• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Sản phẩm tôm cá Nghệ An chưa vào được thị trường khó tính

HMO

Administrator
Staff member
Sản phẩm tôm, cá của Nghệ An hiện mới xuất qua những thị trường 'dễ tính' như Trung Quốc, Lào, Malaysia mà chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường 'khó tính'

Từ lâu, ngư dân Nghệ An vươn ra khai thác trên Vịnh Bắc bộ với nhiều ngư trường trọng điểm như Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Hòn Mê, Hòn Mát... Tuy nhiên, dù có nhiều loại sản vật biển có giá trị, các sản phẩm hải sản được xác định là một trong những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, nhưng thực tế, giá trị sản xuất thủy, hải sản bình quân hàng năm của Nghệ An chưa cao, chỉ đạt từ 7,5- 8% giá trị kinh tế toàn tỉnh; đạt trên dưới 15 triệu USD kim ngạch xuất khẩu; trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới tương đối cao và ổn định.


Vận chuyển hải sản lên xe cấp đông. Ảnh: P.H
Sản phẩm tôm, cá của Nghệ An hiện mới xuất qua những thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, Lào, Malaysia; do sản phẩm hải sản của chúng ta vẫn chưa thực sự đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe khi muốn vào các thị trường “khó tính”, việc bảo quản sản phẩm đúng quy cách vẫn còn hạn chế làm giảm chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hải sản.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã đầu tư các hầm PU để bảo quản cá, nhưng số lượng thực chất chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi các thị trường như EU, Mỹ, Nhật có yêu cầu rất khắt khe trong đảm bảo an toàn VSTP thì các doanh nghiệp kinh doanh thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất và chế biến, bảo quản còn yếu kém, chưa kiểm soát được dư lượng hoá chất, kháng sinh, chất cặn trong hải sản.

Bên cạnh đó, các đơn vị xuất khẩu của tỉnh vẫn còn hạn chế trong khâu tìm kiếm và tạo thị trường; quy trình chế biến còn mang nặng tính thủ công, truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Giám đốc Sở NN&PTNT, điều dễ nhận thấy là chủng loại sản phẩm xuất khẩu chính ngạch còn ít và đơn điệu, chưa thật sự tập trung khai thác, sản xuất theo một chuỗi giá trị khép kín với những giải pháp đồng bộ từ khâu khai thác đến chế biến, xuất khẩu, và thực tế, thủy sản xuất khẩu chính ngạch của tỉnh chủ yếu vẫn là bột cá dùng cho chăn nuôi gia súc với giá trị không cao.

Cũng do chưa xây dựng được chuỗi sản xuất giá trị khép kín, nên dù cho có đơn hàng, việc thu gom để có lượng hàng đáp ứng nhu cầu của bạn hàng cũng rất khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược xuất khẩu cụ thể, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có thể liên kết, định hướng khai thác và kinh doanh một cách dài hơi và chủ động.

Trên địa bàn tỉnh từng có nhiều cơ sở chế biến, trong đó có 2 công ty chế biến thuỷ sản đông lạnh có quy mô lớn là Công ty cổ phần XNK thuỷ sản Nghệ An II (công suất 8 - 10 tấn sản phẩm/ngày), đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An công suất 5- 6 tấn/ngày, ngoài ra, một số cơ sở chế biến đông lạnh khác cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị như tủ cấp đông, xe vận chuyển, kho lạnh bảo quản…


Chế biến tôm ở Công ty CP Thủy sản Nghệ An II. Ảnh: Văn Hải
Tuy vậy, ngành Chế biến xuất khẩu thủy, hải sản của Nghệ An phát triển chậm. Hiện một số doanh nghiệp tư nhân như Phương Mai, Kim Liên (TX. Hoàng Mai) có hoạt động chế biến sản phẩm xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng chỉ là sơ chế nên tính cạnh tranh thấp. Hay Công ty CP thủy sản Vạn Phần (Diễn Châu) có xuất khẩu được một lượng nước mắm sang Lào, Malaysia... còn lại sản phẩm chế biến chủ yếu hiện đang phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất bán làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến ngoại tỉnh. Trong khi ở thị trường trong nước, thị trường sản phẩm truyền thống của Nghệ An đang dần bị thu nhỏ lại do sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp ngoại tỉnh.

Chế biến cá cơm bán sang thị trường Trung Quốc tại Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Phú Hương
Ở thị trường xuất khẩu, Nghệ An có 2 đơn vị được cấp code để xuất khẩu, nhưng hiện chỉ còn Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An II đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản… và các nước Đông Nam Á, và do điều kiện khó khăn về nguồn vốn, hàng năm giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp này chỉ đạt trên 5 triệu USD, sản phẩm chế biến đều bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu phía Nam chứ chưa xuất trực tiếp. Đây cũng là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện đang hoạt động.

Mặt khác, thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản… và các nước Đông Nam Á là thị trường tiềm năng và mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Thế nhưng, việc xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này đòi hỏi không những về chất lượng mà phải có năng lực tài chính lớn mới đảm bảo ký kết hợp đồng kinh tế, trong khi đó các doanh nghiệp Nghệ An không đáp ứng được, vì vậy, việc xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá trị xuất khẩu.

Nguồn Báo Nghệ An
 

Ads HMO

Ads HMO

Top