• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Hoàng Mai Sông Hoàng Mai ngày đêm “kêu cứu” vì rác thải

HMO

Administrator
Staff member
Với chiều dài khoảng 20km nhưng sông Hoàng Mai hay còn gọi sông Mai Giang (thị xã Hoàng Mai) có vị thế vô cùng quan trọng trong giao thông đường thủy, điều tiết khí hậu, cũng như cung cấp nước tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân xứ Quỳnh. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, đô thị hóa, dòng sông trong xanh, thơ mộng này đang bị “đầu độc”, chết dần, chết mòn từng ngày.

Từ rác thải đến "cát tặc" đang "bức tử" dòng sông
Bắt nguồn từ hồ Vực Mấu thuộc xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai (Nghệ An), sông Hoàng Mai có một nhánh đổ ra biển Đông qua cửa Lạch Cờn, phường Quỳnh Phương, nhánh khác chảy qua huyện Quỳnh Lưu rồi đổ ra cửa Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận.

Là vùng ven biển đất chật người đông, mỗi ngày, các phường, xã thuộc TX Hoàng Mai thải ra hàng chục tấn rác thải sinh hoạt. Dù đã đưa vào các trạm thu gom rác tập trung để chuyển về bãi rác Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu nhưng do thói quen và ý thức còn kém, người dân vẫn vứt rác hai bên bờ sông hoặc ném thẳng xuống sông Hoàng Mai.

Cứ vào buổi sáng hay chập tối, người dân phường Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai lại thản nhiên chở từng bì rác nặng trịch, hôi thối ra cầu Đền Cờn vứt xuống. Một số được dòng nước “mang” đi, còn bao nhiêu chất lại hai bên mố cầu, dọc bờ sông hết sức nhếch nhác, ô nhiễm.


Rác thải tràn ngập chân cầu Đền Cờn, phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai (Nghệ An).
Trong những tháng vừa qua, các xã ven biển này ruồi muỗi xuất hiện đen đặc, nguyên nhân chính là từ các ổ phát sinh nguy hại này.

“Ngày xưa chúng tôi vô tư tắm giặt, có khi vào mùa hạn hán còn múc nước ở sông Hoàng Mai để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng bây giờ sông đục ngầu ô nhiễm, chỗ nào cũng thấy rác thải, mùi hôi thối xộc lên đến phát khiếp. Cá tôm cũng dần biến mất, có lẽ rồi đây chúng tôi cũng thất nghiệp mất thôi”, Ông Hồ Văn Năm, ngư dân đánh cá trên sông Hoàng Mai cho biết.


Rác thải tràn ngập khắp dòng sông Hoàng Mai.
Không chỉ bị ô nhiễm bởi rác thải, dòng sông Hoàng Mai đang chịu sự ô nhiễm từ các bãi tập kết than nằm rải rác ở các phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai. Từ biển Đông theo cửa Lạch Cờn ngược lên dòng Hoàng Mai, các loại tàu lớn vận chuyển than từ Quảng Ninh tập kết về đây để phục vụ cho nhà máy xi măng Hoàng Mai và một số lò gạch, xí nghiệp hấp cá. Tuy nhiên do không được che chắn, quy hoạch đúng địa điểm nên các bãi than này nhả khói bụi, ô nhiễm nghiêm trọng vào các khu dân cư gần kề.

Chị Nguyễn Thị Huyền, một người dân ở phường Quỳnh Thiện cho biết: “Mỗi lần xe cẩu bốc than từ dưới thuyền lên hay các xe tải vào bãi “ăn” than là bụi bay mù trời, lâu ngày bám đen sì vào nhà cửa, quần áo của người dân. Nhiều gia đình ở gần khu vực các bãi than, phải đóng cửa suốt ngày đêm, nhà nào có con nhỏ thì đành phải gửi đi nơi khác”.

Bên cạnh đó, dòng sông Hoàng Mai còn bị tác động bởi nước rỉ than, dầu loang từ các máy móc, tàu thuyền hoạt động suốt ngày đêm trên sông.

Tại chân cầu Đền Cờn thuộc khối Phú Lợi, phường Quỳnh Dị, một bãi than to đùng nằm ngay bên mép sông. Do không được che chắn cũng như khoảng cách tối thiểu không đảm bảo nên nước rỉ than, xăng dầu chảy xuống dòng sông này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực sông Mai Giang có 3 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, đó là Doanh nghiệp tư nhân Sông Mai; Doanh nghiệp tư nhân Hiền Vinh và Công ty TNHH Thành Công.

Dọc sông Hoàng Mai chảy qua các phường Mai Hùng, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương còn có nhiều cơ sở, nhà máy chế biến thủy hải sản hoạt động suốt ngày đêm. Nằm sát bờ sông, lại không có bể xử lý, lắng lọc nên nước thải được tống thẳng xuống đây. Nhìn dòng nước đen đặc, có nơi cá chết nổi trắng bụng cho thấy mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của dòng sông này.

“Vào vụ thu hoạch cá, các lò sấy hoạt động hết công suất không chỉ gây ra mùi hôi thối khó chịu mà còn làm ô nhiễm nước sông Hoàng Mai”, chị Nguyễn Thị Ngân, ở phường Quỳnh Dị cho hay.

Không chỉ có vậy, dòng sông thơ mộng này còn bị đội quân “cát tặc” vô tư sục vòi rồng xuống “móc ruột” suốt ngày đêm. Ông Hồ Văn Bá, một người dân ở phường Quỳnh Dị bức xúc: “UBND TX Hoàng Mai nằm cách dòng sông không xa nhưng cát tặc ngang nhiên hoạt động, nhiều bãi cát trái phép mọc lên mà không gặp bất cứ một sự trở ngại nào. Việc hút cạn sạn nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đe dọa nghiêm trọng đến những khu dân cư nằm bên mép sông”.

Một nguyên nhân nữa khiến dòng sông này đang chết dần, chết mòn là sự xả thải không kiểm soát của các hồ, vựa nuôi tôm. Dọc sông Hoàng Mai, đoạn chảy qua các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận thuộc huyện Quỳnh Lưu, hồ nuôi tôm mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Mật độ hồ nuôi dày đặc, nước từ ao hồ không được xử lý mà xả thẳng ra sông khiến sông Hoàng Mai ô nhiễm, dịch bệnh từ đó cũng lây lan, bùng phát rất khó kiểm soát.


Phát triển ồ ạt hồ nuôi tôm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước sông Hoàng Mai.
Bao giờ mới hết ô nhiễm?
Trong đợt lũ lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng ở TX Hoàng Mai vừa qua, nguyên nhân gây ngập lụt không chỉ vì việc xả lũ đột ngột ở hồ Vực Mấu mà còn do việc lấn chiếm xây nhà cửa trái phép, các bãi than, cát dọc hai bên bờ sông, đất đá, rác thải của người dân thải xuống.

Về vấn đề các bãi than đóng trên địa bàn TX Hoàng Mai gây ô nhiễm môi trường sông Hoàng Mai, ông Phạm Văn Hào, Trưởng Phòng TN&MT TX cho biết: “Các bãi than nói trên đã tồn tại từ hàng chục năm nay, trước khi TX Hoàng Mai được thành lập. Việc tồn tại những bãi than ngay giữa khu dân cư đã gây ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân và mỹ quan đô thị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra về tình hình bến bãi tập kết than của các đơn vị nói trên. Nếu các đơn vị nào để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, sẽ có biện pháp xử lý. Tuy nhiên về lâu dài, phải có biện pháp di dời các bãi than này ra các khu đông dân cư, gần dòng sông”.


Bãi than dọc hai bên sông gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Hào cho biết thêm: “Rác thải là một trong những vẫn đề nóng của TX Hoàng Mai. Đất chất, người đông, lại không có bãi xử lý mà phải thuê công ty môi trường vận chuyển hàng chục cây số qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu xử lý nên thường xuyên xảy ra tình trạng ứ đọng, ô nhiễm môi trường trên dòng sông Mai Giang. Ngoài việc tuyên truyền ý thức người dân không xả thải xuống sông, khu dân cư thì sắp tới, chúng tôi sẽ có những chế tài giám sát, xử phạt. Bên cạnh đó, yêu cầu Cty môi trường đô thị Hoàng Mai tăng chuyến, nhân lực để xử lý rác thải, tránh ứ đọng lâu ngày”.

Trước những biện pháp và “lời hứa” của cơ quan chức năng, dòng sông Hoàng Mai hàng ngày vẫn chịu sự tra tấn, “bức tử” của con người. Không biết đến bao giờ, nước sông mới được trong xanh, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân yên tâm sinh sống…

Hình ảnh của một PV báo Nghệ An chụp được:


Nét đẹp nên thơ của dòng Mai Giang. Dòng sông hiền hòa còn là nơi mưu sinh nuôi sống hàng trăm người dân bằng nghề chài lưới với nhiều tôm cá tự nhiên.

Tuy nhiên, thời gian qua, do ý thức của một bộ phận người dân sống 2 bên dòng sông, hàng ngày xả xuống sông một lượng lớn rác thải, làm cản trở dòng chảy, ô nhiễm dòng nước.

Khu vực qua phường Mai Hùng, Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện nhiều hộ dân coi sông là nơi tập kết rác, từ rác sinh hoạt, đồ dung gia đình hư hỏng như bàn, ghế, đệm…


Đặc biệt là khu vực giáp chợ Chiến xã Quỳnh Vinh, lượng rác thải khổng lồ từ chợ được đẩy xuống sông, tạo thành những bè rác trôi nổi trên sông.

Nếu thực trạng này không sớm được khắc phục, thì sông Mai Giang hay Hoàng Mai sẽ còn phải tiếp nhận rất rất nhiều lượng rác thải tổng hợp khác nữa, nguy cơ sông chết dần chết mòn là có thật./.
Theo ĐS & PL và Báo Nghệ An
 

Ads HMO

Ads HMO

Top