• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Yên Thành Rừng già “Báu vật” vùng quê

HMO

Administrator
Staff member
Mặc kệ “biến đổi khí hậu”, mặc kệ lâm tặc, giữa đất bằng huyện lúa Yên Thành rừng lim cổ thụ vẫn xanh nguyên sinh. Hơn 120 ha lim vài trăm năm tuổi có từ thuở lập làng, mang trong mình nhiều huyền tích...

Tán lim khổng lồ xòe bóng che cả một góc rừng​

“Báu vật” truyền đời
Đền Cả trầm mặc nép mình giữa rừng lim Hậu Thành. Ngôi đền cất bằng gỗ lim hơn trăm tuổi, được khởi dựng từ đời vua Kiến Phúc (1883-1884, triều Nguyễn). Những chiếc cột lim tuổi đời gấp đôi tuổi đền, không chạm trổ cầu kỳ, chỗ trơn bóng, chỗ lấm tấm rêu phong, đứng thành hai hàng dài đỡ lấy mái ngói âm dương.

Ngày rằm, mùng một, dân làng Đông Phú đều đặn đến hương khói. Dịp đầu năm, hoặc ngày nghỉ lễ, khách tứ phương nô nức đổ về đền Cả gieo quẻ cầu phúc, cầu an.

Phủ phục dưới gốc cây cổ thụ cạnh đền Cả có một cái am nhỏ thờ “thần trăn”. Gốc lim to vật vã, cỡ hai người ôm, tán lá rủ xuống che kín cả một góc sân. Thủ từ, người canh giữ địa linh này là cụ Mai Huy Định, quê làng Đông Phú.

Cụ Định kể: “Nhiều gốc lim ở rừng lim Hậu Thành có niên đại cách đây hơn 200 năm. Ngày tôi còn chơi khăng, đánh đáo, đã thấy những gốc lim cổ thụ này. Giờ tôi bước vào tuổi “cổ lai hy”, rừng lim vẫn vậy, xù xì, yên tĩnh. Đền Cả nằm giữa rừng, thiêng lắm! Bủa vây khu rừng lảng bảng khói sương và chất chứa bao trầm tích Hậu Thành, là mênh mông đồng lúa, là san sát nhà dân, là những con đường đất uốn lượn ôm ấp làng mạc, là thênh thang gió.

Cuối tầm mắt, cái nhìn ngất ngây chạm đến triền đồi thoai thoải. Những quả đồi nằm cạnh nhau, nhấp nhô, căng tròn, khêu gợi như vồng ngực thiếu nữ.

“Cụ” lim có tuổi đời trên 200 năm to cỡ hai người ôm. Ảnh: Quang Long
Lối vào đền Cả, rừng lim, cỏ xanh mướt như trải thảm. Càng vào sâu, lối đi càng hẹp, dốc và nguyên sinh. Cuối đường hẹp, bỗng vỡ òa một khoảng trời trong veo. Mây trắng lững thững bay. Những cây lim cao hai, ba chục mét cành lá tua tủa đan vào nhau. Dưới mặt đất ẩm ướt, dứa dại mọc bạt ngàn. “Có hàng triệu gốc dứa đan dày dưới gốc lim.

Mùa dứa, xã Hậu Thành lại cho Đoàn thanh niên chia thành từng đội vào thu hoạch, đem bán lấy tiền làm kinh phí đoàn xã. Có chỗ, dứa đã được khoanh vùng, chia cho các hộ dân quản lý. Dứa dại quả nhỏ, nhiều gai, có vị thanh, một thời là đặc sản của Yên Thành”, anh Nguyễn Xuân Dũng, Xã đội phó Hậu Thành kể.

Bỗng có tiếng sột soạt. Tôi dừng lại, căng mắt quan sát. Chẳng thấy gì, chỉ nghe tiếng rào rào lướt đi như gió. “Khéo là trăn gió đấy!”, anh Dũng bảo. Loài trăn tôi chưa từng gặp bao giờ, chỉ nghe các lục lâm kể hồi con nít.

Ẩn mình trên cây, quăng mình cái độp, cuốn theo chiều gió phi như bay khi đuổi kẻ lạc rừng, săn thú. Các lục lâm bảo, gặp trăn gió, cách thoát thân tốt nhất là chạy ngược chiều gió, chạy ngược lên đồi. Tôi rùng mình. Kẻ đi cùng tim đập loạn lên.

Cụ già canh đền “bồi” thêm một phát: “Bữa trước, tui gặp con trăn gió ngoài đường cái. Da nó đen trùi trũi, nằm vắt qua đường. Ước chừng, con trăn này dài gần chục mét, nặng trên 3 yến”.

Hỏi cụ Định: “Bữa trước, cụ thể là cách đây mấy bữa?”. Cụ bấm đốt ngón tay, nhổ toẹt bã trầu đỏ loét xuống vệ cỏ, đoạn đưa tay quệt ngang mồm: “Bữa trước. Chưa lâu lắm, chỉ cách đây khoảng...vài năm. Rứa thôi!”.

“Ánh sáng huyền ảo trong rừng già”. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Cụ Định kể tiếp: “Trăn gió hay thù dai! Không động vô nó thì thôi, chứ gây sự với nó thì một mất một còn. Có bữa ông chắt Hợp đi lùa trâu ra khỏi lúa nại (Nại, nơi trồng lúa ở mé chân đồi).

Con trâu mộng chạy phăng phăng qua chỗ con trăn gió đang nằm ngủ. Bị đánh động, nó biến vô rừng lim. Tối đến, nó mò ra nại lúa, lăn qua lăn lại, phá nát đám ruộng nhà chắt Hợp!”.

Quay sang đám khách, thấy người nào người nấy mắt tròn mắt dẹt hóng chuyện, Thủ từ đền Cả trấn an: “Nói rứa thôi, chứ con trăn ni chưa cắn ai bao giờ. Nó cư trú trong rừng lim, quanh quẩn chỗ ngôi đền, sống lâu đã thành tinh, chẳng ai dám đụng đến!”.

“Chúng tôi giữ rừng lim như giữ báu vật. Lim và người như đã là duyên nợ”!
Một thôn nữ vùng chiêm trũng Yên Thành nói​

Hai chục ha rừng lim cổ thụ giữa đồng bằng, có cây dăm bảy chục tuổi, có cây trên vài trăm năm đường kính thân hai, ba người ôm không xuể, đã thành “báu vật” của dân Hậu Thành. “Bão tố, cây nào đổ, không ai dám tự động vào xẻ thịt mang về làm của riêng, mà đợi họp dân, họp xã, định giá, đem ra bán công khai. Tiền thu được, sung quỹ!”, Xã đội phó Dũng bảo.

Người Hậu Thành giữ báu vật rừng già như thế nào? “Trước đây, xã thuê 2 bảo vệ, hằng tháng trả công giữ rừng bằng lúa. Hai năm lại nay, xã giao hẳn cho xã đội trông coi, bảo quản”, anh Dũng nói. Mỗi cây lim cổ thụ và cả những cây còn ở độ tuổi...con nít, đều được đánh số, đeo biển cẩn thận.

Gặp chúng tôi trên đường vào rừng lim, Bí thư đảng ủy xã Hậu Thành bảo: “Khu rừng nguyên sinh này, cách đây hơn 30 năm, dân làng hạ một ít cây để dựng trường cho con em đi học. Từ đó đến nay rú Tháp được bảo vệ nghiêm ngặt, chúng tôi sẽ giữ mãi rừng lim, không ai được động đến, dù chỉ một cành nhỏ!”.

“Choáng” với rừng lim Lăng Thành
Ở Lăng Thành, người ta gọi lim bằng “cụ”. Có những “cụ” lim độc thân, bơ vơ một mình ven sườn dốc; có những “cụ” lim đã “thượng thọ” đến hai, ba trăm năm tuổi, con đàn cháu đống, kết thành những cánh rừng sum suê, xanh ngắt.

Ông Đậu Văn Nam, cán bộ lâm nghiệp xã Lăng Thành cho biết, rừng lim trải dài từ thôn 1 đến thôn 8, tạo thành một quần thể rộng lớn, với 106 ha lim. “Ở đây, lâm tặc cũng nhiều, rừng cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm lại phân bố gần khu vực giáp ranh các xã Tiến Thành, Mã Thành, nên việc bảo vệ rất căng thẳng. Sểnh cái, khu rừng có thể bị xẻ thịt, cạo trọc!”, ông Nam bảo.

Ngó thấy bạt ngàn lim mọc trên đồi, trong vườn nhà dân, cây nào cây nấy to vật vã, lâm tặc bỗng nổi cơn thèm. “Một thời, chính quyền xã phải huy động dân quân tự vệ ngày đêm vác gậy, vác súng thay nhau canh rừng, mới đẩy lui được lâm tặc!”, một bậc cao niên Lăng Thành kể.

Thỉnh thoảng, bọn tôi ba lô ngược miền tây Nghệ An cách Vinh vài trăm cây số, rừng nhiều nơi bị san phẳng, giữa thâm sơn cùng cốc căng mắt mà chẳng thấy bóng dáng cây lim nào. Bỗng nhiên, giữa “vựa lúa” Yên Thành cách quốc lộ 1A chưa đầy vài chục km, lại giữ được rừng lim nguyên sinh, chuyện thật mà như bịa

Khi đã vãn hồi trật tự, xã Lăng Thành ký hợp đồng với từng hộ, giao hẳn cho từng gia đình quản lý. Đã có 125 hộ ký hợp đồng với xã để bảo vệ rừng, bình quân mỗi hộ gia đình nhận trông coi, chăm sóc 0,8 ha lim.

“Mất cây nào, phải đền tiền cây đó, đền bằng đúng giá trị của cây lim bị chặt hạ và phải chịu phạt thêm. Ngoài ra, xã còn cử thêm một đội chuyên đi tuần tra, hỗ trợ các gia đình bảo quản rừng lim ở Lăng Thành”, ông cán bộ lâm nghiệp nói. Dù rằng, công bảo vệ cả năm chỉ vỏn vẹn dăm triệu đồng, chỉ đủ để...uống rượu!

“Chẳng thể hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra nếu rừng lim Lăng Thành bỗng nhiên biến mất! Dân làng đã đếm từng gốc cổ thụ, đã thân thuộc với rừng cây, dáng núi. Chúng tôi giữ rừng lim như giữ báu vật. Lim và người như đã là duyên nợ!”, một thôn nữ vùng chiêm trũng Yên Thành nói.

Ông Nam dẫn chúng tôi vào thăm gia đình cựu chiến binh Phan Bá Hiến, trú tại thôn 6. Nhận giao khoán 3,6 ha rừng, ông Hiến hô hào con cháu trồng 1 vạn cây lâm nghiệp, trong đó có hơn 300 gốc lim gần 20 năm tuổi.

“Khi tôi được giao vùng đất trống đồi trọc, đứng ngoài đường cái trông vô, con gà cũng rõ mồn một. Giờ, cả đàn bò đứng trong đó cũng chẳng thấy. Rừng đã xanh um. Có những cây lim cao ngồng, đường kính lớn hơn cái cột nhà!”, ông Hiến mô tả.

Anh Nguyễn Công Tiến (thôn 8, Lăng Thành) chủ 38 cây lim cổ thụ, có cây trên 200 năm tuổi, kể: “Các cụ lim gia đình tôi sở hữu, đã nằm trong sổ đỏ rồi, cái cành cũng chả dám đụng vào. Năm ngoái làm nhà, tôi phải lên huyện miền núi Quỳ Hợp đánh một xe lim về!”.
Theo TPO.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top