• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Pháp Luật: Showroom TNHH Toàn Cầu: Lừa người tiêu dùng trong Siêu thị BigC Vinh

HMO

Administrator
Staff member
Ông Hồ Sỹ Trung, trú tại xóm 8, xã Hưng Chính, TP. Vinh, gửi đơn đến Báo Nghệ An khiếu nại Showroom bán hàng bếp nấu hồng ngoại của Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu đặt trong Siêu thị BigC Vinh đã lừa gạt người tiêu dùng. Điều tra xác minh thì có sự việc này...

Người tiêu dùng phẫn nộ!
Ông Hồ Sỹ Trung viết: "Tháng 12/2013, tôi đi Siêu thị BigC Vinh thấy có một quầy bán bếp hồng ngoại ở tầng 1. Thấy tôi đến, có mấy nhân viên xúm đến mời chào nồng nhiệt, rồi giới thiệu một chiếc bếp điện hồng ngoại đôi có in chữ Saniyo - Made in Japan mà theo họ là nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, trị giá 20 triệu đồng nhưng sẽ giảm cho 4 triệu đồng. Vì nhà đang xây dang dở nên tôi nói bao giờ xong sẽ lấy. Họ ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và sau đó liên tục gọi điện thoại thăm hỏi. Một thời gian sau họ nói qua điện thoại "Hôm nay là ngày thành lập công ty có giờ vàng khuyến mại nên mặt hàng bếp hồng ngoại đôi giảm xuống còn 12 triệu đồng và chỉ thực hiện trong 3 ngày, mời bác xuống mua". Tôi xuống mua, họ đưa bếp lên lắp đặt tại nhà và khuyến mại thêm một bộ xoong nồi (nói trị giá 3,5 triệu đồng), đồng thời viết hóa đơn bán hàng, phiếu bảo hành.


Ông Hồ Sỹ Trung và chiếc bếp điện hồng ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Gia đình tôi chưa kịp sử dụng thì có người quen đến chơi, xem bếp và bảo "Anh bị lừa rồi, đây là bếp Trung Quốc, trị giá không quá 6 triệu đồng". Đưa giấy bảo hành ra kiểm tra thì quả là hàng một nơi, bảo hành một nẻo, không có gì chứng minh là hàng có xuất xứ của Nhật Bản sản xuất. Tôi trở lại để hỏi thì họ nói quanh co, không chứng minh được nguồn gốc hàng. Ngày 21/2/2014, tôi mang bếp xuống trả, họ nhận bếp và nói "Khi nào bán được bếp sẽ trả lại tiền, hoặc trả lại cho bác 4 triệu đồng rồi bác đưa bếp về dùng". Tôi không đồng ý, yêu cầu họ trả đủ tiền vì tôi đã mua phải bếp dởm...



Sau đó, tôi tiếp tục xuống trả bếp thì được người bán hàng có tên là Dũng yêu cầu đi đến phòng trọ để nói chuyện. Tại đây, Dũng nói tiền đã chuyển cho công ty nên không thể trả lại, có gì tuần tới giám đốc công ty về sẽ liên lạc để giải quyết dứt điểm. Chờ đợi cả tuần không có tin tức, tôi tiếp tục đến BigC để hỏi thì tình cờ gặp người giám đốc tên là Quyền. Quyền kéo tôi ra quán nước thông cảm và nói "Bác cứ yên tâm sử dụng bếp, còn công ty sẽ trả lại cho bác 4 triệu đồng và biếu thêm một chiếc chảo đa năng". Không đồng ý thì Quyền lớn tiếng: "Bác là người đặc biệt nên mới được đối xử như vậy chứ người khác thì không có chuyện này...". Vì biết không thể đòi được tiền nên tôi đành chấp nhận cầm 4 triệu đồng và cả chiếc chảo đa năng về để làm vật chứng”.



Chúng tôi xem những thứ ông Trung đã mua và đối chiếu với hóa đơn bán hàng, phiếu bảo hành thì thấy Showroom bán hàng của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Toàn Cầu tại Siêu thị BigC có nhiều điểm bất minh. Trên phiếu bảo hành đóng dấu công ty, in biểu trưng KITCHEN Made in Japan đề "Đúng hàng nhập khẩu 100%", vậy nhưng bếp đôi hồng ngoại không hề có một dấu hiệu gì để chứng minh được sản xuất tại Nhật Bản. Bao bì làm bằng bìa các tông mỏng lót vài mảnh xốp kém chất lượng, chắp nối. Bếp màu đen, các chữ in trên bề mặt không sắc nét, bếp không có nhãn hàng, chỉ dán cẩu thả mấy chiếc tem chất liệu là giấy thường trên đề qua loa thời gian bảo hành, model... Cuốn catalogue 8 trang khổ 13x18cm bằng tiếng Anh cũng không đề tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hãng sản xuất. Thậm chí, bộ xoong nồi khuyến mãi cũng là loại kém chất lượng bởi các đinh vít dập bằng nhôm, tay cầm không có cách nhiệt... Ông Trung nói: “Vì mua phải bếp dởm nên hơn 4 tháng nay tôi vẫn chưa hoàn thiện được phòng bếp của gia đình. Tại sao trong Siêu thị BigC lại có những quầy hàng lừa dối người tiêu dùng như vậy?”.



Bóc mẽ trò lừa gạt
Trong vai người muốn mua bếp đôi hồng ngoại, chúng tôi đến Showroom bán hàng của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Toàn Cầu tại Siêu thị BigC Vinh thấy những gì diễn ra đúng như ông Trung đã mô tả. Một nhóm nhân viên nữ trẻ quây lại mời chào xem hàng, tíu tít giới thiệu chất lượng sản phẩm rồi gọi một nhân viên nam tên là Thắng ra tiếp. Thắng đề nghị tôi "Nán thêm ít phút để giới thiệu đầy đủ tính năng của bếp hồng ngoại". Thể hiện xong anh ta mời vào bên trong quầy trò chuyện và chép miệng tiếc rẻ: "Giá anh đến đây hôm qua thì hay biết mấy".



- Tại sao vậy?

- Hôm qua (31/3/2014 - PV) kỷ niệm ngày thành lập công ty, hàng bếp đôi hồng ngoại giảm 20% còn 16.000.000 đồng. Mua hôm nay anh phải mất 19.990.000 đồng.

- Giảm ít nhiều chắc phải có chứ?

- Giảm giá thì phải xin ý kiến giám đốc của em, anh để lại địa chỉ, điện thoại để em hỏi ý kiến lãnh đạo...

Đề nghị cho xem một bộ sản phẩm mới, Thắng lệnh cho một nhân viên nữ đưa ra một chiếc bếp đôi hồng ngoại Saniyo còn nguyên đai nguyên kiện. Mở ra thì cũng giống như chiếc của ông Hồ Sỹ Trung. Hỏi Thắng: Tại sao hàng nhập khẩu lại không có nhãn mác, hoặc tem nhập khẩu để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ? Thắng giải thích: "Tem nhập khẩu nếu anh thích thì bọn em dán cho cả chục cái cũng được. Ở đây bọn em có 2 quầy ở tầng 1 và tầng 3, quản lý thị trường ngày nào chẳng đến kiểm tra. Hàng công ty em là hàng Nhật Bản xịn chứ không phải hàng trôi nổi. Anh cứ yên tâm về chất lượng. Bọn em bảo hành đến 15 năm....".



Chúng tôi đề nghị ông Trung liên lạc với người bán hàng tên là Dũng. Khi ông Trung đến quầy hàng ở tầng 1, những nhân viên nơi đây nói: "Anh Dũng đang về quê sửa nhà". Vậy nhưng lên quầy hàng tầng 3, một nhân viên nữ đã gọi Dũng ra cho ông Trung gặp. Thấy ông Trung tiếp tục nói chuyện cũ, sợ ảnh hưởng đến việc bán hàng, Dũng lại mời ông Trung ra một quán nước cạnh tường rào Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức nói chuyện. Dũng liên tục lớn tiếng thuyết phục ông Trung yên tâm với chất lượng bếp và rằng chỉ có ông Trung mới được lãnh đạo công ty đối xử tốt như vậy và giá bán 8 triệu là quá ưu đãi. Khi ông Trung nói thẳng với Dũng: Tôi không cần rẻ, chỉ cần mua đúng hàng Nhật Bản nhập khẩu thì Dũng sổ toẹt: "Bác muốn mua hàng nhập khẩu cũng có nhưng phải trả 48 triệu đồng. Còn hàng của công ty cháu là hàng... linh kiện Nhật Bản, lắp ráp tại Việt Nam".



Kiểm tra thị trường bên ngoài Siêu thị BigC Vinh, thì mặt hàng bếp hồng ngoại rất sẵn. Tại một quầy bán đồ điện sát chung cư B3, P. Quang Trung, chủ cửa hàng giới thiệu một số nhãn hàng bếp hồng ngoại, trong đó có nhãn hàng Saniyo - Madein Japan... giống hệt như loại trong Siêu thị BigC Vinh (từ bao bì, thân bếp, tem nhãn, model). Chúng tôi hỏi mua chiếc bếp nhãn hàng Saniyo - Madein Japan... giống hệt như loại trong Siêu thị BigC Vinh thì được ông chủ cửa hàng bảo giá chỉ 5 triệu đồng và khuyên đừng dùng loại này vì chất lượng không đáng tin. Chủ cửa hàng nói: Không bao giờ có hàng bếp hồng ngoại hiệu Saniyo - Made in Japan nhập khẩu, chỉ có hàng Trung Quốc, kể cả loại trong siêu thị cũng vậy!.



Theo quy định về nhãn hàng hóa và với những gì được chứng kiến, có thể khẳng định Showroom bán hàng bếp hồng ngoại của Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Toàn Cầu tại Siêu thị BigC Vinh đang diễn trò lừa gạt người tiêu dùng.



Đến các siêu thị có tên tuổi, điều căn bản người tiêu dùng mong muốn là yên tâm mua sắm hàng hóa có chất lượng. BigC là một trong những thương hiệu lớn với chuỗi các siêu thị hầu khắp tỉnh thành trên cả nước. Liệu BigC Vinh nghĩ gì khi tại đây có một Showroom đang lừa gạt người tiêu dùng?



Ông Võ Quang Lân - Trưởng phòng Nghiệp vụ xử lý, Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP, các mặt hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ. Trong đó, dịch đầy đủ nội dung ghi trên nhãn gốc của hàng hóa. Ngoài ra, tùy tính chất của hàng hóa mà bổ sung thêm. Chi cục Quản lý thị trường cũng đã nhận được đơn của ông Hồ Sỹ Trung, nhưng do không có chức năng giải quyết tranh chấp giữa hai bên nên chỉ nắm thông tin để kiểm tra và xử lý nếu có tình trạng hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc.

Khoản 3, Điều 9, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hóa quy định: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Nghị định 89 cũng quy định rõ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá gồm tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Với mặt hàng điện, điện tử bắt buộc phải ghi trên nhãn về định lượng; tháng sản xuất; thông số kỹ thuật; thông tin, cảnh báo an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Theo Baonghean.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top