• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đô Lương Nguy cơ mất hang Mặt Trắng do khai thác đá làm xi măng

HMO

Administrator
Staff member
Hang Mặt Trắng, hang động lớn nhất tại quần thể núi đá vôi, được coi là báu vật tạo hóa ban tặng cho cư dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

Với tầng địa chất, địa mạo độc đáo, vô số nhũ đá tạo hình như các loài vật; có lối lên “cổng trời”, xuồng “địa ngục”, hang động này chẳng khác nào lâu đài kỳ bí trong lòng núi.


Ông Trần Văn Kình, chỉ tay về núi đá và kiên quyết phản đối việc đánh sập hang Mặt Trắng lấy đá
Dài hơn 1 km, xuyên qua dãy núi đá, người dân xã Bài Sơn có thể đi qua hang đến Thung Vưng thuộc xã Đông Sơn. Trong kháng chiến chống Mỹ, hang Mặt Trắng là kho chứa đạn lý tưởng của quân đội. Đầu những năm 90 thế kỷ trước, hang Mặt trắng được khai thác du lịch sinh thái. Nhưng do yêu cầu bảo mật, Quân khu 4 nghiêm cấm việc khai thác du lịch sinh thái ở hang Mặt Trắng, đồng thời tiến hành xây dựng các công trình quân sự trong hang; lâu đài kỳ bí, tuyệt tác kỳ thú của tạo hóa đành ngủ yên trong lòng núi.

Đáng nói là cuối năm 2014, Tập đoàn Hoàng Phát Vissai ở Gia Viễn (Ninh Bình), chính thức nhận bàn giao Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam đang xây dựng dang dở tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn. Tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng, nhà máy công suất 12 -18 nghìn tấn clinker/ngày (4- 6 triệu tấn xi măng/năm), triển khai rất khẩn trương. Đầu năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động. Việc khai thác đá của Nhà máy Xi măng Sông Lam diễn ra sôi động suốt ngày đêm. Đến nay, một phần núi đá vôi đã trống hoác, ước hàng triệu m3 đá đã bị lấy đi.

Hang Mặt Trắng, báu vật tạo hóa ban tặng cho xã Bài Sơn đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Hầu hết người dân xã Bài Sơn rất bức xúc khi chứng kiến quần thể núi đá vôi trên địa bàn bị tàn phá từng ngày. Ai nấy đều cho rằng, đánh sập Hang Mặt trắng lấy đá sản xuất clinker là điều không thể chấp nhận. Chỉ tay về núi đá đã bị tàn phá khá nhiều, ông Trần Văn Kình, bệnh binh ở thôn Xuân Sơn, phản đối gay gắt: “Hang Mặt Trắng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, nổ mìn đánh sập lấy đá là tội ác. Giữ hang động này không chỉ hiện nay mà muôn đời con cháu mai sau có nơi thưởng ngoạn tuyệt tác tạo hóa ban tặng”.

Ông Thái Đắc Đỉnh, năm nay 76 tuổi, cựu chiến binh chống Mỹ, ở thôn Thái Sơn, xã Bài Sơn, nhà ở cách hang Mặt Trắng chừng nửa cây số, người từng chịu trách nhiệm kéo điện vào phục vụ du lịch sinh thái hang động hơn 20 năm trước cho rằng, ít hang động nào cảnh sắc hấp dẫn, độc đáo như hang Mặt Trắng. Khi những bóng đèn bật sáng, vô số nhũ đá đủ hình thù, hang động quả là lâu đài kỳ bí. Gõ tay vào những phiến đá treo lơ lửng giữa trần hang, âm thanh trầm bổng vang tạo thành bản giao hưởng trầm hùng của đá. Nếu hang động bị đánh sập, tổn thất vô cùng lớn đối với cư dân không chỉ ở Bài Sơn mà cả nước.

“Hồi đó, địa phương đã triển khai tuor du lịch sinh thái kết nối từ Đình làng Yên Mỹ, Chùa Thiên lộ, đền Yên Mỹ, nhà Thờ họ Thái Đắc đến hang Mặt Trắng, sau đó chèo đò trên khe Trạng, con sông nhỏ thuộc địa bàn thôn Thái Sơn, quanh năm nước trong xanh, không bao giờ cạn cho dù nắng nóng khô hạn đến mấy. Tôi còn nhớ, dạo đó, du khách từ hang Mặt Trắng trở ra rất thích chèo thuyền trên Khe Trạng. Đáng tiếc, tour du lịch sinh thái hấp dẫn này phải chấm dứt sau vài năm triển khai, nếu không chắc chắn người dân xã Bài Sơn đã giàu có hơn nhiều”, ông Đỉnh trút bầu tâm sự.


Núi đá vôi phía trên hang Mặt Trắng đã bị khai thác khá nhiều
Cùng nỗi niềm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bài Sơn Nguyễn Văn Cẩm, không giấu nổi sự tiếc nuối. Theo ông, giữ nguyên trạng hang Mặt Trắng là việc cấp bách. Nhà máy xi măng ra đời, quần thể núi đá vôi trên địa bàn bị khai thác là điều không thể tránh khỏi. Còn giữ bằng được hang Mặt Trắng, là nguyện vọng chính đáng của nhân dân Bài Sơn.

Trao đổi qua điện thoại, chúng tôi được ông Đinh Quốc Quyền, GĐ Nhà máy Xi măng Sông Lam cho biết, toàn bộ quần thể núi đá vôi (trừ lèn Mỏ Diều) trên địa bàn đã được chính quyền địa phương và các bên liên quan bàn giao cho Tập đoàn Hoàng Phát Vissai. Việc khai thác đá tại hang Mặt Trắng đã nằm trong kế hoạch. Nếu địa phương đề nghị giữ lại hang động này thì nhà máy sẽ cân nhắc, xem xét. Ông còn cho biết thêm, bản thân ông đã vào hang động này khảo sát và nhận thấy, đây quả là báu vật tạo hóa ban tặng cho con người.

Đáp ứng công suất 12-18 nghìn tấn clinhker/ngày, việc khai thác đá tại quần thể núi đá vôi trên địa bàn xã Bài Sơn của Nhà máy Xi măng Sông Lam diễn ra rầm rộ. Tương lai không xa quần thể núi đá vôi này sẽ biến mất. Đánh sập hang Mặt trắng chắc hẳn không lấy thêm được bao nhiêu đá làm clinker. Nhưng bất cứ người dân Việt nào cũng cảm thấy đau lòng và phẫn nộ khi kiệt tác vô cùng quý giá này bị xóa sổ.

Theo Nguyễn Cầu (Nông Nghiệp)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top