó anh mất khả năng đi lại, ngày ngày lam bạn với chiếc giường nhưng với sự cố gắng để trở thành “người tàn nhưng không phế”, anh đã tự tìm tòi học hỏi để trở thành người đan vợt nổi tiếng ở miền quê nghèo khó này.


Mặc dù tàn tật nhưng anh Tuấn vẫn ngày ngày tỉ mỉ đan vợt để nuôi ước mơ phục vụ bà con
của mình
Vượt qua quãng đường hơn 100 km đầy đá lởm chởm từ TP Vinh, chúng tôi theo con đường 7 tìm đến xóm 11 để tìm hiểu về hoàn cảnh đáng thương của anh vào một buổi trưa khi mặt trời đã đứng bóng. Hỏi về anh Tuấn không ai ở xóm nghèo này không biết bởi anh đã quá “nổi tiếng” từ lâu ở nơi đây với căn bệnh bại liệt và khả năng nằm đan vợt bắt cá “có một không hai” để bán lại cho bà con nơi đây.

Trong căn nhà ngói 2 gian cũ nát đầy rêu mốc bởi sự bào mòn của thời gian hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh người đàn ông với mái tóc dài như nghệ sĩ, khuôn mặt khá hiền hậu… nhưng anh có một thân thể không được như người bình thường, đôi chân anh chỉ còn da bọc xương, hai tay cũng teo tóp không kém, da thì xanh xao vàng vọt, những đường gân lộ rõ như vẽ trên cơ thể. Thân thể là vậy nhưng khi chúng tôi đến vẫn thấy anh đang cần mẫn, tỉ mỉ đan vợt, một công cụ đẻ bắt cá bán cho mọi người.

Vừa luôn tay đan vợt, anh vừa kể với chúng tôi câu chuyện về cuộc đời mình. Cha mẹ sinh ra được 3 anh em trai, anh là con út trong gia đình. Thế nhưng anh không có may mắn được hưởng trọn vẹn niềm vui tuổi thơ, không có được nhiều sự chở che từ bàn tay cha mẹ. Mới hơn 2 tuổi anh bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, thấy hoàn cảnh thật đáng thương cả 3 anh em được chú ruột đem về cưu mang nuôi dưỡng. Tuổi thơ thiếu đi sự quan tâm chăm sóc của người thân đã là một bất hạnh, mất mát lớn. Thế nhưng nỗi đau không dừng lại ở đó khi cậu bé Tuấn mới được 15 tuổi lại bị bệnh sốt rét rừng quái ác quật ngã. Nhà nghèo nên chú không có tiền đưa đi chữa bệnh, chỉ có mấy thứ thuốc lấy từ cây rừng, bệnh tình không thuyên giảm, biến chứng làm bại liệt thân thể phải nằm liệt giường từ đó đến nay.

Giọng buồn buồn, anh tuấn kể: “Khổ lắm các anh ạ! Lúc đầu mới bị bệnh ít buồn, cứ nghĩ bệnh một thời gian rồi sẽ khỏi nào ngờ bệnh càng ngày càng nặng thêm trở thành gánh nặng cho chú. Nhiều lúc tôi chỉ muốn chết quách đi cho khỏi phải đau đớn, khỏi trở thành gánh nặng cho mọi người nhưng may nhờ chú cũng rất thương cháu. Tôi nằm liệt một chỗ mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự lo cho bản thân được phải nhờ chú chăm sóc, chú không những không phàn nàn mà trái lại con rất quan tâm, an ủi nên tôi không đành lòng ra đi…” anh Tuấn nghẹn ngào tâm sự.

Cuộc sống của anh cứ thế trôi theo năm tháng không có nhiều thay đổi. Anh sống trong nỗi đau chua xót cho bản thân, rồi cuối cùng bằng nghị lực sống và suy nghĩ sáng suốt anh đã đi đến quyết định không thể phụ lòng những người đã từng vất vả quan tâm, chăm sóc nên anh.

Cuộc sống đã cho tôi nhiều thứ
Anh Tuấn tâm sự: “Nghề đan vợt đầy khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo… Ý tưởng đan vợt lóe lên trong đầu tôi vào một lần lũ lụt năm 1992. Vào mùa mưa bão năm đó nước ngập trắng đồng, nhìn thấy bà con trong làng cầm vợt bằng dù đi xúc được nhiều cá, tôi thấy công việc đan vợt phù hợp với người tàn tật, đan vợt vừa giúp tôi đỡ buồn và có thể bán kiếm thêm chút tiền phụ giúp cuộc sống!”.

Lấy nguyên liệu từ bao bì xác rắn (bao tải ni lông) anh tháo ra rồi se nhỏ, lại lúc đầu đan vợt với anh rất khó khăn, đan mãi mà không thành vợt phải tháo đi tháo lại nhiều lần nhưng cuối cùng cũng đã cho “ra đời” những chiếc vợt đầu tiên. Sau đó anh nhờ chú mình mang đi bán. Thấy bán cũng có người mua nên càng thôi thúc anh gắn bó với công việc này hơn. Đến nay anh Tuấn đã có thâm niên gần 20 năm đan vợt bằng bao bì xác rắn, sản phẩm của anh không những được mọi người trong làng tin dùng mà nhiều người ở tận các xã thuộc huyện khác cũng đến đặt hàng. Để đan xong một sản phẩm vợt cỡ dài 1m, rộng 0,5m, phải mất thời gian ít nhất 15 ngày, sản phẩm như thế anh bán với giá 50.000 đồng. Thu nhập từ đan vợt chẳng được là bao nhưng với anh Tuấn đó cũng là công việc giúp anh có thêm niềm vui để sống và quan trọng hơn hết là anh cảm thấy mình “tàn nhưng không phế”. Hiện tại sản phẩm của anh là độc quyền ở các khu vực này vì giá cả rẻ, lại phù hợp với nhu cầu sử dụng của bà con. Anh Tuấn tâm sự: “Mình không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ. Cố gắng làm ra nhiều sản phẩn để phục vụ bà con tốt hơn là nỗi niềm của mình!”.

Anh Lô Văn Tý (anh trai đầu) của anh Tuấn ngậm ngùi tâm sự : “Em tôi nằm liệt giường suốt 30 năm rồi đó, khổ cho thân phận nó rồi chúng tôi cũng khổ theo. Chân tay nó các anh thấy đó, giờ chỉ còn da bọc xương, mỗi khi tắm rửa vệ sinh chân tay cứ co quắp. Thương em nhưng không còn cách nào giúp nó được chỉ biết để cho nó sống vậy thôi. Giờ thấy nó cứ tỉ mẩn đan vợt dù thu nhập chẳng được bao nhiêu nhưng chúng tôi cũng khuyến khích vừa để cho nó đỡ buồn vừa có thêm chút ít thu nhập!”.

Suốt 30 năm qua, anh Tuấn sống trong nỗi đau tinh thần và thể xác, thường xuyên đau ốm nhưng không có tiền đi viện khám bệnh. Mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Bây giờ anh đang sống cùng gia đình anh trai đầu là Lô Văn Tý và chị Lô Thị Huyết (chị dâu) nhưng gia đình anh Tý cũng rất khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay lại phải nuôi 1 người con trai, 2 cháu gái ruột 5 tuổi là Lê Thị Giang và Lê Thị Niên (cháu ngoại) đều bị mồ côi cha mẹ. Mọi chi phí sinh hoạt cho 6 con người chỉ biết trông chờ 3 sào ruộng, gia đình thường xuyên thiếu đói phải nhờ vào bà con hàng xóm giúp đỡ. Anh Tuấn hiện giờ được hưởng trợ cấp 180.000 đồng mỗi tháng, ngoài ra chưa có hỗ trợ gì thêm.

Hơn 30 năm phải nằm liệt giường, nhưng chưa bao giờ ước mơ được làm việc lụi tắt trong tâm hồn anh Tuấn. Chia tay tôi, an Tuấn xòe đôi bàn tay khẳng khiu chi chít những vết chai sần rồi nói: “Tôi biết mình không được may mắn. Nhưng đã từ lâu lắm rồi tôi không còn buồn rầu nữa! Cuộc sống đã cho tôi nhiều thứ, tôi cảm ơn cuộc đời lắm! Cố sống làm sao cho khỏi hổ thẹn với lòng mình mới tốt phải không các anh!”…

Theo ANTĐ
 

Ads HMO

Ads HMO

Top