• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳ Hợp Những “đứa con đặc biệt” của giáo viên vùng cao xứ Nghệ

HMO

Administrator
Staff member
Các cô giáo đã nhiều lần “hú vía” vì thấy học sinh của mình đang học bỗng nhiên… ngất xỉu. Định đưa em đi trạm xá nhưng rồi có cô nêu ý kiến cho em ấy uống sữa, ăn cơm, được một hồi thì trò tỉnh táo lại bình thường. Gọi phụ huynh lên thì phụ huynh chỉ nhăn nhó: “Nhà nỏ có chi ăn cô ạ”...

Câu chuyện của cô Hiệu trưởng Trương Thị Liên đã ám ảnh tôi suốt quãng đường tìm đến Trường Mầm non Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An).

Xót xa hai đứa trẻ chờ cha mẹ

Một lớp học tại Trường Mầm non Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An). Ảnh: N.T
Huyện Quỳ Hợp có 20 xã 1 thị trấn thì có tới 14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng 135). Toàn huyện có 23 trường mầm non và 26 trường tiểu học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ở các lớp nhà trẻ, mẫu giáo đầu năm học 2016 – 2017 ở mức từ 11 – 13%, tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm xuống còn 2,5 – 4,9% cấp mầm non; cấp tiểu học giảm từ 8,6% xuống còn 4,9% cuối năm học.

Khác với hình ảnh xa hoa của những ngôi biệt thự ốp đá trắng mọc san sát trên những tuyến tỉnh lộ, đường vào Quỳ Hợp đâu đâu cũng thấy những vạt đồi, núi được đục khoét nham nhở để khai thác đá.

Những vạt đá trắng ngổn ngang đi vào cả những câu chuyện ngắt quãng của những giáo viên mầm non ở Châu Hồng và Châu Cường (Quỳ Hợp) khi nói về học sinh của mình. Cô Liên cho biết: “Phần lớn phụ huynh đều là những lao động nghèo, nhiều người trong số họ làm việc trong các khu khai thác khoáng sản trong vùng. Điều kiện làm việc không an toàn đã dẫn đến những tai nạn sập hầm, đá đè khiến nhiều đứa trẻ bị mất cha, mất mẹ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần”.

Hai anh em Nguyễn Vi Đông (3 tuổi) và Nguyễn Biên Biển (9 tuổi) là hai trong số những đứa trẻ bất hạnh ấy. Đoạn đường từ trường về đến Bản Phẩy không quá xa nhưng đối với hai em Biển, Đông, đó là cả một quãng đường đầy khó khăn và… cô độc. Cô Sầm Thị Hiếu – giáo viên chủ nhiệm lớp em Đông chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng để đến nhà Đông. Vừa đi, cô Hiếu vừa kể: “Bố Đông mất trong một tai nạn sập hầm ở mỏ đá. Người vợ trẻ sau một thời gian cũng bỏ đi làm ăn xa, gia đình không có tin tức gì. Hai anh em hiện sống cùng ông bà ngoại già yếu”.

Từ ngày bố mất, mẹ bỏ đi, căn nhà lụp xụp chưa đầy 20m2 từng là tổ ấm của hai anh em Đông giờ ẩm mốc, lạnh lẽo. Điểm “nóng” duy nhất trong nhà là chiếc bàn thờ có bức ảnh của bố Đông đang nghi ngút hương khói.

Bà Vi Thị Liên – bà ngoại Đông gạt nước mắt kể: “Thương cháu, ông bà đưa về nhà nuôi, nhưng ngày đi học, vui chơi không sao, tối về hắn lại nhớ bố mẹ. Mấy tháng ròng, cứ đêm đến là anh em hắn lại đòi bà đưa về nhà chúng ngủ. Ba bà cháu lại cứ thế mang manh chiếu ra trải giữa sàn nhà lạnh lẽo. Nhìn hai đứa ngủ say sưa mà tôi chỉ biết khóc suốt đêm”.

Cậu bé Đông gầy gò, nhỏ thó và lọt “top” suy dinh dưỡng thấp còi của lớp. Gương mặt em lúc nào cũng buồn bã, sợ sệt và mệt mỏi. Để có tiền nuôi 2 cháu ăn học, ông ngoại Đông đêm nào cũng phải chong đèn đi soi con ếch, con lươn về bán lấy tiền.

May mắn hơn Biển - Đông, em Đức Long, 5 tuổi, học trường mầm non Châu Cường vẫn còn có mẹ, mặc dù mẹ đau ốm quanh năm và không thể hàng ngày đưa đón Long đến trường.

Trong căn nhà tối tăm của mẹ con Long ở xóm Mường Ham (Châu Cường, Quỳ Hợp) chúng tôi gặp chị Vi Thị Lợi (32 tuổi) gầy yếu, hom hem vì vừa trải qua trận ốm. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, chồng chị Lợi bỏ xứ đi làm ăn xa rất lâu rồi không tin tức gì về cho vợ con. Từ ngày chồng đi, chị Lợi 1 nách 3 con nhỏ “gồng gánh” nhau qua ngày.

“Sức khỏe yếu, tôi đi làm lúc được lúc chăng. Không đủ tiền trang trải và đóng học cho các con, đã có lúc tôi nghĩ đến việc cho con nghỉ học. Nhưng, sau đó được các cô giáo ở trường động viên, tháng nào không có tiền đóng tiền ăn bán trú cho con, các cô lại tự động góp tiền để mua phiếu ăn ủng hộ. Tôi cảm ơn các cô lắm” – chị Lợi kể. Cũng vì quá ốm, chị Lợi phải giao con nhờ các cô giáo đưa đón hàng ngày. Cứ thế, những đứa trẻ nghèo trở thành những “đứa con đặc biệt” của các cô giáo trường mầm non Châu Cường.

Cô Sầm Thị Nga, người hàng ngày đưa đón Long nhiều nhất cho biết: “Dường như con biết mình thiệt thòi, mẹ vất vả, nên Long rất ngoan và nghe lời các cô giáo. So với các bạn cùng lớp, con nhỏ hơn, gầy hơn và rất hiếm khi thấy con... cười”.

Nhận “đỡ đầu” học sinh suy dinh dưỡng

Cô Sầm Thị Nga đưa Long về nhà sau buổi học. Ảnh: N.T
Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần như Long, Đông... không hiếm ở Châu Cường, Châu Hồng. Trường mầm non Châu Hồng chỉ có 271 trẻ nhưng không kể học sinh nghèo thì đã có tới 7 em thuộc diện đặc biệt khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ. Ở Trường Mầm non Châu Cường, trong số 334 học sinh có đến 110 em thuộc diện hộ nghèo. Số học sinh suy dinh dưỡng, thấp còi ở các trường mỗi đầu năm học thường rất cao. Đó cũng là điều khiến các cô giáo ở đây vô cùng trăn trở.

Thương các em đói, sợ các em còi, mấy năm nay, giáo viên mầm non ở đây đã tự nguyện trích số tiền lương ít ỏi hàng tháng và kêu gọi tài trợ từ những phụ huynh có điều kiện để lập quỹ chống suy dinh dưỡng cho trẻ: “Quỹ này dành cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, suy dinh dưỡng như em Đông. Mỗi bữa, các cô sẽ dùng tiền trong quỹ để mua thêm thức ăn bổ sung cho các em, khi thì thêm quả trứng, khi thì cốc sữa, miếng thịt...” – cô Liên nói.

Vì giáo viên cũng nghèo nên quỹ chống suy dinh dưỡng không được nhiều, các cô trong trường phải “cân nhắc” rất nhiều khi chọn ra những học sinh được chế độ ăn đặc biệt. “Ưu tiên nhất là dành cho những học sinh 5 tuổi – độ tuổi phải phổ cập giáo dục, nếu không đủ sức khỏe, không được ăn no các em sẽ ốm yếu, bỏ học. Thường thì đầu năm học, trường sẽ “lọc” những em thấp, còi gia đình nghèo không có điều kiện đóng cho con tiền ăn trưa 15.000 đồng/bữa. Giáo viên sẽ họp xem ai có thể nhận đỡ đầu mua phiếu ăn hàng tháng cho em đó và trích quỹ chống suy dinh dưỡng để bổ sung khẩu phần ăn cho em” – cô Liên giải thích. Bản thân cô hiệu trưởng cũng đang nhận đỡ đầu cho một học sinh trong trường.

Các cô giáo ở đây cũng cho biết, trước khi thực hiện “bữa ăn đặc biệt” cho học sinh suy dinh dưỡng, các cô cũng phải làm tư tưởng cho các học sinh khác. “Phải giải thích với các bạn trong lớp là: Con có thấy bạn A, bạn B rất nhỏ và gầy không? Con có thương bạn không? Bây giờ con có muốn bạn ấy khỏe mạnh và cùng cao lớn như các con không? Thế cô cho bạn ấy ăn thêm quả trứng, uống thêm cốc sữa nhé? Các con hiểu được như thế thì thương bạn lắm, không tị nạnh gì cả” – một giáo viên nói.

Nhờ có những quả trứng, cốc sữa tình nghĩa cùng sự chăm sóc chu đáo của các cô giáo vùng cao nơi đây mà những đứa trẻ nghèo dần dần thoát khỏi danh sách suy dinh dưỡng, thấp còi. Tại Trường Mầm non Châu Hồng, tỷ lệ suy dinh dưỡng đầu năm học là 12 – 13% thì đến cuối năm học chỉ còn 3 – 4%; con số này ở trường mầm non Châu Cường giảm từ 15% xuống 4%.

“Góp gió thành bão”, do được quan tâm, chăm sóc đầy đủ từng bữa ăn, giấc ngủ, học sinh vùng khó nơi đây chăm đến trường hơn, tỷ lệ chuyên cần cũng nhờ đó mà tăng lên rõ rệt. Bà Trần Thị Đào – Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Quỳ Hợp cho biết: “Có lẽ ở vùng xuôi hay những thành phố lớn mọi người sẽ lạ lẫm lắm khi nghe đến cái tên “Quỹ chống suy dinh dưỡng” của thầy cô, nhưng ở vùng cao Quỳ Hợp thì không có gì lạ cả. Rất nhiều trường ở đây đã làm tốt quỹ này giúp trẻ em nghèo thoát khỏi suy dinh dưỡng thấp còi, có động lực đến trường và phát triển bình thường như những trẻ khác”.

Theo Tùng Anh (Dân Việt)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top