• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quế Phong "Nghèo hóa" vì "khát" đất sản xuất

HMO

Administrator
Staff member
Hàng trăm hộ dân xã Thông Thụ, huyện Quế Phong đã chấp nhận chuyển về các điểm tái định cư, nhường đất phục vụ cho việc ngăn sông, tích nước phục vụ công trình thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động đúng tiến độ, thế nhưng, sau 2 năm về chỗ ở mới, người dân nơi đây vẫn chưa được cấp đất sản xuất. Không có công ăn việc làm, các chế độ hỗ trợ từ phía chủ đầu tư lại phập phù, khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một trong nhiều công trình tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na không sử dụng được.
Năm 2012, chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, toàn bộ các hộ dân ở bản Ăng, xã Thông Thụ lưu luyến chia tay bản làng trù phú, gắn bó bao đời, đến các khu tái định cư mới để nhường đất cho đại công trình thủy điện Hủa Na. Chính nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân bản Ăng nói riêng và xã Thông Thụ nói chung mà việc ngăn dòng, tích nước phục vụ cho công trình thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động được diễn ra đúng tiến độ. Thế nhưng, kể từ khi lên ở các điểm tái định cư, cuộc sống của người dân bản Ăng và các bản làng khác của xã Thông Thụ lại gặp vô vàn khó khăn. Nói về vấn đề này, ông Lương Văn Hải, Trưởng bản Ăng cho biết: "Khi có chủ trương di dời, nhường đất cho công trình thủy điện Hủa Na, bà con trong bản đã tự nguyện chấp hành. Trong đó, một số hộ gia đình chọn phương án tự tìm chỗ định cư mới. Còn lại 62 hộ đồng bào Thái trong bản đã chấp nhận về khu tái định cư được bố trí ở nơi hiện tại. Tuy nhiên, đến nay, sau gần hai năm, cuộc sống của bà con dân bản vẫn rất khó khăn. Một số gia đình có nguy cơ "nghèo hóa" do thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhân dân ở các khu tái định cư của công trình thủy điện Hủa Na vẫn chưa được chia đất sản xuất là một thực tế nhức nhối. Không có đất canh tác, phần lớn lương thực phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ đầu tư công trình là Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na. Theo cam kết ban đầu, ngoài việc đền bù giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ 30kg gạo/người/tháng trong thời gian 48 tháng, kể từ ngày về khu tái định cư và định kỳ cấp gạo theo từng quý bằng hiện vật. Thế nhưng, theo nhân dân phản ánh, có quý, chủ đầu tư không những không cấp gạo đúng định kỳ cho người dân, mà còn tự ý chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ cấp gạo sang cấp tiền. Điều này được bà Vi Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ xác nhận: "Trước đây, chủ đầu tư hỗ trợ 16.000 đồng/kg gạo, nhưng từ quý 4 năm 2013, hạ xuống còn 15.000 đồng/kg gạo".

Cũng theo bà Lan, nguồn lương thực do chủ đầu tư cam kết hỗ trợ không đều đặn, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của nhiều gia đình. Trong khi chưa có đất sản xuất, nhiều gia đình buộc phải tận dụng khai hoang, canh tác thêm ngô, sắn, hoa màu ở một số vị trí đất thuận lợi ở bìa rừng và dựa vào việc tận thu, khai thác lâm sản phụ. Không chỉ bức xúc vì thiếu đất sản xuất, mà người dân còn phản ánh một số hạng mục ở các điểm tái định cư thủy điện Hủa Na đã bộc lộ một số mặt hạn chế. Như hệ thống nước sinh hoạt không ổn định, nơi cao thì nước không lên nổi, chỗ thấp thì lúc có, lúc không. Đặc biệt là hệ thống giếng đào và các bể chứa xây xong rồi bỏ hoang, người dân chưa sử dụng được một ngày nào. Một số công trình dân sinh, nhà cửa của các hộ dân đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. "Nhà của chị Lương Thị Quyên đã xảy ra hiện tượng sụt lún, các vết nứt xuất hiện chằng chịt. Đó là chưa kể kiểu dáng, kiến trúc nhà ở, các mẫu nhà của dự án chưa phù hợp với sinh hoạt và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc" - Ông Lô Văn Nhân, ở bản Ăng cho biết.

Trong lúc đời sống còn gặp nhiều khó khăn thì đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư công trình thủy điện Hủa Na vẫn còn nợ một số tiền đền bù giải phóng mặt bằng của người dân. Ông Quang Văn Huy, Bí thư chi bộ bản Ăng cho biết: "Bản Ăng hiện còn 42.468m2 đất ruộng, 79.684m2 đất vườn, 42.858m2 đất thổ cư và một số loại đất khác của người dân ở vị trí bản cũ chưa được đền bù".
Theo chúng tôi được biết, những vấn đề bất cập trong đời sống nhân dân ở các khu tái định cư của công trình thủy điện Hủa Na đã được kiến nghị lên cấp trên nhiều lần và được các cấp chính quyền nêu ra tại các cuộc họp, thế nhưng, tới nay vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, người dân vẫn không có đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm nên cuộc sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến những hệ lụy khôn lường, như xuất hiện tình trạng chặt phá rừng trái phép, tệ nạn ma túy, bài bạc… tập trung chủ yếu vào các đối tượng nam thanh niên trong vùng…
Theo Biên Phòng.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top