• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Những nghệ sỹ làng phong

HMO

Administrator
Staff member
“Đời tủi cực nhiều rồi, làm thơ cốt để xua bớt buồn phiền. Cũng nhờ thơ mà em lấy được vợ. Em vốn nhát phụ nữ lắm. Nhưng rồi đọc cho bà ấy nghe mấy bài thơ, không ngờ bà yêu em thật” - ông Phạm Dương Mềm ở làng phong Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) kể. Ở đây có nhiều thi sỹ, nghệ sỹ như ông.
Cụ thơ
Con đường vào làng phong Quỳnh Lập trải nhựa phẳng lì. Qua dãy đồi khúc khủyu, cách trung tâm thị trấn Hoàng Mai gần chục cây số, những dãy nhà hiện ra trước mắt. Khung cảnh thanh bình, từng hàng chuối vút cao, vài nhóm trẻ nô đùa bên sân bóng, lác đác các cụ chống gậy, dìu xe lăn tản bộ dọc con đường làng nhỏ hẹp...
“Làng phong đang đổi thay, không còn cách biệt, miệt thị. Người dân lạc quan, vui tươi hơn. Có nhiều nhà thơ, nhà văn và cả nhà báo...” - bác sỹ Nguyễn Việt Dương, Giám đốc Bệnh viện Phong da liễu T.Ư Quỳnh Lập khoe.
Tôi tìm vào căn nhà tập thể của cụ Mềm. Ở tuổi 84, ánh mắt mờ đục, chân tay run rẩy vì tuổi tác và di chứng bệnh phong, nhưng nhắc đến thơ, cụ hứng khởi: “Thơ là tiếng lòng, “em” (cụ Mềm xưng thế - PV) nghĩ sao nói thế. Làm thơ cốt để gửi cái hỉ nộ ái ố, vui buồn cuộc sống...”.

Cụ thơ Phạm Dương Mềm.
Cuối chiếc giường giản dị, cụ Mềm cẩn thận mở chiếc rương gỗ, lấy ra gần chục tập vở ô li, kín đặc là thơ. Phải cúi sát xuống trang vở, cụ Mềm mới nhìn rõ chữ. Nhiều bài cụ nhớ, đọc làu làu. Ông Trần Văn Toan (56 tuổi), hàng xóm góp chuyện: Nói về thơ, phải gọi ông là “cụ thơ” mới đúng. Làm lâu nhất, nhiều nhất...
Thấy cụ Mềm ham thơ, một cha đạo quản xứ tập hợp gần 50 bài xuất bản cuốn Một chút tình phong tặng cụ. “Tính đến nay, em có 4 tập rồi. Tiếc là không đủ tiền. Nếu đủ, em in thành các tập riêng làm kỷ niệm”, cụ Mềm nói.
Quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), hơn 20 tuổi, chàng thanh niên Phạm Dương Mềm bất ngờ bị cục mụn ở chân, sau lan ra khắp đùi và lên mặt. Ban đầu gia đình tưởng Mềm bị hắc lào, bạch biến. Khi đoàn bác sĩ T.Ư về khám, cái tin “bệnh hủi” như sét đánh bên tai chàng trai đang đầy hoài bão.
Năm 1968, Mềm được đưa điều trị cách ly tại Văn Môn (Bắc Ninh). Học chưa hết lớp 5, nhưng cái cảnh chia ly gia đình không rõ ngày về thời ấy, khiến Mềm thổn thức làm bài thơ đầu đời tặng mẹ “Gọi bầm ơi”: Con đi điều trị xa xôi/Không bằng bầm ở nhà ngồi thương con... Từ đó, những khi vui buồn, cô quạnh, Mềm lại làm thơ.
“Cũng nhờ thơ mà em lấy được vợ. Em vốn nhát phụ nữ lắm. Nhưng rồi đọc cho bà nghe mấy bài thơ, không ngờ bà yêu thật”, cụ Mềm hóm hỉnh. Gần 5 năm ở Văn Môn, bệnh nhân Mềm chuyển vào làng phong Quỳnh Lập tiếp tục điều trị. Tại đây, cụ Mềm tiếp tục được học chữ đến hết lớp 6.
Năm 1965, Quỳnh Lập là trọng điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, làng phong phải di tản. Người khỏe giúp người yếu, người đi được dìu người liệt. Cụ Mềm gắng sức giúp nữ bệnh nhân Cao Thị Đưa. Hết chạy ra Quỳnh Thắng, Quỳnh Hợp, mọi người di tản về làng cũ. Những ngày chạy giặc, nghe thơ cụ Mềm, bà Đưa cảm lòng.
“Tưởng rằng cùng cảnh với nhau/Yếu hèn ta đến với nhau bạn đời/Khi đau, khi ốm than ôi!/Tựa nhau mà sống ấy thời cho qua” - cụ Mềm ôn lại bài thơ tỏ tình.
Thơ cụ Mềm nhiều khi triết lý, răn đời: “Trăm năm trong cõi người ta/Làm chi cái thói chua ngoa hỡi người/Ở ăn vừa phải ấy thôi/Không nên quá quắt để người cười chê.../ Làm người chớ có cơ cầu/Không nên đểu giả, làm nhau mất nhờ/Của đời chẳng đáng là bao/Mà người ăn ở làm sao đớn hèn” (Ở ăn mà chẳng đẹp lòng). Hay “Thế mà cán bộ trong dân/Một số thôn xã ngại ngần chi đâu/Bàn nhau cắt trước xén sau/Bớt đi giành lại chia nhau ít nhiều/Cấp sai cấp trái cấp điêu/Cán bộ nhắm mắt làm liều như ma” (Lấy mo che mặt)...
Người đa tài
Chiều làng phong. Căn nhà ông Phạm Đình Tiến (64 tuổi) rộn ràng tiếng đàn. Bàn tay co quắp do di chứng bệnh phong nhưng ngón đàn của ông Tiến vẫn khá tinh tế. Lúc cao hứng, ông ngân nga vài bài thơ mới sáng tác bên chén trà, chén rượu cùng cánh thi hữu.

Ông Tiến chơi đàn cùng người dân trong xóm.
Không chỉ làm thơ, chơi đàn, ông Tiến còn là “nhà văn, nhà báo, họa sĩ, MC” có tiếng của trại phong. Ông bảo: “Đêm qua tui thức đến 2 giờ sáng, viết cho xong cái bài chị Tình, hai vợ chồng chỉ có 1 đôi chân nhưng vẫn nuôi 2 con ăn học đàng hoàng, để gửi báo địa phương”.
Ở làng phong, ai cũng khổ như nhau, nhưng thấy “lá rách hơn”, ông Tiến nhiệt tình giúp đỡ. Ông nhẩm tính, đến nay, các báo trung ương, địa phương, tạp chí ngành đăng đến vài chục bài, truyện ngắn và thơ của ông.
Vui nhất là bài “Cánh hoa mua tím” năm 2005 được đăng trên tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình), được đọc trên chuyên mục chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam và rinh giải ba trong cuộc thi viết về lực lượng vũ trang Quân khu 4.
“Tôi viết tác phẩm này từ năm 2000, nhưng 5 năm sau mới gửi đăng, dư thi. Lúc đầu cứ nghĩ, mình ít học, lại bị bệnh phong thì ai nghe, ai đọc. Nhưng rồi mọi người khuyên, tôi gửi thử.
Sau vinh dự nhận giải đó, tôi thêm động lực, sáng tác nhiều hơn” - ông Tiến kể. “Cánh hoa mua tím” là hình ảnh đẹp, bình dị về người nữ thanh niên xung phong, mà nhân vật chính được xây dựng từ nữ TNXP có thật, quê Bắc Ninh.

“Cánh hoa mua tím” tác phẩm của ông Tiến đăng trên tạp chí Nhật Lệ.
Ông Tiến nhớ lại: Lúc đó tôi 15 tuổi, chị hơn tôi dăm ba tuổi. Hai người gặp nhau ở quê tôi và coi như chị em. Dù chưa một lần được tham gia lực lượng TNXP nhưng nghe chuyện của chị, tôi rất khâm phục, cảm động. Tôi ví họ như cánh hoa mua tím giữa núi rừng Trường Sơn. Hơn tháng trời, tác phẩm hoàn thành. Lần đọc thử cho bạn văn làng phong nghe, ông Tiến và mọi người đều bật khóc vì xúc động.
Quê Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình), ông Tiến lớn lên như bao bạn trẻ trong làng. 16 tuổi, Tiến phát hiện mình bị bệnh phong, 4 năm sau ông chuyển đến mái nhà mới - làng phong Quỳnh Lập. Ông lạc quan, vượt lên số phận. Chỉ học ngang tiểu học, nên gần như mọi thứ ông Tiến đều tự mày mò tìm học. Gian phòng khách, ông treo bức tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do chính tay mình phác họa y như ảnh chụp. Nhiều người dân nhờ, ông hăng hái vẽ tranh phong cảnh, vẽ chân dung tặng.
Theo ông Tiến, chính cảm hứng, đồng điệu số phận khiến ông học hỏi hồn thơ Hàn Mặc Tử. Lúc buồn ông ngân bài Ảo ảnh yêu như nhắc nhở mình: “Hàn Mặc Tử anh đi rồi để lại muôn nỗi nhớ/Hàn Mặc Tử anh đi rồi lắng lại vạn ý thơ/Anh đi rồi đã thật hay trong mơ[...] /Đau đớn nhiều nhưng anh vẫn cứ yêu/Mà chỉ để yêu trong tâm linh và cõi mộng/Anh để cho đời một tình yêu vĩnh cửu/Chỉ có anh - băng giá ướp tim mình/Tiếc thay trời đã cướp mất sinh linh/Nhưng để lại cho đời nguồn thơ tình tràn đầy máu nóng”.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, vợ ông, kể: Vợ chồng cùng cảnh ngộ, nhưng tôi yêu thơ rồi mới yêu ổng. Thơ ông chân chất, ấm áp và vui tươi như con người ổng vậy. “Xa em tôi thấy vắng/Thiếu em tôi thấy buồn/Như ngày không có nắng/Như đêm không có sao”- một đoạn thơ ông ghi nắn nót trong sổ, phía dưới đề dòng chữ “mến tặng bạn đời”.




Người phong giờ không còn bị kỳ thị, khinh miệt. Họ luôn vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mình làm thơ, viết văn để nêu gương con cháu phải luôn nỗ lực, cố gắng lạc quan, vượt lên nghịch cảnh
Ông Phạm Đình Tiến
ĐA nguồn Tiền Phong.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top