• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Con Cuông Người sở hữu hai danh hiệu anh hùng ở miền Tây xứ Nghệ

HMO

Administrator
Staff member
Miền Tây của xứ Nghệ có một người hai lần được phong tặng anh hiệu anh hùng lao động vì thành tích “phá rừng” lẫn trồng rừng xuất sắc, đó là Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài ở huyện Con Cuông.


Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài

Anh hùng “phá rừng” lần 1

Trong dịp vào thăm miền Tây xứ Nghệ vừa qua, chúng tôi may mắn được Huyện uỷ Con Cuông giới thiệu về “lão tướng” hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài. Ông Lài có dáng người nhỏ bé, nước da bánh mật, rám nắng nhưng đôi mắt rất sáng và tinh anh. Ông cười tươi: “Rất nhiều người nói vui là tui vừa là anh hùng “phá rừng”, vừa là anh hùng trồng rừng, cũng có cái lý đúng cả đấy. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thì hình như mình phá rừng nhiều hơn trồng rừng thì phải”.
Ông sinh ra ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương nhưng mồ côi cha mẹ từ khi 3 tuổi. Cuộc sống tự lập từ nhỏ đã giúp ông Lài vượt ải bao khó khăn nhọc nhằn của cuộc sống. Năm 1961, ở tuổi 20, ông Lài “đầu quân” làm công nhân cho nông trường Con Cuông. Sức khỏe dẻo dai của cậu thanh niên mới lớn, cùng khí thế xây dựng đất nước, sẵn tư chất thông minh nên ông Lài hăng say lao động thể hiện mình. Chỉ 3 năm sau, ông Lài được chọn làm Tổ trưởng sản xuất, công việc từ nhỏ đến lớn ông đều làm tuốt.
Năm 1963, ông Lài được Bác Hồ tặng huy hiệu về sáng kiến với ý thức bảo vệ Xã hội chủ nghĩa. Năm 1968, Đội khai thác gỗ Trung Chính do ông Lài đứng đầu đã có những sáng kiến táo bạo để “phá rừng” vừa nhanh vừa hiệu quả. Ông cho dùng cưa xăng để thay cho búa rìu. Rồi cải tiến “đường xai”, một loại đường dốc thẳng vì hai bên là núi đá, sức trâu không kéo được, phải dùng sức voi lao gỗ xuống. Sáng kiến là mở thêm đường bên sườn núi thoai thoải đi xuống lòng khe núi. Từ những sáng kiến đó, Đội khai thác gỗ Trung Chính trở thành nòng cốt của Lâm trường Con Cuông. Với nhiều thành tích về đích sớm, năm 1985 ông Lài vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Với chất giọng đầy chất xứ Nghệ, ông Lài cho biết: “Phá rừng hay trồng rừng mà không biết sáng tạo thì mệt lắm. Rừng núi trùng điệp như rứa mà cứ dùng sức người kéo gỗ thì... đến tết mới xong. Trong môi trường tập thể, người ta hay có kiểu “cha chung không ai khóc”, mình mà cũng rứa chỉ có tụt lùi, nên phải tiến, phải nghĩ, phải sáng tạo. Có một quy luật rõ ràng là, nếu không tiến thì chắc chắn bạn sẽ tụt lùi”.
Anh hùng trồng rừng lần 2
Với tinh thần lao động hăng say, không ngừng đổi mới tư duy, ông Lài sau này được bầu làm Giám đốc Lâm trường. Nhưng cũng là lúc Lâm trường đến giai đoạn khó khăn, khi đi khảo sát, ông Lài chợt giật mình nhận ra rằng những cánh rừng già đã khai thác gần như kiệt quệ. Nhìn những cánh rừng nay bạc trắng đất, chơ vơ những gốc cây còn nguyên vết cưa đốn hạ, chẳng mấy năm nữa nông trường sẽ chẳng còn gì để khai thác, đồng thời trong lòng ông Lài như cảm thấy mình đã mang nợ vì đã “phá rừng”.
Ý chí tái tạo rừng để “trả nợ” lóe lên trong đầu người Giám đốc, ông Lài chỉ đạo Lâm trường dồn hết “vốn liếng” vào công cuộc phủ xanh rừng. Ông Lài đã dày công vào rừng sâu nghiên cứu, tìm hiểu rồi quyết định đưa về ươm, nhân giống cây vạng, sau này đã trở thành một trong những cây chủ lực nhanh chóng phủ xanh những cánh rừng. Một cuộc vận động quy mô lớn trong toàn nông trường được đông đảo cán bộ, công nhân hưởng ứng. Chỉ trong thời gian ngắn hơn 20 nghìn hecta rừng của lâm trường được phủ xanh mướt. Các loại gỗ được trồng từ trên núi xuống dưới thung lũng đã “vá” lành đồi trọc.
Ông Lài cho biết: “Vốn của Lâm trường chính là rừng, rừng không còn tức là anh đã hết vốn. Cải tạo cồn vệ là lấy nông nghiệp làm nền tảng. Cải tạo cồn vệ là khai hoang phục hóa đất gò đồi, đất bằng, đất vệ, khai thác hết tiềm năng đất hiện có”. Từ những sáng kiến ấy, chỉ một thời gian sau và cho đến tận bây giờ, những cánh rừng giàu ở Con Cuông vẫn được người dân gọi là “rừng ông Lài”, từ khe Xộc, khe Luông, thác Kèm, vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát mới thấy một đại ngàn xanh giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Thấy những cánh rừng xanh tốt, ông Lài cũng vơi bớt những áy náy với những cánh rừng từng bị triệt hạ đến từng gốc rễ. Đến năm 2002, ông Lài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần hai. Nhiều người bảo rằng, ông Lài chính là “linh hồn” của rừng Con Cuông, rừng Con Cuông còn là bởi còn ông Lài.
Vị Giám đốc luôn nghĩ về tập thể
Hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng ông Lài rất khiêm tốn. Ông Lài thổ lộ: “Dù là hai lần được nhậndanh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng tôi thấy rằng danh hiệu ấy phải là của các anh chị em công nhân trong Lâm trường Con Cuông. Tôi chỉ là người đứng đầu, đề ra mục tiêu để anh em thực hiện. Dù đã nghỉ hưu hơn chục năm nay, nhưng vẫn thường đi thăm hỏi anh em công nhân như một nghĩa cử để mình cảm ơn họ, có anh em công nhân thì tôi mới được đón nhận vinh dự này”. Có được những suy nghĩ chí tình như vậy cũng đều xuất phát từ cái tâm, tư chất và đạo đức của một vị Giám đốc cương trực và luôn nghĩ vì lợi ích tập thể. Nhiều người còn nhớ, khi ông Lài còn là Giám đốc, Lâm trường thường xuyên phát động các phong trào thi đua, phong trào nào cũng có tiêu chí cụ thể gắn lợi ích tập thể với quyền lợi cá nhân, có quy chế thưởng, phạt nghiêm minh. Có người bị phạt mãi sau này khi đã về hưu còn cảm ơn ông, vì sau lần phạt ấy, anh hiểu hơn vai trò ý thức làm chủ tập thể và cũng từ đó anh được thưởng nhiều lần. Đặc biệt, để làm gương, Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài đã 2 lần tự phạt mình với mức phạt bao giờ cũng nặng hơn công nhân. Vì theo ông: “Lãnh đạo sai, hậu quả lớn hơn nên phải chịu trách nhiệm cao hơn”.
Với ai cũng vậy, hiếm khi ông Lài chịu ngồi ở văn phòng nghe báo cáo mà phải đi thực tế rừng, theo ông đó mới là báo cáo trung thực, chính xác nhất. Chiếc xe của ông Lài cũng đã “về hưu” nhưng được mua lại rồi đại tu. “Mình chưa thể đi xe sang, mà xe sang cũng chỉ để giải quyết khâu oai chứ không thể phục vụ cho công việc đi rừng của mình được. Mình không thể làm oai khi công nhân còn thiếu thốn, chưa no đủ...”, ông Lài chia sẻ về những ngày tháng trên cương vị Giám đốc của mình. Ông Lài còn nhớ trên cửa chiếc xe của mình luôn dán khẩu hiệu: “Tập trung cho sự nghiệp xây dựng vốn rừng”, sau này khẩu hiệu này như “hiệu lệnh” phát động mọi phong trào thi đua do ông khởi xướng. Hiện nay, dù đã cao tuổi nhưng ông Lài vẫn không chịu ngơi tay an hưởng tuổi già. Ông Lài hàng ngày vẫn tự buộc mình vào một quán cơm bình dân do mình quản lý ở thị trấn Con Cuông. Quán vừa tạo việc làm cho một số lao động vùa là nguồn thu đáng kể giúp ông Lài dùng vào công tác từ thiện và tri ân tại địa phương.
Nhưng chuyện mở quán cơm cũng cho thấy nét dị trong đời sống, suy nghĩ và nhân cách đáng khâm phục của một vị giám đốc giữa đời thường. Quán cơm được ông Lài mở ra từ năm 1985, ban đầu nó mở ra chỉ là hình thức giải quyết nạn thất nghiệp cho người thân. Với cương vị của một Giám đốc, ông Lài dư khả năng xin cho con cháu mình vào làm việc tại Lâm trường hoặc trong những cơ quan nhà nước khác. Nhưng với tinh thần tự thân lập nghiệp từ nhỏ, tính khí bộc trực nên ông không muốn nâng đỡ con cháu theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ” như vậy. Ông Lài quan niệm, mỗi người phải tự đi trên đôi chân và tìm lấy công việc để sống và hoàn thiện bản thân.
Sự khác thường ở quán cơm còn thể hiện ở việc không “chiều tới bến” dù “khách hàng luôn là thượng đế”. Đã không biết bao lần ông Lài đã đuổi thẳng cổ những “thượng đế” ra khỏi cửa hàng vì họ vi phạm những quy định: Không mặc áo hở nách, không ngồi xổm, không hút thuốc. Giải thích cho những quy định kỳ quặc của mình, ông Lài phân bua: “Con người phải có văn hoá để tiến tới văn minh, việc ăn uống rất dễ mà cũng rất khó. Nhiều người không có ý thức văn hoá, hoặc có khi vui vẻ thái quá cũng gây mất văn hoá. Vậy thì, việc của mỗi người là phải giáo dục văn hoá cho nhau để cùng tiến. Quán cơm của tui làm mất lòng nhiều người, nhưng tui tin chắc là họ sẽ học được một nét văn hoá cơ bản người xứng đáng... ăn cơm”.
Theo Báo PLO.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top