• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Nữ anh hùng Truông Bồn sống sót sau trận bom tàn khốc

HMO

Administrator
Staff member
47 năm về trước, vào ngày 31/10/1968, một trận bom Mỹ dội xuống Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương - nơi Tiểu đội 2 (Đại đội 317 Thanh niên xung phong Nghệ An) đang bám mặt đường tiếp sức cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam - đã khiến 13 con người nằm lại với đất mẹ giữa đại ngàn.

Bà Thông chia sẻ với phóng viên những ký ức về trận bom Truông Bồn 47 năm trước.
Nhân chứng duy nhất còn sống sót của “Tiểu đội thép” mở đường tại Truông Bồn là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người may mắn được cứu sống nhờ một phần đầu ruồi nòng súng K44, nay đã bước sang tuổi 69.

Giờ đây, sức khỏe đã kém, trí nhớ không được như xưa, nhưng với “cô gái Truông Bồn” trở về từ trận mưa bom, ký ức về những ngày bi thương gần 5 thập kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn.

Buổi sáng định mệnh
Giữa những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, chúng tôi tìm gặp bà Thông ở xóm Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh (Nghệ An) để nghe “cô gái Truông Bồn” kể lại hành trình trở về sau trận mưa bom đã cướp đi tuổi thanh xuân của gần cả Tiểu đội anh hùng.

Có mặt trong gian nhà tĩnh lặng, sau một hồi bắt chuyện, bà Thông ngậm ngùi kể, vào đêm 30, rạng sáng 31/10/1968, Đại đội thanh niên xung phong 317 nhận được thông tin 7 giờ sáng có đoàn xe quân sự đi qua. Các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 15A khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe vượt qua.

“Ngay sau đó, Đại đội 317 phân công Tiểu đội 2 tiếp tục trực chiến, san lấp những hố bom còn sót lại sẵn sàng đón đoàn xe. Sau khi nhận lệnh, cả đêm hôm đó, 12 anh, chị em của Tiểu đội cùng hai chiến sĩ là anh Hòa và anh Hạp đã cầm cuốc xẻng, xè beng, quang gánh ra trận địa,” bà Thông nhớ lại.

Theo mệnh lệnh, 5 giờ sáng, 12 cô gái và 2 chàng trai nhận nhiệm vụ rời hầm để bám đường. Tiểu đội được chia ra làm 2 tổ, mỗi tổ 7 người bám lấy 2 bên trục đường.

Người tiểu đội trưởng lúc bấy giờ còn nhớ mệnh lệnh đặc tiếng Nghệ phát ra của cấp trên: “Lúc đó anh Trần Văn Hạp nói o Thông ơi, cho tiểu đội đi làm nha. Nghe vậy, chị em trong tiểu đội gào lên bảo hôm qua mình làm gần cả đêm rồi, giờ sao lại đi tiếp nữa ạ.”

Để trấn an đồng đội, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông nói: “Thôi thì cấp trên đã có lệnh thì ta cứ đi cái đã.” Thế là, ăn vội miếng cơm nguội, phong lương khô, tất cả cùng nhau cầm cuốc xẻng chạy ra bám lấy mặt đường.

“Lúc đó, người yêu của chị Nguyễn Thị Tâm là anh Hòa, tiểu đội trưởng tiểu đội 6, chuẩn bị nhận giấy xuất ngũ cũng năn nỉ được đi theo để tiếp viện cho 12 chị em,” bà Thông nói.

Thế rồi giây phút định mệnh đã đến. Đúng 6 giờ 10 phút, máy bay không quân Mỹ lướt qua Truông Bồn, rồi đồng loạt thả hàng trăm quả bom đen kịt, xới tung cả lòng đường. Dưới mặt đất, bom Mỹ quật tới tấp, thi thể của những chàng trai, cô gái trong tích tắc đã bị vùi sâu vào lòng đất mẹ giữa đại ngàn.

Bà Thông bảo: Trước lúc máy bay ào tới, tui thấy 7 người vào chung một hầm trú ẩn, bốn o Doãn, Đang, Phúc, Bốn vào một hầm khác. Anh Hòa, o Vinh và tôi chạy tới cùng một hầm. Khi tới cửa hầm, tôi để o Vinh và anh Hòa vào trước, còn mình vác súng đứng cửa hầm quan sát trận địa lần nữa.

“Trong tích tắc, bốn chiếc phản lực sà đến, dưới bụng chúng bom rơi như vãi trấu, chưa kịp chạy vào hầm thì những tiếng nổ váng tai vang lên, bầu trời mù mịt khói. Lúc tỉnh dậy thì tui đã nằm trong bệnh xá, còn đồng đại đã vinh viễn ra đi,” bà Thông ngậm ngùi.


Các cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 2. (Nguồn ảnh: Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn)

May mắn được cứu sống nhờ đầu ruồi nòng súng
Đưa tay áo lau qua dòng nước mắt, bà Thông bảo trận bom ấy diễn ra bất ngờ lắm. Bình thường máy bay nó quay mấy vòng rồi mới ném bom xuống, nhưng hôm đó thì vừa đến, chúng thả bom luôn, nên không ai kịp tránh.

Theo lời kể của bà Thông, trong trận mưa bom ấy, máy bay Mỹ lao tới bất ngờ trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói, mù mịt. Ngớt tiếng bom, cả Đại đội 317, các đơn vị bạn và nhân dân Mỹ Sơn - những người sống, đi tìm người mất.

Từ hiện trường ngổn ngang mảnh bom, đồng đội đi qua đã dồn sức đào bới, tìm kiếm, nhưng tất cả đã vĩnh viễn ra đi, chỉ duy nhất chỉ còn Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông may mắn được cứu sống.

Ngậm ngùi một lúc rồi bà Thông bảo: “Số tui may mắn hơn chị em. Nghe kể lại thì tui được cứu sống trong buổi sáng mùa Đông định mệnh nhờ ấy, là nhờ có cái đầu ruồi nòng súng K44 ló lên trên mặt đất. Lúc đó mọi người cầm lắc đầu súng thì nghe tiếng rên, thế là họ cứu được tui.”

Sau khi bị thương, bà Thông được mẹ Nguyễn Thị Thởm hiện ở xóm 9, xã Mỹ Sơn cưu mang chăm sóc. Còn lại 11 cô gái, 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi. Trong đó, có 7 người không tìm được thi thể.

Cũng theo lời bà Thông, trước trận bom tàn khốc, trong số 13 đồng đội nằm lại có 8 người được xét cho nghỉ, có người nhận được giấy báo nhập học các trường Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Rồi có người chuẩn bị về làm đám cưới, thế nhưng họ đã hoãn tình riêng để cùng đồng đội bám trụ, thông đường.

“...Rứa mà buổi sáng định mệnh nớ, bom Mỹ hấn cướp đi tất cả,” bà Thông nức nở khóc.

Trước khi chia tay, bà Thông bảo: “Sau bao năm sống cảnh tiếc thương, dừ thì tui đã an lòng vì đồng đội đã được quan tâm, có nhà thờ, khuôn viên tưởng niệm để mọi người qua lại tri ân. Còn tui, dừ chỉ mong có sức khỏe, để được lên thăm, thắp cho chị em, đồng đội nén hương vào những ngày kỷ niệm.”./.

Theo TTXVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top