• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Diễn Châu Những đứa con "bất hiếu" bạo hành Mẹ già gây phẫn nộ dư luận

HMO

Administrator
Staff member
“Số bà Nhàn xem như vô phúc khi sinh được ba cô con gái thì cả ba đều bất hiếu, chẳng có đứa nào đối xử tử tế với mẹ. Chồng mất sớn, con cái thì đứa này hắt hủi, đứa kia đánh đập, chẳng coi bà ra gì. Chúng đối xử với mẹ như thế nào thì con cái chúng sau này sẽ đối đãi với chúng như thế”, người hàng xóm phẫn nộ nói về chuyện bà Thái Thị Nhàn (70 tuổi, ngụ xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị con gái bạo hành.
Sức khỏe của bà lão kém đi rất rõ sau khi từ nhà con gái trở về
“Đứa hắt hủi, đứa đánh đập”
Ngôi nhà cấp 4 nhỏ thó của bà Nhàn nằm sát bên vách núi chỉ đủ kê một chiếc giường ọp ẹp, vài chiếc ghế nhựa và một cái rương nhỏ được đúc bằng xi măng dùng làm bàn thờ. Phía trên treo di ảnh người chồng quá cố.

Bà Nhàn nằm co quắp trên chiếc giường, da nhăn nheo, mắt nhắm nghiền lại. Thỉnh thoảng bà lại rên lên từng tiếng, than đau tức ở ngực không thở được. Suốt buổi trò chuyện bà luôn khóc.

Cuối năm 2014, bà Nhàn rời quê vào Bình Dương ở với cô con gái thứ (SN 1976) khi còn minh mẫn, khỏe mạnh. Trước khi đi bà còn hát dân ca, làm việc vặt trong nhà, đi khắp xóm để chào tạm biệt mọi người. Cứ tưởng vào trong đó con cái cho ăn ở sung sướng, bà sẽ được thảnh thơi, an dưỡng tuổi già. Nào ngờ, suốt gần một năm, bà lại bị chính con gái mà mình cho là “hiếu thảo” nhất chửi bới, đánh đập.

Bà trở về quê trong tình trạng gầy gò, xanh xao, mắt mờ, lưng còng, chân chậm. Nhưng với bà Nhàn, dù ở quê nghèo khó, cơm nhiều khi không thể tự nấu mà ăn, nước nhiều khi khát không có mà uống, nhưng bà vẫn còn bà con lối xóm ngày đêm ra vào thăm hỏi, đỡ tủi thân hơn nhiều.

Đầu tháng 4/ 2016, một đoạn clip ghi lại cảnh con gái bà dùng chổi vừa đánh, vừa chửi bà Nhàn, được lan truyền trên cộng đồng mạng. Người dân tỏ ra bức xúc khi người con gái nhẫn tâm đánh cả người mẹ của mình. Khi bị cơ quan chức năng mời lên trụ sở làm việc, đối tượng này bị cho là thản nhiên trả lời cho hành động vô lương tâm của mình như sau: “Tại mẹ ngu nên phải dạy”.

Bà Nhàn được anh em họ hàng đưa về quê sau đó. Đối với bà, được về quê là niềm mong ước của mình bấy lâu nay. Trước đó, bà đã nhiều lần đòi về nhưng con gái không cho, còn đánh đập, chửi bới.

Có nén nỗi buồn, bà Nhàn chậm rãi kể về cuộc đời của mình. Sau khi ba cô con gái chào đời, nghĩ chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình chồng vì không sinh được con trai nối dõi tông đường, bà Nhàn khuyên chồng ra ngoài ngoại tình kiếm một đứa con trai hoặc cưới thêm vợ bé. Thế nhưng, thương vợ, cùng với tư tưởng tiến bộ, chồng bà đã động viên gái trai gì cũng là con, cốt khi trưởng thành, chúng biết yêu thương, tôn trọng cha mẹ là được. Rồi người chồng cũng bỏ lại bà mà đi về nơi chín suối sau khi đã lo cho 3 cô con gái yên bề gia thất.

Chồng qua đời, con cái lập gia đình hết, chỉ còn mình bà thui thủi bên mái nhà rách mái. Khi còn sức khỏe, bà vẫn làm hai sào ruộng lấy gạo ăn. Ngày nông nhàn, bà vẫn khom lưng lên núi chặt củi về bán kiếm tiền mua đồ ăn. Hàng xóm biết đến bà Nhàn là một người hiền lành, dù nghèo khó, nhưng bà sống rất thơm thảo, chưa hề xích mích, gây mâu thuẫn với bất kỳ ai.

Ngoài cô con gái nêu trên, bà Nhàn còn hai cô con gái khác. Cả hai người này đều lấy chồng trong xã. Cứ nghĩ con cái lấy chồng gần nhà sẽ được nhờ vả lúc trái gió trở trời. Nào ngờ, những người con này bị cho là vô tâm đến lạnh lùng, không đếm xỉa gì đến sự tồn tại của mẹ. Không trông chờ được ở con cháu, những lúc ốm đau, bà chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm.

Trong ba người con gái của bà Nhàn thì đối tượng bị ghi hình kia lại từng được người dân trong làng khen ngợi là đứa con hiếu thảo nhất. Dù lấy chồng xa nhà nhưng người này có điều kiện, giàu có hơn. Cứ một vài tháng, người này lại gửi tiền về cho bà Nhàn mua thức ăn, quần áo, thuốc thang. Hơn một năm trước, thấy mẹ già yếu, lại một mình thui thủi sống trong căn nhà bên vách núi, người này đã đưa bà Nhàn vào Bình Dương để tiện đường chăm sóc.

Mới đầu nghe vậy, ai cũng nghĩ bà Nhàn số không có con trai nhưng lại may mắn vì nhờ được con gái. Chẳng ai ngờ, bà lại bị chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra đánh đập, chửi mắng tàn tệ.

“Muốn chết nhưng ông trời không cho chết”
Bà Nguyễn Thị Thường (một người hàng xóm của bà Nhàn) cho biết. “Nhà con trai tôi và nhà của cô kia cách nhau có vách tường. Tôi từng chứng kiến cảnh bà Nhàn bị con gái dùng tay đấm vào mặt, dùng chổi, roi quất, nhốt trong nhà. Có lần bà ấy bị con gái đập cho chảy máu trán. Cô ta bắt bà Nhàn mặc bộ quần áo ướt vì “cái tội” đái ra quần. Có lần cô ta cởi hết quần áo, đẩy mẹ ra ngay đầu cổng đứng co ro. Bà con trong khu phố đi qua thấy vậy liền đưa ra cho bà bộ quần áo để mặc. Họ vào khuyên cô ta không nên hành động như vậy thì bị cô ta chửi, đuổi về”.

Bà Nhàn trở về quê sống một mình trong sự quan tâm chăm sóc của xóm giềng
Cũng theo bà Thường, thời các cụ ngày xưa lúc sinh con đẻ cái không được kiêng cữ như bây giờ. Ngày ấy đói rách, ai mà kiêng cữ lắm cũng được nữa tháng thì phải dậy mà kiếm ăn. Cũng vì không kiêng cữ được nên nhiều lúc muốn đi tiểu là phải chạy thật nhanh vì không thể kiểm soát được mình. Cụ Nhàn tuổi già, lưng còng, mắt mờ, chân chậm. Dù biết buồn đi tiểu nhưng chưa vào kịp nhà vệ sinh thì đã tiểu ra quần, ra nhà rồi. Người con gái vốn tính sạch sẽ, “nhưng dù sạch đến đâu thì phận làm con cũng không được phép chửi bới, đánh đập mẹ mình như vậy”.

“Người ta không có con đã đành, đằng này bà Nhàn có tới ba đứa con. Vậy mà con bà lại nhẫn tâm ra tay đánh mẹ, tội lỗi tày trời, không thể nào tha thứ. Cô ta cũng mang nặng đẻ đau, cũng trải qua gian khổ khi nuôi con cái, vậy mà lại tàn nhẫn với chính mẹ đẻ của mình. Biết trước như vậy, thà… bóp mũi cho nó chết từ khi mới sinh ra”, bà Hoàng Thị Tâm (67 tuổi, hàng xóm) phẫn nộ cho biết.

Trước đây, đầu năm 2014, bà Nhàn bán một mảnh đất, có một số tiền, hai đứa con gái ở gần tỏ ra quan tâm đến mẹ, thường lui tới mẹ thăm hỏi. Nhưng khi mượn hết tiền rồi, họ lại thôi. Sau vườn nhà bà Nhàn trồng rất nhiều cây lâu năm, rất giá trị.

Bà bán số cây đó cũng ăn dư dả đến cuối đời. Vậy mà hai cô con gái làm nhà đến chặt hết chẳng chừa một gốc, cũng chẳng cho mẹ lấy một đồng xu nào mua con cá. Nhiều lần thấy bà Nhàn ốm, nằm liệt giường mấy ngày liền, hàng xóm điện thoại cho con gái đến đưa bà đi viện khám mà những người này bị cho là tị nạnh nhau chẳng ai chịu đến đưa đi. May mà dần dần bệnh tình của bà cũng khỏi.

Từ ngày trở về cho đến nay, bà Nhàn yếu hẳn, gầy gò, xanh xao, mắt mờ chẳng thấy đường đi, chỉ biết nằm một chỗ. Nhiều lúc bà tiểu ra quần cũng chẳng biết. Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến đàn con bất hiếu, nước mắt bà cụ bất hạnh lại trào ra. Bà nói “muốn chết nhưng ông trời không cho chết”. Bà than số mình vô phúc nên đàn con mới bất hiếu với mẹ như vậy.

Từ ngày về đến nay, hai người con gái ở quê của bà đã thay nhau đưa cơm đến cho mẹ rồi lại về lo công việc nhà. Tối đến, con cháu cũng không có ai đến trông nom, túc trực bên cạnh. Hàng xóm thấy vậy cảm thông, tối ngày thay nhau qua thăm hỏi, động viên, cho bà bới hiu quạnh, cô đơn.

“Có lần tôi ghé qua thấy bà nằm giữa sân cứ ngỡ bà chết. Người lạnh ngắt, thở hổn hển, mới vội gọi người tới khiêng vào nhà. Bà nói tối qua muốn đi vệ sinh nên bò ra ngoài rồi không biết đường vào nhà nữa. Đêm tối cũng chẳng gọi được ai nên nằm co ro như vậy. Có lần sang thấy bà trần truồng, quần áo không mặc, hỏi ra mới biết bà tiểu ướt hết quần áo. Cởi đồ ra rồi mà mắt không thấy đường tìm thấy quần áo mà thay”, chị Nguyễn Thị Oanh (hàng xóm), rớt nước mắt kể lại

Ông Nguyễn Văn Hùng (xóm trưởng xóm 7) cho biết, bà Nhàn vốn nghèo khó, sống một mình hàng chục năm nay. Năm 2010, nhận thấy căn nhà của bà đã xuống cấp trầm trọng, người dân trong xóm đã vận động, quyên góp tiền bạc mua xi măng, đi xin cát, đá, chặt cây trong vườn, gom góp ngày công để xây cho bà một căn nhà nhỏ. “Hiện sức khỏe bà Nhàn rất yếu, không thể đi lại, sinh hoạt được như trước. May mà có bà con lối xóm đồng cảm, sớm tối đến thăm hỏi, giúp đỡ”, ông Hùng nói./.

Theo PLVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top