• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Nhà báo Văn Hiền: Cống hiến trọn tâm sức cho nghề cầm bút

HMO

Administrator
Staff member
Hơn 40 năm làm báo, gần 70 tuổi, hiện ông là Trưởng đại diện của Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An. Hơn 15 năm qua, ông dành phần lớn thời gian, tâm sức để mong dựng lại chân dung những nhà báo đã hy sinh.


Từ công nhân đến cầm bút
Là con trai đầu trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em, Văn Hiền sớm phải thay cha giúp mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng các em ăn học nên người. Bố ông là chiến sỹ Điện Biên Phủ Trần Văn Ngoạn, thuộc đại đoàn 312 Binh chủng công binh “khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”, góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.


Năm 1956, ông Ngoạn được điều về làm cán bộ Tỉnh uỷ Nghệ An, tuy nhiên, ngay sau đó ông Ngoạn lại lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ, trở thành chính trị viên đại đội công binh quân khu 4. Năm 1967, ông hy sinh khi mới bước vào tuổi 43.


Nhà báo Văn Hiền, một đời tìm tòi sáng tạo, cống hiến cho nghề báo.
Khi đó Văn Hiền cũng đang trên tuyến lửa làm công nhân giao thông, có mặt khắp các ngả đường, bến phà như: Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Lai Vu (Hải Dương), Cầu Bùng, Cầu Cấm, phà Bến Thủy (Nghệ An), phà Long Đại (Quảng Bình)…Nhận tin bố hy sinh, anh lặng đi trong nỗi đau tột cùng, cầm bút viết thư động viên gửi mẹ và các em.


Rồi lần lượt, em trai đang học Đại học Tổng hợp năm thứ 3, em gái học Đại học Y khoa năm thứ 2 cũng nối tiếp cha anh, xếp bút nghiên lên đường vào tuyến lửa.


Trong bom rơi đạn nổ, hàng ngày, hàng giờ phải tận mắt chứng kiến những hy sinh, mất mát lớn lao của đồng đội, Văn Hiền đã viết nên những tập ký “Vì sự sống con đường”; “Từ đất lửa” (NXB Phổ Thông). Các bài “Đường Quỳnh Lưu”, “Những nhịp cầu nổi” được báo Văn Nghệ đăng tải. Kịch bản “Con gà mái chân chì” được đoàn văn công QK4, QK5 dàn dựng biểu diễn.


Năm 1969, Văn Hiền được báo Lao động xin về, năm 1974, lần đầu tiên Văn Hiền được ra Hà Nội “học viết báo”. Năm 1977, ông ra trường và làm việc tại báo Nghệ An. Năm 1993, ông được giao trọng trách Phó tổng biên tập báo Nghệ An kéo dài suốt 17 năm. Từ năm 2010, ông là Trưởng đại diện của Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.


Hơn 40 năm vừa làm báo, vừa viết văn, ông có 21 tác phẩm văn, 5 tác phẩm thơ được xuất bản như: “Đường xuyên cung lửa” (NXB CAND), “Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ” (NXB Thanh niên). Có những tác phẩm được các học sinh trường Đại học Tổng hợp chọn làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp, luận văn tiến sỹ như : “Báo chí miền Trung và Tây nguyên”, “ Báo chí cách mạng trong nhà lao thực dân Pháp”.


Tác phẩm đi vào “cõi thiêng”
Là người cầm bút, trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhà báo Văn Hiền càng hiểu rõ hơn sự hy sinh của đồng nghiệp, đồng đội , những nhà báo đã cùng ông đi suốt chiều dài năm tháng. Có người quê tận miệt vườn Cửu Long hay tận Thái Nguyên “Thủ đô gió ngàn”. Họ là lớp lớp những chiến sỹ - nhà báo tuổi còn rất trẻ, không ngại gian khổ hy sinh vào mặt trận và đã cho ra đời những tác phẩm hay, phản ánh kịp thời, chân thực về cuộc chiến tranh chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.


Đất nước yên bình, nhà báo Văn Hiền bắt đầu lần giở, chắp nối những tư liệu về các đồng nghiệp nhà báo – liệt sỹ: Nông Văn Tư (Thái Nguyên), hai anh em ruột Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn (Cai Lậy -Tiền Giang), Phạm Thị Ngọc Huệ (Kim Sơn - Ninh Bình), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Quảng Bình)... Ông chắt chiu thời gian, công sức vào lại chiến trường nơi các anh, các chị hy sinh hoặc đến tận quê hương tìm lại gia đình, người thân, mất hàng chục năm gom nhặt tư liệu, ... để rồi cho ra đời cuốn sách “Khoảnh khắc và mãi mãi” (NXB Hội nhà văn) tuyển tập 20 chân dung nhà báo liệt sỹ như một nén nhang tưởng niệm các đồng nghiệp đã hy sinh.


Cũng trong những ngày tháng đó, ông lặn lội đi khắp các nghĩa trang vừa tìm mộ cha, vừa tìm mộ đồng đội. Lòng ông quặn thắt, xót xa mỗi khi đứng trước những tấm bia mộ khắc dòng “Liệt sĩ vô danh”.


Các anh sinh ra đều có tên, có tuổi, có quê quán, lớn lên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập dân tộc rồi hy sinh, vậy tại sao lại gọi các anh là “Liệt sĩ vô danh?”. Câu hỏi luôn day dứt trong lòng ông và là nỗi niềm chung của người dân Việt Nam.


Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia khắc bài thơ lịch sử "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh” dựng trước Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào.
Năm 1993, khi cả nước đang hướng về tháng 7 “Uống nước nhớ nguồn”, nhà báo Văn Hiền đi công tác ở huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An). 12h trưa, ông vào thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt –Lào, ông đứng lặng, rưng rưng trong không gian mênh mông, tĩnh lặng, thả hồn vào cõi hư vô. Bỗng từ phía ngút ngàn, một luồng gió lạnh ào về, nỗi đau thêm nặng, nước mắt tràn mi, ông thảng thốt "Xin đừng gọi anh là Liệt sĩ vô danh”… rồi những câu thơ cứ thế tuôn trào:
"Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày, tròn tháng


Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.


Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi anh khôn lớn
Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.


Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai…vấn vít hàng quân.


Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng, cỏ mọc dưới chân.


Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng".


Chỉ trong một thời gian ngắn, bài thơ đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đài truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim tài liệu “Không ai là vô danh” phát trên kênh VTV3 nhân ngày 27/7/1995 với nền nhạc phổ bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” làm xúc động triệu triệu trái tim.


Tháng 7/1996, Hội CCB Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đổi tên gọi “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa tìm thấy tên”. Sau đó không lâu, 70 vạn ngôi mộ liệt sĩ vô danh tại 3.200 nghĩa trang trong cả nước được đổi lại tên gọi.


Năm 2002, bài thơ được một GS- TS người Úc phổ nhạc thành bài hát “Hành khúc ngày bình yên”, phát hành thành đĩa bán được 140 triệu đồng, lập nên quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ đây, một phong trào “Tìm tên liệt sĩ qua di vật” được trung tá Nguyễn Thị Tiến (Bảo tàng quân khu 4) khởi xướng. Chị đi theo các đoàn tìm hài cốt, lần tìm di vật và đến nay đã trả được tên cho 47 hài cốt.


Năm 2010, bài thơ được Bộ LĐTB&XH cùng tỉnh Nghệ An chỉ đạo khắc trên nền đá granit nguyên khối của Ấn Độ cao gần 2 mét, dựng trang trọng bên cạnh tượng đài nằm trong khuôn viên Nghĩa trang Việt – Lào, nơi an nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại chiến trường nước bạn Lào.


Sau đó ít lâu, bài thơ được Trung tâm nhân đạo Đô Lương (Nghệ An) khắc bia bằng đá tự nhiên nguyên khối tại Nghĩa trang liệt sĩ Đô Lương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến.


Trăn trở với nghề


Nhà báo Văn Hiền với thế hệ phóng viên trẻ
Trưa tháng 6, nắng thành Vinh đổ lửa, chúng tôi tìm đến xã Hoà Tiến, Hưng Lộc, (TP Vinh) để gặp nhà báo Văn Hiền, ông năm nay sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn luôn trăn trở về sự nghiệp báo chí với bao dự định: “Còn rất nhiều nhà báo đã hy sinh ở khắp các chiến trường vẫn chưa có đủ điều kiện để tìm, để viết, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục hành trình tìm lại quê quán, nơi hy sinh của đồng nghiệp, viết tiếp tập hai về họ. Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ cũng mới chỉ viết được tập một, tôi đang tổng hợp các nguồn để viết tập 2….”


Khi được hỏi: "Ông nhắn nhủ gì với thế hệ các nhà báo trẻ?”, ông trầm tư: “Nghề báo là nghề khắc nghiệt, đầy gian nan nhưng rất vinh quang. Đã bước chân vào nghề thì phải dấn thân, đi – nghe - đọc thì mới ra vấn đề để viết. Viết báo thì phải trung thực với sự kiện và nhân chứng. Nếu nói quá người ta sẽ không tin, chỉ cần một sai lầm là có thể mất tất cả. Hãy dám thử sức mình trên nhiều lĩnh vực, nhiều đề tài và nhiều thể loại. Đừng ngại, đừng chăm chăm tập trung một mảng. Cần đưa cho được văn học vào tác phẩm báo chí mới tạo nên sự mềm mại và truyền cảm, không khô cứng. Có tâm nhưng phải có tầm, đặc biệt, mọi kiến thức đều ở trong sách báo, phải luyện cho mình tính ham đọc và nhớ đừng bao giờ cho phép mình nguội tắt “lửa nghề”!.

Theo Công Lý
 

Ads HMO

Ads HMO

Top