• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Diễn Châu Nghề nướng cá bên dòng Lạch Vạn

HMO

Administrator
Staff member
Không ai biết chính xác nghề nướng cá này có từ bao giờ, chỉ biết là đã từ rất lâu, đặc biệt khoảng hơn 20 năm trở lại đây, một số hộ gia đình bắt đầu nướng cá tại nhà và đem đến các chợ huyện bán. Dần rồi những con cá Diễn Vạn (Diễn Châu) đi ra khắp tỉnh, thậm chí tỏa đến cả nhiều địa phương trong nước.

Diễn Vạn xưa thuộc đất Vạn Phần, nơi đây tuy không có núi cao, sông rộng nhưng là vùng đất có vị trí địa lý hết sức đặc biệt. Mảnh đất này là nơi giao thoa nhiều con sông như sông Bùng, sông Vách Bắc, sông Lạch Vạn... Diễn Vạn còn được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng. Nơi đây bao đời nay đã có nhiều làng nghề sống và làm giàu từ sản vật của biển khơi như làm muối, làm nước mắm, ruốc…, trong đó, nổi lên là nghề nướng cá biển.

Qua khỏi cầu Vạn là tới đầu làng, ngôi làng Trung Hậu nằm dọc lạch Vạn hướng ra biển với hàng chục lò nướng cá hai bên con đường xương sống của làng. Tuy người dân ở đây không làm nghề biển, nhưng nướng cá đã là nghề truyền thống lâu đời của làng, nuôi sống hàng trăm gia đình làm nghề nướng cá thuê và làm chủ lò nướng.


Sau khi rửa sạch, cá được xếp lên trành để phơi khô trước khi nướng. Ảnh: Xuân Hòa
Anh Thái Bá Lưu (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) chia sẻ: Để lấy được số lượng cá làm trong 1 ngày, tầm khoảng 3 - 4 giờ sáng là anh đã cùng con trai đến các bãi biển Diễn Thành, Diễn Bích (huyện Diễn Châu) hay xa hơn là các cảng biển tại thị xã Cửa Lò, Cửa Hội; Quỳnh Phương, Quỳnh Tiến (thị xã Hoàng Mai)... để lấy cá.

Đa phần là mua được cá đã cấp đông từ các tàu đánh bắt dài ngày, một số ít mua được cá tươi đánh bắt trong đêm. Nhưng muốn cá nướng thơm, ngon và không bị sổ bụng thì cá nào cũng đang còn phải thật tươi mới cho ra cá nướng đạt yêu cầu. Đến khoảng 7 giờ sáng thì cá về tới các gia đình, những lao động ở làng nghề Trung Hậu lại nhanh tay rửa sạch cá, dùng dao khứa nhẹ lên mình con cá, sau đó xếp cá lên trành và phơi khô. Sau khi cá được sơ chế sẽ nhanh chóng đưa vào các lò nướng.

Một ngày, mỗi lò này nướng cho ra không dưới 1 tấn cá các loại. Chị Lưu Thị Trung (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) vừa nướng cá vừa cho hay: “Nghề nướng cá, thuê vất vả lắm, phải chịu khó, kiên trì. Sáng sớm tinh mơ đã phải đi làm đến tầm 18h - 19h hàng ngày công việc mới xong. Mùa hè, cá phơi được nắng, cá nướng ra thơm ngon nhưng những người ngồi nướng cá như chúng tôi lại cực nhọc hơn.

Nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến gần 40 độ C, chị em chúng tôi vẫn phải ngồi bên bếp than rực cháy ấy để nướng hàng tấn cá. Mùa mưa, tuy ấm ấp, dễ chịu nhưng cá phơi lâu khô hơn nên để cá chín thơm ngon thì đòi hỏi thời gian nướng lâu hơn. Tôi làm nghề nướng cá thuê này cùng được gần 10 năm rồi. Nướng nhiều cũng thành quen và quan trọng hơn là thu nhập chính của gia đình tôi đều nhờ từ nghề này”.


Chị Lưu Thị Trung (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) bên những mẻ cá nướng dở. Ảnh: Xuân Hòa
Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người nướng phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay, cá càng thơm ngon. Ai học nhanh cũng mất cả năm trời mới quen nghề. Mỗi ngày, các chị được chủ lò trả từ 150.000 -170.000 đồng/người. Thu nhập hàng tháng từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo chủ lò Nguyễn Văn Lượng ở xóm Trung Phú, xã Diễn Vạn, mỗi ngày, gia đình anh nướng khoảng 1 tấn cá, thuê khoảng chục công nhân. Nếu nướng xong hàng, bán hết thì lãi ròng khoảng 500.000 -1.000.000 đồng/ngày, hàng bán không được thì chịu lỗ. Các loại cá nướng được ưa chuộng nhất là cá trích, cá nục, cá bạc má, cá thu, cá đục, cá đốm, cá thửng... Cũng có hộ còn nướng cả mực, nhưng chỉ là số ít vì giá cao mà thị trường tiêu thụ thường là các huyện miền núi.

Theo các chủ lò, cá sau khi nướng xong được vận chuyển đến một số đầu mối trong huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Con Cuông, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương... Các lò lớn vận chuyển cá nướng bằng ô tô của gia đình, các lò nhỏ hơn thì gửi theo xe khách.

Hầu hết các gia đình nướng cá tại xóm Trung Hậu đã trải qua 3 đến 4 đời làm nghề này. Ông Đặng Văn Công - Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn phấn khởi cho hay: “Nghề nướng cá ở đây có từ rất lâu rồi nhưng khoảng hơn 20 năm trở lại đây mới phát triển mạnh. Ban đầu nghề nướng cá này chủ yếu đến từ các hộ gia đình tại xóm Trung Hậu nhưng sau đó lan rộng ra một số xóm khác như Trung Phú, Yên Đồng,...

Hiện nay, cả xã có khoảng gần 40 hộ làm nghề nướng cá. Do hiện nay đa phần các hộ chỉ tận dụng khoảng đất trống trước nhà hoặc ven sông để mở lò nên chúng tôi đang làm đề án trình cấp trên xin được công nhận làng nghề để chuyển vào khu tập trung, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững. Nếu được duyệt xây dựng khu tập trung thì xã sẽ có cơ hội xây dựng khu nướng cá chuyên nghiệp hơn với các công đoạn bài bản và khoa học hơn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi đó xã sẽ có thể thành lập ban nghiên cứu về thị trường tiêu thụ để giúp bà con chủ động đầu vào lẫn đầu ra”.

Cũng theo ông Công, việc thành lập được khu tập trung nướng cá chuyên nghiệp sẽ tạo điều kiện cho hàng trăm việc làm cho con em trong xã; đồng thời là cơ sở, tiền đề để nghề cá nướng Diễn Vạn phát triển rộng khắp.

Rời làng nghề nướng cá tại Diễn Vạn khi trời đã ngả bóng tối trên đầu nhưng dọc con đường làng những lò nướng vẫn đang đỏ hồng những lò than củi đỏ ửng để nướng những liếp cá cuối ngày. Mùi thơm của cá đượm với vị mặn của biển trong thân cá tỏa ra khi được nướng làm ngạt ngào mùi thơm đặc trưng nơi vùng quê xứ biển này.

Theo Báo Nghệ An
 

Ads HMO

Ads HMO

Top