• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Những người muôn năm cũ: Gặp cô gái thép Truông Bồn

HMO

Administrator
Staff member
Bà Trần Thị Thông - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An - là chiến sĩ duy nhất sống sót trong trận mưa bom máy bay Mỹ ném xuống Truông Bồn năm 1968.

Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5 km ở dãy núi Thung Nưa, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A (còn gọi là đường 30) chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Cọc tiêu sống trên tuyến lửa
Trong chiến tranh chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược để miền Bắc chi viện cho miền Nam nên không quân Mỹ thường xuyên đánh phá ác liệt. Chỉ từ tháng 6 đến tháng 10-1968, gần 3.000 quả bom đã trút xuống nơi này, khiến hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân ngành giao thông anh dũng hy sinh.

Bộ đội và TNXP lên phương án chiến đấu bảo vệ Truông Bồn Ảnh: Tư liệu

Bà Trần Thị Thông kể lại khoảnh khắc 13 đồng đội hy sinh ở Truông Bồn Ảnh: Đức Ngọc
Năm 1965, khi vừa tròn 19 tuổi, cô gái Trần Thị Thông (ngụ xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) tham gia lực lượng TNXP. Trước khi về Truông Bồn, cô có mặt tại nhiều điểm nóng đánh phá của máy bay Mỹ trên đất Nghệ An như cầu Cấm ở Nghi Lộc, rú Đụn ở Nam Đàn... để cùng đồng đội san lấp hố bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến.

"Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt lắm. Ngày nào cũng có máy bay đến ném bom. Bất kể ngày hay đêm, cứ máy bay ném bom xong là chúng tôi lại ra san lấp đường" - bà Thông nhớ lại.

Ban ngày san lấp đường, ban đêm các cô gái ở Tiểu đội 2 cùng nhau làm nhiệm vụ dẫn đường cho ô tô đi qua. Do đêm tối, thời gian đầu, các cô gái của "tiểu đội thép" nghĩ ra cách dùng bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi. Thế nhưng, máy bay Mỹ ném bom liên tục, bẹ chuối xe đi qua một vài lần đã nát bươm nên cuối cùng, các cô bất chấp nguy hiểm, dùng thân mình làm "cọc tiêu di động" dẫn xe qua "tọa độ chết" Truông Bồn.

"Đêm tối, chúng tôi mặc áo trắng đứng thành 2 hàng 2 bên đường để tài xế canh đường đi qua. Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng chị em đều rất vui, không ai lo mấy đến việc sống chết cả. Đêm đêm ra đứng dẫn đường, nhìn cảnh từng đoàn xe chạy qua, gặp các anh bộ đội thỉnh thoảng trêu đùa nhau đôi câu vui lắm!" - bà Thông hồi tưởng.

Buổi sáng định mệnh
Hơn 6 giờ ngày 31-10-1968, khi 14 TNXP (12 nữ, 2 nam) của Tiểu đội 2 đang chia thành 2 nhóm để san lấp hố bom thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ ném bom liên hồi. Mặt đất rung chuyển, Truông Bồn chìm trong khói lửa mù mịt.

"Bình thường máy bay Mỹ lượn 1-2 vòng rồi mới lao xuống cắt bom nhưng hôm đó, vừa nghe tiếng máy bay, chúng tôi nhìn lên trời đã thấy bom rơi ngay trên đầu. Tôi chỉ kịp đẩy anh Hòa xuống hầm rồi cầm súng lao theo, sau đó thì không biết chi cả" - bà Thông kể.

Ngớt tiếng bom, bộ đội, TNXP và người dân lao vào đào bới đất đá tìm kiếm 14 người của Tiểu đội 2. Truông Bồn ngập trong nước mắt mất mát, đau thương khi 11 cô gái, 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi lúc vừa tròn mười tám, đôi mươi. Đến giờ, 7 người vẫn chưa tìm được thi thể. Nhiều người trong số này đã định ngày cưới, cầm giấy báo nhập học các trường chuyên nghiệp bởi chỉ một ngày nữa (1-11-1968), Mỹ cam kết ném bom hạn chế miền Bắc.

Theo bà Thông, việc bà còn sống là điều vô cùng may mắn bởi trong lúc mọi người tuyệt vọng tìm kiếm đã vô tình thấy phần nòng súng nhô lên trên mặt đất. Đào xuống, mọi người phát hiện bà bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Bà Thông sau đó được đưa về nhà mẹ Nguyễn Thị Thởm ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương trong tình trạng bất tỉnh.

Tại nhà mẹ Thởm, một anh bộ đội và một y tá trên đường hành quân qua đã trực tiếp cứu chữa cho bà Thông. Trước khi đi, các anh để vào tay nữ bệnh nhân còn đang hôn mê một tờ giấy nhỏ ghi rằng: "Các anh đến đây khi em vừa bị thương. Nay vì phải hành quân, các anh đi đây. Em ở lại cố gắng mau khỏe nhé, cô gái TNXP!".

Sau này, bà Thông nhiều lần tìm kiếm nhưng không có thông tin gì về anh bộ đội và anh y tá đã cứu chữa cho mình. "Tôi rất muốn một lần gặp để biết người đã cứu chữa cho mình nhưng chiến tranh, các anh đi vào chiến trường không biết còn sống hay đã mất..." - bà day dứt.

"Biệt tích" 29 năm
Sức khỏe yếu, rời Truông Bồn, bà Thông được đơn vị cho đi học may. Năm 1970, bà kết duyên với anh bộ đội Trường Sơn Lê Hải Diên ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Bà Thông sống bình dị, gần gũi. Bà con lối xóm không ai biết bà chính là người duy nhất sống sót sau trận mưa bom của máy bay Mỹ tại Truông Bồn vào sáng 31-10-1968. "Biệt tích" 29 năm, nhờ sự vào cuộc của báo chí, mọi người mới biết người tiểu đội trưởng "tiểu đội thép" Truông Bồn Trần Thị Thông vẫn còn sống.

Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn được Đảng và nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 8-2015, công trình bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn với tổng diện tích 21,7 ha, tổng mức đầu tư 365 tỉ đồng đã được khánh thành.

Hiện nay, bà Thông đã ngoài 70 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Gặp chúng tôi, bà tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống hạnh phúc bên 4 người con trai và 9 người cháu. Chứng kiến Truông Bồn được xây dựng khang trang, sự hy sinh của đồng đội được quan tâm, ghi nhận, bà cảm thấy ấm lòng. "Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe, hằng năm có thể lên Truông Bồn thắp nén hương cho các đồng đội đã hy sinh để lòng thanh thản, vậy là toại nguyện lắm rồi" - bà Thông bày tỏ.

Theo Đức Ngọc (nld.com.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top