• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Tết khuyến học thành nét đẹp truyền thống nhiều dòng họ

HMO

Administrator
Staff member
Từ lâu Tết khuyến học đã trở thành nét đẹp truyền thống ở nhiều dòng họ trên nhiều vùng quê xứ Nghệ. Đây là dịp để người dân trong tỉnh tôn vinh sự học, gìn giữ tục khai bút đầu xuân và kỳ vọng về một năm mới thành công...

Lễ khai bút ở làng Quỳnh
Đã 7 năm nay, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) tổ chức lễ khai bút toàn dân. Xưa, việc khai bút đầu Xuân ở làng Quỳnh chỉ được thực hiện ở những gia đình được xem là “giàu chữ nghĩa”. Thường, vào ngày mùng 3 Tết, các bậc túc nho, văn hay, chữ tốt trịnh trọng chuẩn bị hương án, giấy, bút nghiên để viết những câu chữ đầu năm. Lễ khai bút đó có sự hiện diện của đông đủ con cháu trong nhà. Người khai bút viết thay cho tất cả mọi người trong nhà những câu chúc phúc tốt lành. Nay, truyền thống khai bút đầu Xuân ở làng Quỳnh vẫn được giữ gìn và có bước phát triển mới. Việc khai bút không chỉ tập trung ở một số người văn hay, chữ tốt, hay chỉ được tổ chức nhỏ lẻ ở các gia đình, dòng họ như trước đây mà tất cả mọi người trong làng đều được tham gia khai bút và trở thành một phong trào rộng khắp.

Lễ khai bút đầu năm ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Người Quỳnh Đôi ai cũng ý thức được giá trị đặc biệt của phong tục đẹp này. Người lớn tuổi xem việc khai bút là sự “đồng hành” để động viên con cháu học tập, người trẻ tuổi xem việc được lựa chọn khai bút tại đình làng là vinh dự lớn lao. Vậy nên ai cũng hăng hái tham gia.

Ngày mùng Hai Tết Bính Thân 2016, ngoài những người được lựa chọn từ các chi hội còn có 60 học sinh đại diện cho hơn 600 học sinh trong toàn xã Quỳnh Đôi tập trung về đình làng để khai bút. Lễ khai bút được cử hành sau tiếng trống vào hội của đồng chí Chủ tịch UBND xã. Trong 30 phút, người tham gia khai bút sẽ viết một đoạn văn, bài thơ theo đề tài mà ban tổ chức cho sẵn, thông thường chủ đề ca ngợi về cảnh đẹp quê hương, đất nước hôm nay. Nét chữ, nết người, người khai bút ai cũng suy tư lời hay, ý đẹp, nắn nót viết nên những văn từ ý nghĩa, hàm súc.

Cùng với học sinh, nhiều người cao tuổi ở xã, và các bậc phụ huynh cùng tham gia khai bút. Cô giáo Hồ Thị Huệ - giáo viên Trường PTCS Hồ Tùng Mậu, xã Quỳnh Đôi cho biết: Những học sinh “văn hay, chữ tốt”, ngoan ngoãn cũng được nhà trường lựa chọn để tham gia khai bút. Các em cũng rất hào hứng và thấy được niềm vinh dự này. Từ lễ khai bút, sự ham học, thành tích học tập của các em được nâng lên.
Tham gia lễ khai bút năm nay, em Hoàng Thị Hương Giang, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu chia sẻ: Khi đến đây, cháu thấy không khí lễ khai bút rất thiêng liêng. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để năm nào cũng được tham gia lễ khai bút đầu Xuân…

Trao thưởng cho các em tại lễ khai bút đầu xuân ở làng Quỳnh Đôi
Điều đặc biệt, lễ khai bút ở đình làng không phải là một hoạt động thi thố, bởi thực tế già, trẻ, trai, gái, dâu, rể và những người phương xa đều có thể tham gia. Sau giờ làm bài, Ban tổ chức tiến hành bình văn, chấm điểm “văn hay, chữ tốt” rồi trịnh trọng tuyên đọc những bài văn, bài thơ hay; Hội Khuyến học trao thưởng cho những người khai bút xuất sắc. Những phần quà trao thưởng không mang giá trị cao về vật chất nhưng có giá trị tinh thần vô cùng to lớn, là một vinh dự mà ai cũng mong đợi. Lễ khai bút đã là một kỷ niệm không bao giờ quên trong tâm thức mỗi người dân đất học Quỳnh Đôi. Ông Nguyễn Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi chia sẻ: Việc tổ chức khai bút có ý nghĩa rất lớn lao, trước hết là nối tiếp truyền thống quê hương; sau nữa là tạo nên một giá trị tốt đẹp đầu năm mới, tạo đà thêm những thắng lợi về việc học, đưa chất lượng học tập của các cháu ngày một tốt lên.

Nhân rộng mô hình khuyến học, khuyến tài
Năm 2016 là năm thứ 13 Hội Khuyến học Nghệ An tổ chức hoạt động Tết Khuyến học. Năm nay, Tết Khuyến học được phát động từ đầu tháng Hai tại thị xã Cửa Lò. Hoạt động được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nhằm tạo nên cao trào thi đua khuyến học đầu năm, nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động khuyến học. Đồng thời, nhằm động viên, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập của học sinh, giúp các em có thêm nghị lực đến trường. Hưởng ứng Tết Khuyến học, chỉ trong ngày đầu triển khai, gần 60 suất quà của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đã trao tặng cho trẻ khuyết tật, học sinh nghèo học giỏi của thị xã, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

Cùng với đó, các địa phương, các dòng họ trong thị xã cũng đã dành nhiều suất quà có giá trị để trao tặng những học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em có thêm động lực cố gắng. Trước đó, trong dịp tổng kết phong trào thi đua “Tháng Khuyến học Nghệ An” năm 2015, Công ty bê tông đúc sẵn và cơ khí Bình Dương và Công ty Thiên Phú đã trao tặng 240 suất học bổng trị giá 120 triệu đồng cho tất cả các trường học trên địa bàn thị xã. Còn tại huyện Diễn Châu, vào khoảng mồng 4, mồng 5 Tết, khi con cháu từ khắp mọi miền Tổ quốc về quê ăn Tết, là dịp các dòng họ trong toàn huyện Diễn Châu lại tổ chức Tết Khuyến học, làm lễ phát thưởng cho con cháu học hành đỗ đạt.

Tết Khuyến học năm nay ở Diễn Châu có gần 700 dòng họ trong huyện tổ chức rất sôi nổi và có ý nghĩa. Mỗi dòng họ đều trích quỹ khuyến học từ 10 - 30 triệu đồng để tổ chức trao thưởng cho con cháu, mỗi suất quà trị giá từ 50.000 - 500.000 đồng. Một điều hết sức ý nghĩa là thông qua phong trào khuyến học mà hiện nay toàn huyện có khoảng 25.000 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học” chiếm gần 40% số hộ trên địa bàn huyện.

Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đi đầu và sớm triển khai Tết Khuyến học. Chương trình thường kéo dài từ ngày 10 tháng Chạp đến cuối tháng Giêng và sôi nổi nhất vào những ngày Tết tại các gia đình, dòng họ và hội đồng hương của các xã, huyện. Nói về ý nghĩa của Tết Khuyến học, ông Cao Đình Hòe - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ: Mỗi một năm thông qua chương trình Tết Khuyến học, các cấp hội khuyến học đã vận động được gần 40 tỷ đồng từ nguồn quỹ của các gia đình, dòng họ, hội đồng hương, đồng môn, các cơ quan, doanh nghiệp. Nhờ số tiền này, gần 200.000 học sinh, sinh viên đã được động viên, khen thưởng. Đồng thời, hàng nghìn món quà có giá trị khác đã được trao cho học sinh, giáo viên ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa tôn vinh sự học và góp phần quan trọng để tô thắm thêm truyền thống hiếu học của người dân tỉnh nhà.
Theo Báo Nghệ An
 

Ads HMO

Ads HMO

Top