• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Sông Cấm những nhịp cầu nối đôi bờ

HMO

Administrator
Staff member
Với bàn tay chai sạn và niềm tin chiến thắng, tập thể cán bộ, công nhân Xí nghiệp Phao phà Ty GTVT Nghệ An ngày ấy đã tạo ra hàng trăm chiếc ca nô lai dắt hàng trăm con phà gỗ từ 18 - 32 tấn và hàng nghìn mét cầu phao vượt sông Cấm, sông Hoàng Mai, sông Lam, sông Hiếu, sông Lường…




Cầu phao trong những năm chiến tranh - Ảnh: tư liệu


Đường thông, bến nối, xe chạy, hàng đi
Bác Cung đi họp về làm cắt dòng suy nghĩ của tôi. “Sao? Đợi tôi à?”, bác hỏi.


Không đợi tôi trả lời, bác ngồi xuống nói về tình hình công tác đột xuất của Xí nghiệp trong quý III. Công việc của phân xưởng I là trung tu gấp chiếc ca nô 19/8 cho bến phà Cấm trước tháng 8, xảm lại một số phao Nam Hà trong lúc nhân lực đang thiếu trầm trọng.


Tôi hỏi: “Bác lo không hoàn thành à?”.


“Lo chứ anh. Anh tính công nhân bậc 1 trong tổ chúng tôi chiếm hai phần ba, chỉ có vài anh em bậc 3, lại thêm mấy chị bận con mọn... Mới rồi ông Trưởng ty Nguyễn Sĩ Hòa, Phó ty Trần Khoa Kiểu xuống tận xưởng kiểm tra. Tôi lo lắm”. Bác Cung trầm ngâm rồi rít một hơi thuốc lá, giơ tay chém mạnh vào bóng đêm: “Tui cứ nhận kế hoạch, chả nhẽ lại sợ khó khăn à. Thủy thủ họ không sợ bom nổ chậm, phi pháo địch liên miên, lại làm việc mò như thân cò, thân vạc trong đêm tối còn được, huống gì chúng tôi làm ăn có điều kiện thuận lợi”.


Ngày non sông liền một dải, nhiều người trong số họ khuất vắng nhưng những gương mặt quả cảm mà tôi từng bắt gặp hẳn sẽ không bao giờ phai nhạt về một thời, một thuở chiến tranh khốc liệt nhưng đầy hào hùng của dân tộc.
Bác Cung hạ giọng, còn cái này nữa, phân xưởng 2, phân xưởng 3 họ vừa thách thức thi đua với chúng tôi xem ai vượt mức kế hoạch giao. Anh biết đấy, toàn Xí nghiệp có ba phân xưởng mà rải khắp bốn huyện. Phao phà chỉ có hai phân xưởng đóng được, còn một phân xưởng chuyên cung cấp vật liệu và phụ đóng thôi.


Hai phân xưởng bạn, quý II họ hơi lép hơn bọn tôi, nhưng sang quý III họ hăng lắm. Này nhé, phân xưởng 2 có tổ nữ Tạ Thị Kiều với 13 người mà đóng được 12 tấn. Còn cô Sơn, đảng viên, tổ trưởng hồi tháng 6 vào đây họp vẫn hỏi tỉ mỉ chúng tôi cách lên ván thành, vô xà tử, thế mà nay tổ cô làm như thợ bậc 2 cả rồi.


Riêng tổ nam, họ cũng ghê. Họ bám lấy cầu phao Bùng, sửa chữa suốt ngày dưới làn bom đạn Mỹ. Có cậu Trì bị bom giặc thủng bụng trong khi xảm phà vẫn đòi ở lại tiếp tục làm việc. Còn đầu gối anh ta cũng dập khi tì chân, cởi áo lót nút phà bị thủng để chắn nước lại. Rồi bác Sắc trưởng xưởng, cô Liễu y tá xuống sông làm việc với anh em suốt đêm. Và biết bao anh em quên mình, bảo vệ phương tiện nữa...


À, còn phân xưởng 3 ở mãi trên rừng cũng ngoắc thi đua mới gớm chứ. Vai trò của họ quan trọng lắm. Họ mà không chuyển gỗ về cho thì chúng tôi thất nghiệp ráo. Họ cũng tự lực, tự cường lắm. Hồi chưa có cưa máy, họ cưa tay mà năng suất từ hai khối lên năm khối gỗ một đôi cưa đấy.



Gỗ mua lâm nghiệp không đủ, họ vào rừng sâu đẵn về cưa. Xe không có, họ dùng trâu kéo về xẻ, rồi kết bè đưa về tận đây, có khi hàng tuần mới thấu. Anh tính phà phao, vỏ ca nô cứ hạ thủy liên tục thế kia nếu họ không cung cấp gỗ đủ, lấy đâu ra nguyên liệu mà đóng. Không phải thấy họ khá mà át cánh mình đi, thành tích là thành tích chung, Xí nghiệp càng có nhiều xưởng tiên tiến là mừng.


Đường thông, bến nối, xe chạy, hàng đi, tiền tuyến phấn khởi mà hậu phương vui mừng. Thắng Mỹ là ở đó chứ đâu nữa anh nhỉ!



Như đèn cù, xoay vào công việc
Sáng hôm sau, anh chị em dường như làm việc khỏe khoắn hơn mọi hôm. “Phải vượt kế hoạch sửa xong ca nô 19/8 quyết đảm bảo có phương tiện kéo dắt phà cho bến Cấm trước mùa mưa lũ”. Anh em dán những khẩu hiệu ấy trên mũ, trên nón và ngay cả trên khung ca nô.


Tôi đến tổ mộc 1 đầu tiên. Anh em đang như đèn cù, xoay vào công việc. Hai anh thợ bậc 2 đang đóng hàng loạt tấm ván thành. Được tấm nào, một bác thợ bậc 3 vớ lấy đóng ngay vào khung ca nô. Một bộ phận chuyên khoan các múi ke. Cứ người này rút khoan lên là có người khác đóng ngay đinh vào và xiết ê cu thật chắc chắn.


Mũi khoan xoáy tài tình suốt ba lẻ gỗ ăn chồng lên nhau xuống con ky rất đúng mực. Mỗi người có một hòm nhỏ như cái tráp thày bói đựng đục, chạm, dũa, cưa và dùi đục... Ai nấy đầu chỉ đội một cái khăn bịt gọn lấy mái tóc, một bút chì đen dắt xiên bên vành tai. Họ ít nói lắm, chỉ nghe tiếng cạch, bục vang lên nhịp nhàng dưới vòm ngụy trang.


Sát mép sông là nơi làm việc của tổ xảm. Ba cô, trong đó nghe nói cô Xuân cấp dưỡng cũng ra làm với tổ, đang tay chạm tay cho vữa vào các kẽ hở của các múi ván phao. Mặt cô nào cũng đỏ hồng lên trong nắng mai. Có lẽ nói cười nhiều nhất là tổ này. Một cô có khuôn mặt tròn trĩnh, cặp mắt một mí lúc nào cũng như chực cười, tinh nghịch nói với tôi: “Tổ em “đoảng” lắm, chỉ độc biết xảm phao thôi, anh đừng cho lên báo mà thẹn đó”.


Tôi cười: “Xảm phao đạt năng suất 150%, lại nghĩ ra sáng kiến lấy đinh đỉa thay chàm và trộn vôi hến với nhựa 50 làm vữa như các cô, nam giới theo cứ là bở hơi tai”.



Sáng kiến bất ngờ của cánh thợ trẻ
Buổi trưa, bác Cung ở văn phòng Xí nghiệp về cho biết, phân xưởng 2 đã đại tu xong phà 18 tấn, vượt thời hạn năm ngày. Phân xưởng 3 hoàn thành kế hoạch đóng phao đột xuất cho bến phà Nam Đàn trước hạn 10 ngày. “Đấy, anh xem, họ đã gánh thêm cái việc đóng phà, phao rồi đấy. Tôi cứ lo cho tổ mộc nhà tôi lắm, nhất là khâu lên ván mũi quạ”, bác nói.


“Thế chưa nghĩ ra cái gì thay cho cách làm cũ à?”, tôi hỏi lại.


Bác Cung lắc đầu, im lặng. Vừa lúc đó, Luyến - một công nhân xô cửa vào, theo sau là một nhóm thanh niên mặt tươi roi rói. Bác Cung hỏi ngay: “Thế nào? Cánh thanh niên nghĩ ra rồi à?”.

“Ra rồi, đồng chí tổ trưởng ơi”, họ đồng thanh trả lời.


Mắt bác Cung sáng rực lên, những nếp nhăn trên trán chợt lặn đi đâu hết. “Nào nói đi xem, các cậu”.


Luyến hắt hơi hai cái rồi hăm hở: “Trước đây ta hơ lửa từng ván một rồi bắt lên mũi quạ cũng từng ván một nên ván bị nứt nửa chừng. Vậy phải làm sao mà bắt cùng một lúc tất cả các ván. Muốn vậy ta phải cải tiến cái cùm”.


Vừa nói Luyến vừa vẽ rõ dần hình dáng cùm cải tiến với lại thanh gõ kép dây và chắc nối cùm từ sáu tấc thành một mét hai. “Thế rồi ta hơ lửa tất cả các ván, đặt tất tật vào cùm một lượt kéo luôn một lúc là ăn tiền ngay thôi”- Luyến khẳng định.


Bác tổ trưởng nghe xong ôm chầm lấy Luyến: “Các cậu giỏi lắm. Thế mà trước đây mình đã có lần chưa tin các cậu”.


Giải quyết theo sáng kiến của cánh thợ trẻ, việc bắt ván lên mũi quạ ca nô của tổ mộc tiến hành rất nhanh chóng. Đúng như quyết tâm của anh em, ca nô được chữa vượt thời hạn ở cấp trung tu là 10 ngày, tiết kiệm được bao nhiêu là vật liệu.


Bữa cơm tối sau cái hôm hoàn thành công việc thật vui vẻ, rôm rả. Bác Cung gắp một khúc cá lóc béo bự bỏ vào bát cơm của Luyến: “Ăn đi, ăn đi cậu, mình thưởng riêng đó”. Cái giọng Quảng Ngãi của bác sao nghe ấm áp quá. Anh em chìa đọi cơm về phía bác, rạo lên: “Bác không thưởng chúng tôi à?”.


Bác Cung cười hỉ hả: “Gái có công chồng chẳng phụ. Các cậu cứ nghĩ ra sáng kiến đi, tôi thưởng ngay, thưởng hậu”.


Mọi người ha hả cười. Mùi cơm nóng và cá kho ngào ngạt...

Theo GTVT
 

Ads HMO

Ads HMO

Top