• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Người luôn khắc cốt ghi tâm ơn Bác Hồ

HMO

Administrator
Staff member
Suốt 40 năm qua, ông Trần Văn Năm (SN 1960, quê Xứ Nghệ, ngụ thị trấn Long Hải) hiện công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, miệt mài tìm hiểu, sưu tầm và lưu giữ gần 2.000 đầu sách quý giá về Bác Hồ.


Những tờ báo cũ có hình ảnh về Bác được ông Năm cất giữ cẩn thận

Thuở nhỏ, ông Năm đã được nghe ông bà, cha mẹ kể rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm gần mười tuổi, ông đã cảm nhận được Bác Hồ là một người luôn lo cho dân, cho nước, ông đã bắt đầu có sở thích sưu tầm ảnh Bác. Sở thích sưu tầm ảnh Bác xuất phát từ tấm lòng của ông đối với vị cha già của dân tộc mà ông yêu quý và thần tượng từ bé. Ông vẫn giữ được tất cả những tấm ảnh đã sưu tầm về Bác. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên việc sưu tầm của ông không thực hiện được theo đúng ý nguyện ban đầu. Sau khi xuất ngũ, năm 1979, ông về tiếp quản và xây dựng thư viện cho Trung tâm điều dưỡng thương binh Long Hải, ông quay trở lại với ý định sưu tầm ảnh Bác. Có thời gian rảnh là ông đạp xe đi khắp nơi nhờ bạn bè, người thân dò tìm, góp nhặt từng tấm ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Mỗi tháng ông còn trích ra 300.000 đến 400.000 đồng từ khoản tiền lương ít ỏi của mình để ra bưu điện, sạp báo mua sách báo, tạp chí có tranh ảnh Bác; đạp xe đến các địa chỉ như trường học, UBND xã, Hội Nông dân, Phụ nữ, UBMTTQ huyện, các công sở... đóng trên địa bàn mượn sách, báo, tạp chí có đăng tải ảnh Bác đem đi photo, in sao lại. Thậm chí, nhiều lần còn thuê cả thợ ảnh đi theo để chụp lại bức ảnh đó: “Tôi làm việc này hoàn toàn vì tình yêu, lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Năm bộc bạch. Ông mong muốn lưu giữ thật nhiều ảnh về Bác để có cơ hội mở một cuộc triển lãm nhỏ, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự cống hiến và những hy sinh to lớn của vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.

Một góc bộ sưu tập
tư liệu về Bác Hồ của ông Năm

Thời gian đầu, thấy việc làm “chẳng giống ai” của ông, một số người, cơ quan đơn vị hiểu nhầm thiện chí nên không cho ông mượn tài liệu. Thời gian sau, khi hiểu rõ mục đích công việc của ông thì hầu hết mọi người đều ủng hộ. Một số bạn bè, hàng xóm, người quen mỗi khi đọc báo, thấy có in ảnh hoặc đăng bài viết về Bác Hồ là họ chủ động cất giữ để chờ dịp đem tặng lại cho ông. Khi vốn tư liệu ảnh Bác Hồ tương đối phong phú, ông Năm trích tiền lương ra đi chợ mua giấy cứng, gim đinh, bọc nylon, keo dán... về nhà đóng lại thành nhiều cuốn sổ khác nhau theo từng bố cục, chủ đề, thời kỳ hoạt động cách mạng của Bác rất tỷ mỉ, rõ ràng, khoa học. Dưới mỗi bức ảnh, ông còn chú thích rất cẩn thận, cụ thể. Đây là những tư liệu rất quý giá đối với việc nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người.
Hôm chúng tôi đến, ông đã bày sẵn một chồng ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Năm hồ hởi giới thiệu về lai lịch cũng như cách sắp đặt từng tấm ảnh Bác theo từng giai đoạn hoạt động cách mạng của Người. Từ khi thư viện của trung tâm được thành lập có nhiều đoàn thể, cá nhân trên địa bàn khắp nước tìm đến để tặng lại những bức ảnh, cuốn sách, các tờ báo cũ viết về Bác Hồ và các lĩnh vực khác. Cũng có nhiều người tìm đến xem, chụp hình, in sao ảnh về làm giáo án và tài liệu giảng dạy. “Những lúc như thế tôi thực sự rất hạnh phúc vì cảm thấy mình đã làm được công việc nhỏ có ý nghĩa”, ông Năm nói.
Ông Năm bên cạnh tờ Báo Nhân Dân số ngày 10-9-1969 (lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Có một câu chuyện mà ông không bao giờ quên về Bác. Thuở nhỏ, ông được cha để lại cho số Báo Nhân Dân ngày 10-9-1969 (những ngày lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh), ông trân trọng và xem như báu vật không thể đánh đổi được. Ông bảo: “Mỗi khi đọc lại bài báo này, tôi lại có cảm xúc đặc biệt khi vị cha già của dân tộc một đời vì sự nghiệp thống nhất nước nhà ra đi lúc đất nước chưa thống nhất”. Năm 2012, ông quyết định quan trọng khi tặng lại tờ báo cho Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh công việc sưu tầm và quản lý thư viện, ông còn tham gia chăm sóc thương binh. Những năm đất nước khó khăn, cuộc sống của thương binh vì thế còn khổ, nhưng bằng tinh thần của những người lính các anh đã vượt qua tất cả. Có lúc, ông còn viết bài về Bác Hồ. Ông chia sẻ: “Thông qua những tài liệu đã đọc, tôi đúc kết lại rồi viết thành sách. Mỗi khi đến các dịp như kỷ niệm ngày sinh của Bác, ngày Quốc khánh hay ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước... tôi đều viết bài để đọc cho các cán bộ và những anh thương binh ở đây nghe”. Bà Vũ Thị Kim Anh, cán bộ quản lý đã công tác tại trung tâm hơn 20 năm cho biết: “Nhiều năm qua, anh vẫn miệt mài sưu tầm những tư liệu về Bác, có lần anh nói với tôi: Mình có được hòa bình ngày hôm nay là nhờ công lao của Bác và các anh nên phải biết trân trọng điều đó, anh sẽ cố gắng sưu tầm các tư liệu về Bác thật nhiều”.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến sinh nhật Người, ông lại dọn dẹp, sắp xếp, trang trí những hình ảnh tư liệu về Bác thật ngăn nắp. Ông cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, tìm hiểu về Bác Hồ để bổ sung thêm vào bộ sưu tập này cho đến hơi thở cuối cùng”.
HMO nguồn Congan.com.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top