• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Phải sống

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Bảy lần sinh hạ được tám đứa con, bất hạnh thay, cả tám đứa con ấy đều qua đời vì bạo bệnh. Tang tóc nối nhau đổ xuống gia đình ông Hồ Xuân Hoàn (xóm 8, xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu). Dẫu thế, ông vẫn gượng dậy để động viên, giúp vợ nguôi đau đớn và tiếp tục sống.



Ông Hoàn đắm mình vào công việc để nguôi nỗi nhớ con.
Lá vàng còn ở trên cây...

Tôi tìm đến nhà ông Hoàn vào một chiều đầu tháng chín. Căn nhà ngày xưa đầy tiếng khóc, cười đùa của trẻ con giờ vắng lặng, ảm đạm. Ông Hoàn miệt mài với công việc của một Bí thư chi bộ xóm cho nguôi đi nỗi đau. Cơn "bão" bệnh tật tràn qua cướp đi những gì quý giá nhất, mà ông vẫn gắng gỏi "trụ" được, hàng xóm gọi ông là "Người đàn ông thép".

Sinh năm 1959 trong một gia đình nghèo khó, đông anh em, năm 19 tuổi, chàng trai trẻ Hồ Xuân Hoàn lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1979, ông về phép lập gia đình với bà Vũ Thị Lợi và năm sau sinh con trai đầu lòng. Tới năm 1983, vợ chồng ông bà đã có ba đứa con. Tuy vậy, cả ba đều chết yểu. Có đứa chỉ sống được vài tháng rồi mất. Gia cảnh vậy, ông Hoàn đành xin xuất ngũ.

Nguôi nỗi đau, mãi năm 1986 vợ chồng ông bà sinh tiếp con gái thứ tư, và lần lượt sinh đến đứa con thứ tám (trong đó có một cặp sinh đôi). Nhìn đàn con khôn lớn, vợ chồng ông rất hạnh phúc và chăm chỉ làm lụng nuôi con. Nhưng, niềm hạnh phúc ấy cứ nối nhau trở thành những nỗi đau buốt nhói, khi năm đứa con sau này của ông Hoàn lần lượt bỏ bố mẹ.

"Con gái thứ tư đang khỏe mạnh thì bỗng nhiên kêu đau ở bụng và chán ăn. Vợ chồng tôi vội đưa con đi khám tại Bệnh viện huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, các bác sĩ kết luận cháu bị bệnh xơ gan giai đoạn cuối, phải chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Tin ấy như sét đánh ngang tai, đau lắm, khổ lắm nhưng nghĩ "còn nước còn tát" nên gắng vay mượn tiền đưa con ra Hà Nội. Nhưng đã quá muộn. Chỉ mấy ngày sau, đứa con sáu tuổi mất", vừa nói, ông Hoàn vừa khóc.

Nỗi đau tiếp nỗi đau, trong thời gian ngắn (1999 - 2002) đứa con thứ năm, thứ bảy cũng theo anh chị về nơi chín suối vì bệnh xơ gan ứ mật. Ông Hoàn đau đớn nói: "Đây là những năm đau xót nhất, tang thương nhất của gia đình tôi, chẳng khi nào trên bàn thờ của gia đình hết khói nhang".

Ông bà hy vọng ở cô con gái thứ sáu là Hồ Thị Liên (SN 1988) không có bệnh như các anh chị, vì tới năm học lớp 10 vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng rồi, Liên cũng không thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Lên lớp 11, một buổi trưa Liên đi học về kêu đau, mệt trong người. Linh tính chuyện chẳng lành, ông Hoàn lập tức thuê xe đưa con ra thẳng Bệnh viện Bạch Mai. Nhưng bệnh tình của Liên đã chuyển sang giai đoạn cuối, rồi qua đời sau chín tháng điều trị, cũng vì bệnh xơ gan.

Nhìn lại con trai út Hồ Tuấn Anh (SN 1992), "món quà" cuối cùng mà ông trời còn dành lại cho hai vợ chồng, ông Hoàn tự nhủ: "Nó bị xơ gan khi ba tuổi, được ghép gan ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Nếu khoa học tiến bộ, có thể cứu được". Vợ chồng ông lại hy vọng.

"Lúc đó, đưa con đi viện đâu phải là ít tiền. Đứa này chưa về, đứa khác lại đi, vợ chồng tôi chỉ biết vay mượn và nhờ cậy anh em họ hàng và bà con lối xóm. Có thời điểm một mình tôi phải chạy qua, chạy lại cả Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Bạch Mai để chăm con", ông Hoàn nhớ lại những năm tháng cùng cực.

Chỉ còn nước mắt

Đang nói chuyện, ông Hoàn chạy xuống nhà dưới lấy chiếc di ảnh được bọc báo cẩn thận của người con trai út cho tôi xem và nghẹn ngào: "Đây là bức ảnh Tuấn Anh chụp sau khi phẫu thuật gan thành công. Dù mặt còn xanh nhưng được sống lại, cháu vui sướng lắm. Ai ngờ...", nói đến đây thì ông Hoàn nấc nghẹn. Phải mất một hồi lâu, ông Hoàn mới lấy lại được bình tĩnh và tiếp tục câu chuyện.

Biết chuyện bi thương của một gia đình cựu binh đã mất đi bảy đứa con vì bệnh xơ gan quái ác cùng nguyện vọng cứu đứa con cuối cùng, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương đã quyết tâm bằng mọi giá giành sự sống cho Tuấn Anh. Khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đến thăm hỏi và gọi ông Hoàn là "Người đàn ông thép".

Tháng 4-2008, sau 13 năm trời nằm viện điều trị, Tuấn Anh được các bác sĩ cùng các chuyên gia nước ngoài thực hiện thành công ca ghép gan tiêu tốn hai tỷ đồng. Thành công ấy đã khiến không chỉ vợ chồng ông Hoàn, anh em họ hàng, bà con lối xóm mà toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Nhi Trung ương vỡ òa trong vui sướng. Khi ấy, không biết nói gì hơn, ông Hoàn đã viết một bức thư bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cán bộ, nhân viên bệnh viện, thư có đoạn: "Bác Liêm ơi, các bác ơi, các bác đã cho tôi niềm tin lớn lao, đem lại hạnh phúc cho gia đình tôi, các bác đã sinh ra cháu lần thứ hai. Bằng cái tâm, cái đức, bằng tình thương, các bác đã giúp được vợ chồng tôi thực hiện lời hứa với các anh chị của cháu trước lúc qua đời. Bây giờ dưới suối vàng, chắc các con tôi cũng vui sướng lắm, cũng đang làm những việc nên làm, cầu mong, chúc phúc và phù hộ cho bác và mọi người đã cứu sống em các cháu".

Phẫu thuật thành công, Tuấn Anh về nhà tiếp tục đi học. Những tưởng em sẽ là chỗ dựa cho bố mẹ vốn đã quá đau khổ, thế nhưng, bốn năm sau (năm 2012) khi em chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12 thì lại mắc bệnh phổi và thận. Được đưa ra Hà Nội chữa trị, nhưng em chỉ còn sống được vài tháng. Tám đứa con lần lượt ra đi, như từng bộ phận trên cơ thể ông Hoàn, bà Lợi bị cắt. Hai vợ chồng chỉ còn lại nước mắt và những ngày suy sụp.

Sống để... thờ con

Nói về vợ, ông Hoàn chua xót: "Tôi thương nhà tôi lắm. Người ta mất một đứa đã đau xót, đằng này, những tám đứa... Tôi mất gần một năm sau mới có thể gượng dậy được, nhưng vợ tôi vẫn cứ như người mất hồn, sống trầm cảm và muốn xa lánh mọi người. Vì nhớ thương con mà nhiều đêm gào khóc, gọi tên các con... Tôi động viên vợ: phải sống chứ, phải sống để thờ con!".

Nghe tiếng xe máy, chúng tôi dừng câu chuyện vì anh bưu tá đến giao cho ông Hoàn tài liệu trên xã và mấy tờ báo. Ông chậc lưỡi: "Việc làng việc nước vậy đó chú, lúc nào cũng luôn tay".

May sao, có hai cô bạn học của Liên (con gái thứ sáu), từ khi Liên mất thường qua lại và nhận làm con nuôi ông bà. Dù học và công tác xa nhưng khi đến ngày giỗ của các con hay ngày Tết, hai cô con gái nuôi lại về thăm, giúp ông bà đỡ hiu quạnh. Ông Hoàn thở dài: "Nếu không có các con nuôi thì buồn lắm. Có khi làm cái gì đó, phải cho nó loảng xoảng lên, tạo âm thanh cho nhà bớt đìu hiu".

"Chỉ có hai vợ chồng cô quạnh, nhiều lúc cơm dọn ra mà nuốt không trôi. Dù cứng cỏi, nhưng đôi lúc cũng tủi thân, giấu vợ, tôi ngồi khóc một mình. Người ta thì con đàn cháu đống, đằng này có cả đàn con mà không đứa nào chịu ở. Trên đời ai bất hạnh như vợ chồng tôi?".

HMO nguồn nhandan.org.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top