• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghĩa Đàn Tìm lối thoát nghèo cho Bản Nung

HMO

Administrator
Staff member
Cơn mưa bất chợt đầu tháng 6 khiến con đường tới bản Nung, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn trở nên lầy lội. Đây là nơi cư trú của đa số đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương. Nhưng tại bản nghèo này, chúng tôi chứng kiến một nghịch lý: người nông dân đang phải làm thuê trên chính mảnh đất quê mình.


Đường vào bản Nung sau trận mưa


Thoát ly ruộng đất không thoát được nghèo

Qua lời kể gián đoạn của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức - Bạch Hưng Nam, tôi đã hình dung phần nào về một bản nghèo luôn cận kề cái đói. Anh Nam cho biết về dự định bê-tông hóa những con đường đất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, song vẫn khó khăn trong việc huy động vốn. "Người dân quá nghèo, chưa đủ ăn thì làm sao mà kêu gọi họ đóng góp”, Chủ tịch Nam nói.

Nhưng cái khó nhất tại bản Nung chính là việc thuyết phục người dân giữ đất sản xuất, khi đại đa số đồng bào đã bán ruộng đất với giá rẻ để đi làm ăn xa, hoặc có người phải làm thuê trên chính mảnh đất mình bán đi.

Tiếp chuyện chúng tôi, chị Hồ Thị Hương, trưởng bản Nung cho biết: Toàn bản hiện có tới 70% hộ dân đã bán ruộng đất, bởi nếu có giữ lại họ cũng chỉ để đất hoang hoặc trồng mía nhưng không hiệu quả.

Chỉ vào mấy ruộng mía xanh mướt, chị Hương nói thêm: Giờ ruộng đất, cây trồng là của người ta đấy, dân bản vẫn làm nhưng chỉ là làm thuê cho họ thôi. Trong mạch chuyện, chúng tôi được biết về nhiều gia đình có tới hai thế hệ phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình, như gia đình anh Phạm Văn Thanh, chị Trương Thị Nhàn... sau khi bán đất, có người dân cũng lấy đó làm vốn để đi làm ăn xa để mong tìm cơ hội đổi đời. Lang bạt khắp nơi như anh Phạm Văn Thanh, cuối cùng vẫn phải trở về bản và làm thuê cho chủ vườn. Không có ruộng cấy lúa, thiếu việc làm nên người dân chỉ còn biết mua chịu các nhu yếu phẩm tại các đại lý trung tâm xã, và chờ khi có tiền, gạo hỗ trợ thì trả dần. "Giờ mua gạo, ký sổ, đến khi có tiền công làm thuê, bán lợn, gà cũng chỉ đủ trả nợ tiền gạo”, chị Hồ Thị Thương than thở.

Tiếp câu chuyện, anh Hà Văn Hùng - một người dân tại bản phải làm thuê trên chính mảnh đất của gia đình cho biết, công việc chính của anh là vặt lá mía và dọn vườn. Hơn 1 hécta, anh được chủ vườn trả với giá 700.000 đồng. "Vất vả lắm, làm xong được ngần ấy thì cũng phải mất ròng tháng trời, nhưng không làm thì lấy đâu tiền đong gạo”, anh Hùng cho biết.

Theo anh Hùng, do không biết hướng sản xuất nên anh đã bán ruộng cho người ở bản khác. Với anh Hùng, ước mơ lớn nhất của anh và nhiều hộ dân khác là đảm bảo được đủ cơm ăn, còn thoát nghèo vẫn là giấc mơ xa vời.


Cảnh hoang vắng tại bản Nung


Do ý thức hay thiếu cách làm hiệu quả?

Bản Nung là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là dân tộc Thổ (chiếm 80%), một bộ phận nhỏ là dân tộc Thái và Kinh. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của bản hiện vẫn là 100%. Trưởng bản cho hay, nhờ thụ hưởng chính sách từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 551/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên năm nào bản cũng được hỗ trợ giống cây, cấp gạo cứu đói, nhưng do tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân và thiếu mô hình sản xuất phù hợp nên người dân vẫn nghèo.

Qua tìm hiểu, không ít người dân tại bản cho rằng, việc trồng trọt vất vả, chi phí thì nhiều, thu hoạch không được lãi nên họ đã bán hoặc bỏ ruộng. Nhiều hộ dân còn xin làm hộ nghèo để được Nhà nước hỗ trợ.

Đề cập đến những khó khăn do thiếu mô hình sản xuất phù hợp, vị Chủ tịch xã Nghĩa Đức cho rằng, đó không phải là lý do lớn nhất, bởi trên địa bàn xã có rất nhiều hộ dân với nhiều mô hình phát triển kinh tế thành công và cho hiệu quả cao như mô hình trồng mía, dưa hấu, chăn nuôi gia súc... "Thực tế là khi được phát trâu, bò, nhiều hộ đã bán đi lấy tiền tiêu. Cây giống được Nhà nước cấp, nhưng người dân cũng không mặn mà”, vị Chủ tịch xã cho biết. Tuy nhiên, theo anh Nam, tâm lý ỷ lại của người dân không phải là cái khó của riêng bản Nung. Vấn đề này cũng được huyện, xã đặc biệt quan tâm nhưng chưa thể khắc phục.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Phương - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết, những khó khăn trên chỉ được giải quyết khi các ngành chức năng quán triệt một số điểm: xây dựng mô hình cây, con giống thực sự có hiệu quả cho hộ nghèo, cận nghèo và theo đặc điểm từng vùng; đầu tư hiệu quả vào các công trình dân sinh để người dân được hưởng lợi lâu dài; tạo các điều kiện, cơ chế chính sách, các phương thức hỗ trợ cho hộ gia đình sau khi thoát nghèo để duy trì tính bền vững trong công tác giảm nghèo hiện nay.

Trên đường rời bản Nung, Chủ tịch xã Nghĩa Đức phấn khởi cho biết, xã vừa được đưa vào danh sách xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 để hưởng chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP của Chính phủ. "Bà con rất trông chờ vào chính sách này, hi vọng chúng tôi sẽ có thêm những hỗ trợ thiết thực để xóa đi cái nghèo luôn ám ảnh”, Chủ tịch Nam kì vọng.

Thực tế, tình trạng bỏ đất sản xuất đang trở thành vấn đề nan giải, đặc biệt là tại các địa phương nghèo, khó khăn đặc biệt. Bên cạnh việc động viên người dân tận dụng nguồn vốn hỗ trợ vào sản xuất, thì những giải pháp được đưa ra trên đây rất cần được xem xét thấu đáo để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Theo ĐĐK
 

Ads HMO

Ads HMO

Top