• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳ Hợp Rác thải ngập sông ở xã nông thôn mới

HMO

Administrator
Staff member
Sự ô nhiễm môi trường ở xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp - Nghệ An, tập trung ở cầu tràn qua sông Dinh đã có từ khi xã chưa thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, và cho đến nay, đây vẫn là điểm tập trung chứa chất thải của nhân dân trong vùng.

Đến xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp - Nghệ An, hẳn ai cũng thấy vui, bởi đây là một trong hai xã điển hình đầu tiên của huyện đã đạt 19/19 tiêu chí về NTM (UBND tỉnh đã cấp Bằng công nhận xã NTM từ tháng 8/2015). Tuy nhiên khi nhắc tới tiêu chí vệ sinh môi trường thì đây cũng là xã điển hình về sự ô nhiễm chất rác thải đến rợn người.


Chủ tịch xã Nghĩa Xuân, ông Trương Văn Chính: Xã xử lý không xuể rác thải tại cầu tràn sông Dinh vì huyện chưa có bãi chứa thải tập trung.
Sự ô nhiễm môi trường ở xã này, tập trung ở cầu tràn qua sông Dinh đã có từ khi xã chưa thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, và cho đến nay, đây vẫn là điểm tập trung chứa chất thải của nhân dân trong vùng.

Cầu tràn qua sông Dinh trước đây là cây cầu độc đạo trên QL48, cách trụ sở UBND xã Nghĩa Xuân khoảng chừng 200 m. Cầu này hẹp, mùa mưa lũ nước tràn băng qua cầu, chia cắt hai bờ, giao thông đi ngược huyện Quế Phong, hoặc từ Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đi xuôi về QL1A đều bị ách tắc, phải chờ nước rút đến mặt cầu mới qua lại được. Và mỗi lần đi qua đây, ai cũng phải ngạt thở vì mùi hôi thối ô nhiễm từ một núi chất thải do dân chúng tập kết tại bờ đông cầu, thuộc xã Nghĩa Xuân.

Mấy năm nay do cầu Dinh mới cao đẹp đã được xây dựng (cách thượng lưu cầu cũ chừng 200 m) thì cầu tràn qua sông Dinh không còn mấy ai đi qua đó nữa, bởi vậy nay tại khu vực này chỉ là nơi chứa thải.

Mới rồi chúng tôi có việc đến một xóm ở xã Tam Hợp thuộc phía tây cầu tràn. Khi xuống đây, thực sự chúng tôi rất kinh ngạc bởi rác thải đang được chất đầy từ trên bờ trải dài, tràn cả xuống sông.

Thấy chúng tôi lấy tay che mũi đưa máy ảnh lên chụp, anh Trương Đình Hoàng, ngụ ở xóm Phượng, xã Nghĩa Xuan, bảo: Rác thải ở đây ghê rợn lắm, rác từ chợ Dinh họ đổ ra, rác từ làng Phượng dồn đến. Kể cả dân dọc hai bên đường từ dưới xóm Đoàn Kết đổ lên.

Theo quan sát của chúng tôi thì rác thải ở đây được chất đống trải dài hàng trăm mét kể từ mặt cầu tràn trở xuống. Phía dưới lòng sông, nơi quần tụ của dòng nước chảy là xác động vật trương phềnh nằm lẫn lộn trong muôn vàn bao tải, bao nilon đang chứa chất thải kín. Mùi hôi thối đến nồng nặc theo hơi nước cứ bốc lên đến nghẹt thở. Người dân ở đây bảo: Rác thải ở đây nhiều lắm, mấy hôm trước có mưa to nên dòng chảy sông Dinh đã chuyển trôi đi về phía hạ lưu bớt rồi, nếu không thì rác cứ cao như núi.

Dân chúng ở xung quanh trung tâm UBND xã và xóm Phượng, chợ Dinh không còn được hít thở không khí trong lành, thay vào đó là bầu khí quyển luôn đặc quánh nồng nặc mùi hôi thối. Và cũng từ bãi thải này ruồi, muỗi và côn trùng đặc dày như kiến cỏ, cứ thế lan tỏa bay về các thôn xóm dân cư để trú ngụ…


Xác súc, động vật và hàng trăm chất thải ngập tràn xuống cả lòng sông bên mép cầu tràn sông Dinh
Đến trụ sở UBND xã Nghĩa Xuân, trao đổi qua về tình hình phát triển kinh tế, ông Thái Bá Lâm, Bí thư Đảng ủy bảo: Nghĩa Xuân là một trong 2 xã đầu tiên của huyện Quỳ hợp đã được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận xã NTM từ tháng 8/2015. Hỏi về tiêu chí môi trường thì ông Lâm bảo: Cái này là do huyện chưa có bãi chứa thải tập trung!?

Ông Trương Văn Chính, Chủ tịch UBND xã sau khi nghe chúng tôi trình báo về sự ô nhiễm đến rợn người tại cầu tràn sông Dinh xong rồi mới thủng thẳng trả lời: “Ô nhiễm tại cầu tràn sông Dinh thuộc địa bàn của xã Nghĩa Xuân là có thật. Tuy nhiên nói chung về tiêu chí vệ sinh môi trường thì xã chúng tôi cũng có 1.983/tổng số 2.344 hộ dân đã có lò đốt rác trong vườn. Ngoài ra xã còn có xe vận tải và tổ đội thu gom chất thải để vận chuyển đến bãi thải tập trung của huyện, thế nhưng đến nay phía huyện vẫn chưa có bãi thải, vậy nên dân chúng vẫn thường đổ trộm rác thải xuống khu vực cầu tràn sông Dinh. Tại đây xã có cắm biểm cấm đổ rác và đã xử lý nhiều vụ vi phạm. Thêm vào đó hàng năm huyện và xã vẫn thường trích một phần kinh phí để cho tổ vệ sinh môi trường đến cầu tràn sông Dinh đốt rác, nhưng vẫn không thể xuể”.

Rời trụ sở UBND xã Nghĩa Xuân chúng tôi vẫn chưa hết rợn người, bởi ô nhiễm ở cầu tràn sông Dinh là không thể nào chấp nhận được. Nguy hại hơn, mỗi lần có mưa to là dòng chảy lại cuốn theo xác súc vật và muôn vàn chất thải khác trôi về sông Hiếu. Từ đây sông Hiếu - sông duy nhất đêm ngày oằn mình chuyên chở chất độc hại hôi thối nồng nặc đi qua hàng trăm làng xã dân cư của các huyện Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Tân Kỳ rồi hòa nhập vào sông Con.

Theo Hồ Quang (nongnghiep.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top