• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Yên Thành Nghề săn đặc sản dưới cái nóng 40 độ C, kiếm hơn nửa triệu/ngày

HMO

Administrator
Staff member
Khi nhiệt độ đạt đỉnh cao nhất trong ngày, cua ngoi lên khỏi mặt nước tránh nóng thì cũng là lúc những người mưu sinh bằng nghề bắt cua đồng đổ xô ra đồng.


Trời nắng nóng gần 40 độ C, mặt nước như bốc hơi nhưng trên cánh đồng lúa huyện Yên Thành (Nghệ An), hàng trăm người dân vẫn miệt mài lùng sục săn bắt cua đồng. Được ví là nghề "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", không ít người dân nơi đây vẫn đi lùng sục đặc sản miền quê

Bà Nguyễn Thị Thành (58 tuổi, trú xã khánh Thành, huyện Yên Thành) cho biết, những ngày nắng nóng đỉnh điểm, cua đồng lại càng đắt hàng. Thời điểm từ 11h trưa đến khoảng 15h chiều hàng ngày là lúc nắng nóng nhất. Lúc này, cua đồng không chịu được sức nóng của nước dưới ruộng, mương nước nên tìm cách leo lên bờ trú ẩn. Đây chính là thời điểm “vàng” cho những tay săn lùng cua đồng đổ ra đồng bắt cua.

Với giá bán từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, mỗi ngày người dân có thể bắt được 5 – 6 kg, kiếm hơn nửa triệu mỗi ngày từ cua đồng. Khoảng thu nhập này cao gấp nhiều lần so với làm lúa, nên không ít người đổ xô đi bắt cua đồng trong cái nắng như thiêu. “Ngày kiếm được vài trăm bạc là một khoản tiền lớn đối với người dân nên dù nắng nóng cũng gắng thôi. Không ít lần bắt cua giữa trưa khiến tôi bị kiệt sức, phải tìm bóng mát nằm nghỉ một lát rồi mới tiếp tục ra đồng”, bà Thành cho biết.

Đỡ cực hơn nghề bắt cua, nhiều phụ nữ khác chọn nghề đặt ống trúm bắt lươn đồng. Với nghề này, từ đầu giờ chiều, những người này bắt đầu chuẩn bị hòa trộn các loại mồi nhử bỏ vào ống trúm. Đến 16h chiều thì bắt đầu đưa ra các cánh đồng thả xuống ruộng.

Thông thường, ban đêm lươn sẽ từ đất chui lên để đi kiếm ăn, vì thế mồi nhử lươn được đặt ở phía bên trong ống trúm. Mồi nhử lươn được làm từ nhiều thứ, nhưng thông dụng nhất vẫn là bắt những con giun đất băm nhỏ trộn lẫn với bùn non. Ngoài ra, người đặt bẫy có thể băm thêm cua đồng và ốc để tạo ra mùi tanh “quyến rũ” lươn ẩn nấp dưới hang hốc.

Để bẫy được lươn chui dưới lòng đất, cần phải nắm rõ được từ cách làm ống trúm, kỹ thuật thả dưới ruộng và quan trọng hơn hết là làm mồi nhử lươn. Ống trúm được ngâm dưới ruộng sau một đêm, đến rạng sáng hôm sau thì lấy lên, thu hoạch.

Mới bước sang tuổi 15, nhưng em Nguyễn Văn Đính (trú xã khánh Thành) đã có hơn 5 năm kinh nghiệm thả ống trúm bắt lươn. Tranh thủ những ngày hè, Đính thả hơn 200 chiếc trúm xuống ruộng kiếm thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới. “Giờ giá lươn cũng giảm nhiều so với đầu mùa hè rồi. Mỗi ngày em kiếm được khoảng 3 – 4 kg. Với giá 80.000 đồng/kg như hiện nay thì cũng được gần 300.000 mỗi ngày”, Đính vừa nói vừa lấy một nắm bùn từ ruộng lên đánh dấu vị trí mình vừa thả ống trúm dưới ruộng.

Mất gần một giờ để đặt hết 100 chiếc ống trúm xuống ruộng lúa, bà Trần Thị Mai (55 tuổi) phải lên bờ tìm bóng mát để nghỉ ngơi.

“Làm cái này không những cực nhọc vì suốt ngày phơi mình ngoài đồng, nắng nóng mà còn phải úp mặt xuống đất cả ngày. Tuy mệt nhưng công việc này cũng đã cho tôi có thu nhập ổn định hàng ngày. Cao hơn nhiều so với làm lúa nên phải chịu khó thôi”, bà Mai chia sẻ.

Nghề đặt ống trúm bắt lươn xuất hiện từ lâu đời trên vực lúa Yên Thành. Lam lũ mưu sinh, nhưng nhiều người vẫn quyết bám trụ với nghề lâu đời. Bởi lẽ, tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình, rút ngắn giấc mơ đến trường của những học sinh nghèo.

Theo Thành Trung (Phunuonline.com.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top