• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Hưng Nguyên Nhờ chống tham nhũng thu được "lãi"

HMO

Administrator
Staff member
Bực mình vì tố cáo cán bộ địa phương tham nhũng nhưng cấp trên không ngó ngàng, thậm chí bao che, ông Ngô Bá Nhường (65 tuổi, ở xóm 6 xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên) quyết tâm “vào hang bắt cọp” bằng cách tham gia đấu thầu, thực hiện một dự án trên địa bàn xã để “thu thập bằng chứng sống”. Và bất ngờ, chỉ cần ký 2 hợp đồng và gọi mấy cuộc điện thoại, ông Nhường đã có được “bằng chứng tham nhũng” là số tiền lãi hơn 100 triệu đồng...

Ông Ngô Bá Nhường trên “dự án” mà ông thực hiện với mục đích chống tham nhũng. Ảnh: QUANG ĐẠI
“Dân khổ rứa mà cán bộ nhẫn tâm mần bậy”
Vừa gặp nhau, chưa kịp hỏi mô tê ngọn ngành, ông Nhường đã kéo tay dẫn tôi “đi một vòng Hưng Lĩnh để coi dân bầy tui sống khổ ra răng”. Hưng Lĩnh là xã thuần nông nghiệp, nhưng đất đai lại khan hiếm, mỗi lao động chỉ được 9 thước ruộng (chưa được 300m2) lúa. Lại gặp thời buổi giống, phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng vùn vụt, dân làm lúa không có lãi, thậm chí lỗ. Dân Hưng Lĩnh vì thế cứ khó, nghèo mãi. Những ngôi nhà đơn sơ, nhỏ bé bên những con đường nhỏ hẹp, xuống cấp là cảnh tượng phổ biến ở đây.


Năm 2014, mặc dù đã bình xét gắt gao, số hộ nghèo và cận nghèo của xã còn xấp xỉ 500 hộ, chiếm tỉ lệ hơn 30%. Thanh niên lớn lên nhìn đồng ruộng thấy chẳng có tương lai gì nên đều ly hương đi học, đi làm kiếm sống; trong làng chỉ toàn ông già bà lão với trung niên, trẻ con. Đã thế mỗi sào ruộng còn phải gánh thêm nhiều chi phí như giao thông thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn và nhiều loại quỹ phí, khác.


Đã mấy chục năm xây dựng nông thôn và bây giờ là xây dựng nông thôn mới, nhưng cơ sở hạ tầng đường sá, kênh mương nội đồng của Hưng Lĩnh vẫn còn yếu kém, phải thu tiền dân để bồi đắp, duy tu hàng năm. “Chú coi, dân khổ như rứa mà cán bộ lại nhẫn tâm mần bậy. Một số cán bộ hợp tác xã (HTX) và UBND xã đã buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện tiêu cực làm thất thoát hàng trăm triệu đồng của dân, ngoài ra còn làm nhiều việc sai trái khác, tôi xót dân quá phải phản ánh lên huyện” - ông Nhường mở đầu câu chuyện chống tham nhũng của mình.


“Vào tận hang mới bắt được cọp”
Vốn là cán bộ kế toán ngân sách xã nghỉ hưu, ông Nhường nắm được những sai phạm, khui ra những chuyện “động trời” đằng sau vẻ yên ả sau lũy tre làng khi tố cáo cán bộ HTX lập hồ sơ khống, giả chữ ký của 13 xóm trưởng và hàng trăm hộ dân để rút 6 tấn lạc giống hỗ trợ thiệt hại của huyện cho xã Hưng Lĩnh, tương đương với số tiền 54 triệu đồng về chi tiêu sai mục đích. Từ đơn tố cáo này, thanh tra huyện đã vào cuộc và yêu cầu thu hồi số tiền 54 triệu đồng để xử lý. “Đáng ra lạc của dân thiệt hại thì cấp lại cho dân, đằng này huyện lại xác định dân không được hỗ trợ. Cho đến nay số tiền nói trên vẫn chưa được thu hồi. Vậy là đường nào cũng hỏng” - ông Nhường than thở. Nhưng điều khiến ông Nhường bức xúc hơn là nội dung ông phản ánh việc HTX Hưng Lĩnh kí hợp đồng với cá nhân múc đất từ mương, đắp đường với giá cao hơn rất nhiều so với thực tế nhưng không được chấp nhận.


Chụp vội cái mũ bảo hiểm, vù xe máy dẫn tôi ra cánh đồng lúa còn thì con gái, ông Nhường khoát tay: “Đây này, có ai dùng máy múc một khối đất từ mương rồi đắp lên đường mà lại được tính tiền hai khối (một khối cho làm mương, một khối cho đắp đường) không chú?”. Chưa hết, Hưng Lĩnh có cái rú (núi nhỏ) đào dở, giá đất từ rú này chở về đắp cho dân chỉ khoảng 45.000/m3, nhưng cán bộ HTX ký hợp đồng với tư nhân lên tới 105.000/m3. “Tôi nhẩm tính, với hàng chục nghìn khối đào mương, đắp đường, số tiền của dân đã vào túi cá nhân lên tới hơn 300 triệu đồng”. Ông Nhường tính là thế, nhưng thanh tra huyện Hưng Nguyên lại xác định nội dung tố cáo này “không có căn cứ”, thậm chí đưa ra mức chi phí còn cao hơn 105.000 đồng/m3.


Ông Ngô Bá Nhường.

Nói không ai nghe, ông Nhường quyết tâm “làm cho chộ” (thấy). Vào năm 2014, khi UBND xã Hưng Lĩnh thông báo mời đấu thầu hạng mục đắp đường giao thông nội đồng cũng với mức giá 105.000 đồng/m3, ông đã viết đơn nhận thầu. Có hai đơn đấu thầu, nhưng một người xin rút, vậy là ông Nhường trúng. Sau khi kí hợp đồng với UBND xã Hưng Lĩnh, ông Nhường đã kí hợp đồng thuê ông Nguyễn Thế Anh, xóm 8 xã Hưng Lam thi công, với mức giá 67.000 đồng/m3, chênh lệch 38.000 đồng/m3 so với giá mà ông Nhường nhận thầu từ UBND xã Hưng Lĩnh. “Sau phi vụ này, tôi bỗng dưng thành triệu phú chú ạ”, ông Nhường khoe. Với khối lượng đào đắp thực hiện hơn 3.000 m3, ăn lời gần 40.000/m3, chỉ trong thời gian 2 tuần, ông Nhường đã bỏ túi hơn 110 triệu đồng.


Sau khi trừ các chi phí và tài trợ, hỗ trợ cho một số tập thể, cá nhân, ông Nhường vẫn còn “lãi ròng” xấp xỉ 100 triệu đồng. “Tôi đã báo cáo trước chi bộ về số tiền này. Ngạn ngữ có câu “muốn bắt cọp phải vào tận hang”, mục đích của tôi đứng ra nhận thầu chỉ để chứng minh mức giá 105.000 đồng/m3 là quá cao, gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Chứ tôi có tính chi chuyện tiền nong cho bản thân. Số tiền này tôi sẽ trả lại cho dân, nhưng yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan đã làm thất thoát tiền dân” - ông Nhường nói.


Tiền của dân thì phải trả lại cho dân
Cao lớn, phong độ, giọng nói sang sảng, ông Nhường trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 65. Ông có 4 con, nay đều đã phương trưởng, có việc làm ổn định, đứa làm cán bộ, đứa đi nước ngoài, kinh tế ổn định. Thời bao cấp, con đông, vợ làm nông, ông cùng vợ quần quật làm lụng, tằn tiện nuôi con, vì vậy ông thấm thía nỗi khổ của nông dân. Là cán bộ địa phương lâu năm, nổi tiếng công minh, cương trực, ông Nhường được bà con kính trọng. Trước khi đứng ra viết đơn, ông Nhường đã trao đổi với các thành viên trong gia đình, các con ông đều ủng hộ. Ông Nhường cũng đã báo cáo trước chi bộ về những việc mình làm. Con người ông là vậy, rõ ràng phân minh, nên được người dân tin cậy. “Nói thật với chú là sau khi tôi phát đơn, có một số người đã đến nhà xin lỗi, điều đình. Nhưng tôi trước sau chỉ yêu cầu: “Sai thì phải sửa, tiền của dân thì phải trả lại cho dân” - ông Nhường nói.


Đang cao hứng, giọng ông Nhường bỗng chùng xuống: “Chỉ một hợp đồng làm trong vòng 2 tuần mà một chủ thầu đã bỏ túi hàng trăm triệu, thì những cái khác là bao nhiêu? Mà tôi đấu tranh vậy chứ rồi kết quả chẳng đến đâu”. Cái “chẳng đến đâu” đó là mặc dù thực tế đã chứng minh, nhưng chính quyền vẫn cho rằng mức giá hợp đồng “trên trời” của HTX Hưng Lĩnh là hợp lý, tiền dân thì “lên rú mà đòi”. Bên cạnh đó, một số cán bộ liên quan đến sai phạm chỉ bị kỷ luật nhẹ hều và tiếp tục được cơ cấu làm cán bộ. Theo văn bản số 662 ngày 17.9.2013 của UBND huyện Hưng Nguyên, vào năm 2008, ông Nguyễn Xuân Cường, kế toán HTX Hưng Lĩnh đã cùng một số người lập giả hồ sơ 30 ha lạc chết rét để rút số tiền hỗ trợ 54 triệu đồng về chi tiêu sai mục đích. Thế nhưng, ông Cường chỉ bị khiển trách cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.


Bên cạnh đó, theo xác nhận của ông Lê Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh - thì ông Nguyễn Xuân Cường mặc dù đã được đền bù về đất và tài sản trên đất (nhà) tại hành lang đê 42, nhưng nhiều năm qua, ông Cường không trả lại mặt bằng cho Nhà nước. Với những hành vi làm trái có hệ thống, nhưng không hiểu sao, ông Cường vẫn được “tín nhiệm” để cơ cấu vào chức vụ Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hưng Lĩnh nhiệm kỳ 2016 - 2020? Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, thì ông Lê Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh im lặng lảng tránh. Chưa hết, ông Hoàng Nghĩa Quang, Bí thư Đảng ủy xã, vừa bị kỷ luật vì phải chịu trách nhiệm trong sai phạm vừa qua, nay lại tiếp tục được “cơ cấu” vào chức danh Chủ tịch UBND xã. “Dân nghèo thiếu mấy đồng tiền chưa nạp thì lên xã không giao dịch, đóng dấu. Cán bộ sai phạm lại cơ cấu kiểu vòng quanh rồi lại làm… cán bộ. Với kiểu làm ăn như thế này, thì dân còn biết tin vào ai và cán bộ lấy đâu ra uy tín để lãnh đạo dân?” - ông Nhường chua chát.


Rời Hưng Lĩnh, tôi ám ảnh mãi bởi gia cảnh ông Hoàng Nghĩa Lập, xóm 7, có 6 nhân khẩu, trong đó có 5 người làm ruộng trên diện tích 1,5 sào sống chen chúc trong ngôi nhà cũ xuống cấp chừng vài chục mét vuông. Cha già cả ốm đau, con gái ngớ ngẩn, thế nhưng qua “bình xét” vẫn chưa “đạt chuẩn” hộ nghèo, mặc dù vừa được cấp gạo cứu đói. Hưng Lĩnh và nhiều địa phương khác của Nghệ An, của cả nước, sẽ còn thêm rất nhiều gia đình như ông Hoàng Nghĩa Lập nếu không có những cán bộ vì dân, biết chia sẻ với dân và những người tiên phong chống tham nhũng như ông Nhường luôn lắc đầu “cũng chẳng đến đâu” khi được hỏi về kết quả...

Theo
 

Ads HMO

Ads HMO

Top