• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Tết ở làng hương trầm quê hương bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

HMO

Administrator
Staff member
Quỳnh Đôi, ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi là mảnh đất địa linh nhân kiệt sản sinh nhiều danh nhân và truyền thống khoa bảng lâu đời. Ngôi làng này cũng là nơi sản xuất hương trầm nổi tiếng.

Tới Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi được nghe người làng đọc lại lời bình của các sĩ phu xưa: "Bắc Hà Hành Thiện- Hoan Diễn Quỳnh Đôi", hoặc "Nam Hành Thiện- Nghệ Quỳnh Đôi", để đối sánh hai ngôi làng (Quỳnh Đôi ở Nghệ An và Hành Thiện ở Nam Định) đều có nhiều người học hành đỗ đạt.

Người làng tỏa ra khắp mọi miền đất nước để rồi cuối năm trở về quê hương ăn Tết với gia đình. Vì thế mà, Tết đến ngôi làng như nhỏ lại bởi sự đông đúc. Chiều 30 Tết Đinh Dậu, gió mùa đông bắc tăng cường tràn về làm không khí ngôi làng Bắc Trung Bộ này se lạnh. Ngày Tết, ở miền quê này không thể thiếu hương trầm.

Không ai biết chính xác hương trầm có ở Quỳnh Đôi từ bao giờ. Ông Hồ Quốc Việt, trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi cho biết: “Nghề hương ở làng có lâu lắm rồi, nhưng vì không có ông tổ nghề nên chẳng ai nhớ cụ thể vào năm nào. Người làng chỉ ước chừng hương trầm xuất hiện vào cuối thế kỷ 17”.

Ông Hồ Quốc Việt cho biết mỗi năm sản phẩm Hương Quỳnh của ông sản xuất trung bình 80 vạn que, đã có tận Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân
Hương trầm Quỳnh Đôi thắp lên để hậu thế bày tỏ lòng thành kính của mình trước gia tiên. Trầm ấy người ta còn mang biếu nhau, cùng nhau ngồi lại thưởng thức như một món ăn tinh thần, một thú chơi thanh tao nho nhã. Đó là điều độc đáo hiếm thấy ở một sản phẩm giàu giá trị tâm linh.

Theo ông Việt, Quỳnh Đôi là một trong những cái nôi làm hương trầm sớm nhất trong cả nước. Người làng làm hương trầm để thắp từ hàng trăm năm trước, tuy nhiên đến cuối năm 2012 mới thành lập làng nghề. Cũng từ mốc thời gian đó, hương trầm quê hương bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương càng nổi tiếng xứ Nghệ và cả nước.

Trầm Quỳnh Đôi đã có mặt thành phố Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Phú Quốc.


Làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi hiện nay có 20 cơ sở sản xuất với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân
Trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi chia sẻ: “Hương trầm Quỳnh Đôi không chỉ sản xuất vào dịp Tết. Những năm gần đây chúng tôi triển khai làm trầm sớm hơn, kéo dài từ trung tuần tháng 9 cho đến tết Nguyên đán. Trầm làng Quỳnh là sự kết tinh của nhiều nguyên liệu gồm bột mía, bột hương lâu và các vị thảo dược quý như: hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, rễ tế tân, sinh địa, thục địa...”.

Đi trên những con đường liên thôn những ngày Tết se lạnh, độ ẩm cao, mùi hương trầm quyện vào nhau tạo nên một mùi hương dịu ngọt đặc trưng. Người làng gọi đó là mùi vị Tết.

Những bậc cao niên trong làng có thể nghe mùi trầm mà đoán biết được chính xác trầm ấy tạo thành bởi các loại nguyên liệu gì và mức độ đậm nhạt của từng vị ra sao.


Chu hương được làm bằng phải qua nhiều công đoạn xử lý trước khi đưa vào quấn. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân
Để có một que hương thắp ngày Tết, cần rất nhiều thời gian, nhiều công đoạn. Trừ một số nguyên liệu mua sẵn như giấy bản; việc sơ chế các nguyên liệu như mía, rễ hương lâu, các vị thảo dược... nay đã có máy móc nhưng về cơ bản trầm làng Quỳnh vẫn được làm theo phương pháp thủ công.

Chu hương chủ yếu dùng nứa có sẵn ở địa phương, chẻ nhỏ làm chu. Nứa được ngâm nước, sau đó vào những tháng 5, tháng 6 khi thời tiết nắng nóng, được chẻ bỏ phần vỏ ngoài, phần ruột trong được chẻ nhỏ làm chu, đây là phần vừa dẻo, vừa mềm và dễ cháy. Sau khi được chẻ xong, chu được nhuộm phẩm đỏ từ 15-20 cm để làm chân hương, rồi được phơi sương, phơi nắng để chu khô. Nhờ đó, không hoá chất nhưng hương Quỳnh Đôi luôn cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, uốn cong rất đẹp.

Cơ sở sản xuất trầm Hương Quỳnh của ông Việt mỗi mùa hương làm được 80 vạn que. Cơ sở này cung ứng sản phẩm với giá “mềm” cho Hội người mù huyện Quỳnh Lưu. Sản phẩm sau khi đã bán ra thị trường ông mới thu lại vốn, khoán cho Hội một số công đoạn như chẻ chu, đóng gói... Trung bình mỗi năm Hội tiêu thụ từ 30 đến 35 vạn que trầm.

Để có một que hương trầm hoàn chỉnh thắp ngày Tết, phải chuẩn bị trước đó cả năm. Ảnh: Nguyễn Hồng Quân

Ngoài cơ sở trầm của ông Việt, Quỳnh Đôi còn nhiều cơ sở sản xuất trầm nổi tiếng như Hiếu Nghĩa, Tiến Đạt, Thành Tâm, Phúc Lộc... mà mỗi thứ trầm lại cho ra một mùi vị rất đặc trưng theo bí quyết riêng của mỗi gia đình mỗi năm cũng sản xuất hàng chục vạn que hương.

Ngày nay, rất nhiều địa phương sản xuất hương trầm. Hương trầm Quỳnh Đôi phải lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Dẫu vậy những người tâm huyết với nghiệp làm trầm ở Quỳnh Đôi vẫn lặng lẽ chắt chiu giọt tinh túy đất trời, cây cỏ để lưu giữ hồn trầm. Họ làm trầm như chính là để dâng lên gia tiên của mình, để cái tâm thành kính hướng về nguồn cội.

Theo GĐVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top