• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ NSND Hồng Lựu - đau đáu với Ví, Dặm quê hương

HMO

Administrator
Staff member
Người nghệ sỹ ấy dường như được dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ sinh ra để rồi suốt cuộc đời rong ruổi rộng dài theo câu hát dân ca ấy, để gìn giữ, chắt chiu một Di sản văn hóa của quê hương. Từng lời, từng chữ, từng cung bậc thăng trầm của dân ca Ví, Dặm như chảy trong huyết quản, thôi thúc chị sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật.

Đó là Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Trịnh Thị Hồng Lựu, sinh năm 1967, tại thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An). Với Hồng Lựu , niềm đam mê nghệ thuật, đam mê câu hát dân ca Ví, Dặm đã có từ nhỏ. Những lời ru, câu Kiều của bà nội, những bài vè xung quanh thôn xóm đã ngấm dần trong chị từ thuở bé thơ. NSND Hồng Lựu nhớ lại: Lần đầu tiên đứng trên sân khấu để hát là lúc mới 4 tuổi. Lúc đó, đoàn văn công của Tổng cục Hậu cần về diễn cho đơn vị K55 đóng quân tại làng, các cô trong đoàn văn công khi đó xin ở nhờ tại nhà Hồng Lựu, thấy chị hát hay và đam mê ca hát nên đã cắt vải may cho chị một cái váy để lên sân khấu hát... Khi bài hát kết thúc những tiếng vỗ tay thật to vang lên, lúc đó trong chị có một niềm vui sướng và tự hào đến lạ thường, chính từ giây phút đó chị ao ước được theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với mong muốn sẽ hát cho thật nhiều người nghe.

Trong những năm tiếp theo, tất cả các phong trào văn hóa nghệ thuật ở trường lớp hay thôn xóm, Hồng Lựu đều hăng hái tham gia, nhưng lúc đó chị chỉ hát theo bản năng với tất cả niềm đam mê. Cuộc sống của người dân quê như thế nào thì nó vận vào từng câu hát của chị như thế, luôn thể hiện được sự chân chất của người dân quê, mang cái hồn của phong trào trường lớp, khí thế của thế hệ thanh niên đồng quê. Cứ thế câu hát của chị lớn dần lên theo từng lứa tuổi. Tốt nghiệp THPT, Hồng Lựu được tuyển chọn vào lớp diễn viên, Khoa sân khấu Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Năm 1997, Hồng Lựu về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh nay là Trung tâm Bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ. Từ đó, Hồng Lựu bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

Sau 30 năm đứng trên sân khấu với hơn 60 vai diễn, 8 lần tham gia Liên hoan Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, chị đã gặt hái được 8 Huy chương Vàng và 3 giải nghệ sỹ xuất sắc. Ở chị không chỉ thấy được sự đam mê cháy bỏng, mà còn cả sự sáng tạo trong nghệ thuật. Dù vai chính hay phụ, đào thương hay đào lệch, Hoàng hậu, Công chúa hay cô gái quê mùa... mỗi vai diễn với chị là sự trải nghiệm, không lặp lại chính mình, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè đồng nghiệp và khán giả. Ngoài thể hiện thành công các vai diễn, Hồng Lựu còn tham gia sáng tác, biên tập, chuyển thể kịch bản dân ca, dàn dựng các vở diễn, chương trình nghệ thuật của Nhà hát, các Lễ hội trong tỉnh. Từ năm 1993 Hồng Lựu đã manh nha việc truyền dạy dân ca trong trường học.

Từ đó Hồng Lựu đã sưu tầm, tìm các làn điệu dễ hát, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đồng thời lồng ghép kiến thức ở bài dạy trong môn sử, môn văn trên lớp của học sinh để chuyển thành các làn điệu dân ca. Không chỉ dạy hát dân ca trong các trường học, Hồng Lựu còn thường xuyên dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An. Đến nay tại nhiều trường học, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được một mạng lưới các câu lạc bộ hát dân ca. Dân ca đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, trong các tiệc cưới hỏi, lễ Tết...

Theo NSND Hồng Lựu: Không chỉ dạy cho thế hệ trẻ cách hát dân ca sao cho đúng, cho hay mà hơn hết là hình thành ý thức bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ trong thế hệ trẻ. Chỉ có sống trong cộng đồng, thì dân ca Ví, Dặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững, nhưng để làm được điều đó thì người nghệ sỹ phải biết cách thổi hồn đam mê cho thế hệ trẻ. Muốn thế hệ trẻ đam mê dân ca thì người truyền dạy cũng phải là người thật sự có niềm đam mê. Giờ đây, NSND Hồng Lựu là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ nhưng công việc chính của chị vẫn là quản lý nghệ thuật. Khi có chủ trương làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận dân ca Ví, Dặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hồng Lựu lại cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, điền giã tới các miền gần xa để sưu tầm, tập hợp, gây dựng các câu lạc bộ dân ca. Trên khắp mọi miền quê Ví, Dặm lại in dấu chân Hồng Lựu - Người nghệ sỹ của nhân dân.

Theo Cadn.com.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top