• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Người chồng xứ Nghệ nhiều đêm khóc thầm sợ mất vợ vì bạo bệnh

HMO

Administrator
Staff member
Sau 4 tháng chăm vợ ở viện, nghe kết quả khối u của vợ lành tính, ông Sinh òa khóc, chạy tới ôm chầm điều dưỡng.

Nhìn hình ảnh ông Sinh ngồi say sưa hát điệu dân ca xứ Nghệ rồi quay trực tiếp phát trên Facebook, không ít người biết hơn 3 năm trước, người đàn ông 56 tuổi này ngày nào cũng tìm góc nào đó sụt sùi khóc vì sợ vợ không qua khỏi bệnh nặng.

Nhớ lại quãng thời gian vợ mình, bà Nguyễn Thị Hồng Kính, 54 tuổi, phát hiện mắc u tụy, ông Lê Viết Sinh (thành phố Vinh, Nghệ An) vẫn thấy nổi gai ốc.

Một ngày giáp Tết năm 2013, cậu con trai cả đi khám sức khỏe tại Hà Nội để chuẩn bị du học đã đưa mẹ đi cùng vì bà Kính hay đau bụng. Các kết quả cho thấy bà Kính có một khối u tụy. Bác sĩ giải thích đa số các trường hợp này là u ác tính và cần quyết định phương án điều trị ngay. Lúng túng không biết làm sao, cậu gọi điện để bố trực tiếp nói chuyện với thầy thuốc. Ông Sinh rụng rời tay chân, nước mắt cứ thế trào ra khi biết tin và nghĩ tới một vài người mình quen đã ra đi vì mắc bệnh này.


Sau hành trình chiến đấu với bệnh tật, vợ chồng ông Sinh dành nhiều thời gian chăm lo cho nhau, đi du lịch. Ảnh: NVCC.
Dù suy sụp và bối rối, ông vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, nhắc con trai không được lộ ra. Ông cười bảo vợ: "Mình chỉ bị cái u bọng nước thôi, mổ nội soi cắt bỏ là lại khỏe mạnh, xinh đẹp ngay". Ông bảo vợ là người phụ nữ chân chất, hay lo âu, sợ nếu biết bệnh, bà sẽ mất ăn mất ngủ, không còn sức mà phẫu thuật.

Ông Sinh cho biết, hồi mới cưới nhau, ông đang là kép chính ở nhà hát dân ca tỉnh, vợ tần tảo buôn bán nhỏ, rồi ba năm sinh liền hai con nên rất vất vả. Lương đào hát ba cọc ba đồng, lại hay phải đi diễn xa, không giúp được nhiều cho vợ nên vài năm sau, ông xin nghỉ, về làm kinh tế, lo cho gia đình. "Chúng tôi tay trắng tới với nhau, cộng khổ bao năm, tới lúc bắt đầu có bát cơm ăn thì cô ấy lại đổ bệnh vậy nên tôi càng không đành lòng", ông nói.

Nhiều lần thấy chồng bỗng dưng chảy nước mắt, bà Kính hỏi lý do thì ông nói lái đi "À, con mới đi học xa, anh tự dưng nhớ nó ấy mà".


Ông Sinh vẫn thường tặng hoa, tặng bánh cho vợ vào các dịp kỷ niệm, sinh nhật. Ảnh: NVCC.
Lê Tuấn Vũ, con trai thứ hai của ông Sinh, khi đó đang là sinh viên đại học tại Hà Nội, kể: "Hôm bố ra bến xe đón tôi về ăn Tết, chưa kịp nói câu gì bố đã khóc. Lúc trấn tĩnh lại, bố bảo tôi về phải vui vẻ để mẹ yên tâm".

Tuấn Vũ cho biết, bố mình ngày thường đã là người đàn ông chịu thương chịu khó, hết mực vì gia đình, nhưng những ngày mẹ bệnh anh mới càng hiểu, thương và kính trọng cha hơn khi thấy sự tận tụy và tình yêu thương vô bờ của ông. Tết năm đó, mẹ anh tăng mấy cân vì được bố chiều, ép ăn các món bổ dưỡng trong khi bố gầy rộc đi.

Ra Tết năm ấy, ông Sinh đưa vợ đi vài bệnh viện nữa khám lại và nhận kết quả như cũ: Bà Kính bị bệnh u tụy, 85% là ác tính và thường khó qua khỏi. Cân nhắc lên xuống, cuối cùng cả gia đình quyết định để bà mổ ở Bệnh viện 103 (Hà Nội).

Nhớ lại những tháng ngày mẹ mới mổ, Tuấn Vũ, kể, suốt gần 4 tháng mẹ nằm viện là bố tự tay chăm bẵm, từ việc ăn uống tới vệ sinh, trò chuyện động viên. Ai tới trông thay, ông Sinh cũng không cho. "Bố còn mua cả cái điện thoại màn hình to bự để mẹ xem phim, nghe nhạc. Đến bữa hôm nào bố cũng phóng ra ngoài kiếm đồ ăn ngon cho mẹ còn mình ăn cơm viện", Tuấn Vũ nói.

Thấy ông Sinh chăm vợ từng tí, kể cả việc vệ sinh phụ nữ, nhiều người nuôi bệnh cùng phòng còn cười và nói kháy. Vừa thương vợ, vừa cáu, ông bảo: "Nghĩa vợ chồng không phải ở lúc cùng chung chăn gối mà là khi đau ốm, cần nhau. Vợ tôi, tôi chăm, các anh cười gì". Những người này sau đó đã xin lỗi ông.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc vợ ông Sinh, bày tỏ: "Tôi thực sự xúc động trước tấm lòng yêu thương và sự chăm sóc tận tình của anh Sinh dành cho vợ". Gần 30 năm trong nghề, bà Hoa cho rằng, đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết là lúc người ta thể hiện rõ nhất tình yêu, lòng thương dành cho nhau. Hình ảnh ấn tượng nhất với bà là mỗi lần gặp lại thấy ông khóc vì chỉ sợ vợ không qua khỏi.

"Tôi nhớ mãi lúc biết kết quả giải phẫu bệnh cho thấy chị Kính chỉ bị u lành, ông Sinh nhẩy cẫng như đứa trẻ rồi chạy tới ôm chầm tôi quay một vòng", bà Hoa kể. Bà cũng chính là người đã kể lại hết tình trạng bệnh tật và những lo lắng, săn sóc từ "người chồng tuyệt vời hiếm có" cho bệnh nhân nghe.

"Đó thực sự là khoảnh khắc tôi biết vợ mình đã thoát án tử. Cả đời này tôi mang ơn chị Hoa và các bác sĩ đã hết lòng điều trị cho vợ mình", ông Sinh chia sẻ.

Hiện tại, bà Kính đã khỏi bệnh, sống vui khỏe. Đi qua giai đoạn gần như sắp đối mặt với tử thần, ông Sinh và vợ cũng thay đổi cái nhìn về cuộc sống. "Hóa ra cuộc đời có thể rất ngắn nên tôi muốn dành thời gian cho những gì quan trọng nhất. Tôi nhắc vợ làm ít thôi, tiền bạc rồi cũng hết. Cô ấy muốn đi chơi đâu, tôi sẽ đưa đi. Hai vợ chồng tận hưởng cuộc sống bình an, thanh thản và chỉ mong các con trưởng thành sống có ích cho đời", ông nói.

Theo Vương Linh (VNExpress.net)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top