• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Người “truyền lửa” bản hùng ca bất tử Truông Bồn

HMO

Administrator
Staff member
“Là thuyết minh viên trẻ tuổi, lại học trái nghề (Trang học kế toán - PV) nên mình gặp rất nhiều khó khăn".


Chị Chu Hà Trang kể về sự hy sinh của các anh, chị TNXP tại Truông Bồn
Hơn 2 năm qua, chị Chu Hà Trang (SN 1992, trú huyện Quỳ Châu, Nghệ An), thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Truông Bồn luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, để truyền tải cảm xúc làm sống lại bản hùng ca bất tử Truông Bồn. Nơi đây, ngày 31/10/1968, 13 anh, chị TNXP làm nhiệm vụ giữ đường đã vĩnh viễn nằm lại. Với họ tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc...

Nỗi đau thành huyền thoại
Tháng 7, con đường 15A dẫn về Khu di tích Truông Bồn tấp nập dòng người về hành hương. Trong số họ không chỉ có những người từng vào sinh ra tử trong 2 cuộc kháng chiến, mà còn cả những đoàn viên trẻ tuổi, những em học sinh cấp 1, cấp 2... Họ về đây để thắp cho các anh hùng liệt sỹ, anh hùng TNXP những nén hương tri ân và tưởng nhớ về những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thấp thoáng sau khu mộ 13 chiến sỹ của “Tiểu đội thép anh hùng” thuộc Đại đội 317-N65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, là màu xanh áo lính của các thuyết minh viên, người làm sống lại bản hùng ca bất tử Truông Bồn. Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm và đậm chất xứ Nghệ, chị Chu Hà Trang như đưa người nghe trở về với quá khứ bởi tiếng bom dội, tiếng đạn lửa. Cái ngày 13 anh, chị TNXP Truông Bồn vĩnh viễn nằm lại dưới lớp đất đá sau loạt bom của kẻ thù.

Hà Trang kể, tháng 7 năm nào cũng vậy, khách về Truông Bồn rất đông, mỗi người đều mang trong mình những cảm xúc riêng gợi nhớ về một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc. “Hôm thuyết minh cho đoàn cựu chiến binh TP Vinh, thật may mắn được gặp cô Nguyễn Thị Thông, Tiểu đội trưởng của “Tiểu đội thép anh hùng” năm xưa, người duy nhất còn sống sót. Chiến tranh kẻ mất, người còn. Nhưng năm nào cô Thông cũng về thăm chiến trường xưa, dù bản thân đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Lần nào lên đây cô cũng khóc, cũng ôm phần mộ, rồi ngồi thật lâu bên tấm bia ghi tên những người đồng đội, đồng chí của cô”.

“Cô Thông cũng thường nghe chúng tôi kể lại lịch sử, kể về những ngày tháng chiến đấu của cô và đồng đội. Có lần câu chuyện vừa kết thúc, cô ôm tôi khóc và bảo: Cảm ơn cháu đã đưa cô trở về với đồng đội, trở về khoảng khắc của 49 năm về trước”, chị Trang nhớ lại.

Kể chuyện bằng “đam mê”
Mỗi năm, bình quân Khu di tích Truông Bồn đón 1-1,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm. Bởi vậy, tất cả thuyết minh viên làm việc ở đây phải am hiểu về lịch sử các trận đánh ở Truông Bồn, cũng như trận bom định mệnh ngày 31/10/1968. Công việc đặc biệt này đòi hỏi thuyết minh viên không được phép sai sót dù là nhỏ nhất.

Với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành biểu tượng cho TNXP Việt Nam, năm 2010 UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. Quá trình triển khai, do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên dự án phải tạm dừng. Với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ, Bộ GTVT đã cùng với tỉnh Nghệ An tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong cả nước ủng hộ kinh phí chung tay xây dựng Truông Bồn. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng các hạng mục trong quần thể khu di tích với tổng số tiền lên đến 112,3 tỷ đồng. Riêng, Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đã quyên góp, ủng hộ xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn gần 40 tỷ đồng.

“Là thuyết minh viên trẻ tuổi, lại học trái nghề (Trang học kế toán - PV) nên mình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì đam mê nên mình sẽ cố gắng học hỏi, truyền cảm xúc để du khách và bạn bè năm châu hiểu được sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh tại Việt Nam”, Hà Trang chia sẻ.

Trang nhớ như in, ngày 31/10/2016, Đoàn thanh niên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã đưa cụ Sáu - mẹ chị Nguyễn Thị Hoài (một trong 13 anh, chị TNXP hi sinh trong trận đánh bom hôm đó) đến Truông Bồn thắp hương cho con gái. “Do tuổi cao, sức yếu nên cụ được anh chị trong đoàn bế lên khu tưởng niệm. Khi nghe thuyết minh về sự hy sinh và nhìn thấy di ảnh con gái khắc lên bia đá, cụ đã khóc rất nhiều. Bản thân mình cũng nghẹn ứ cổ họng không kể được nữa…”, chị Trang ngậm ngùi.

Hơn 2 năm làm thuyết minh viên ở Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, Hà Trang đã được đón rất nhiều đoàn khách tới thăm. “Với mỗi đoàn lại có cảm xúc và những ấn tượng khác nhau. Có lần mình vừa kể chuyện xong, một cô đi cùng Đoàn thanh niên từ TP.HCM chạy lại nắm tay nói: “Cảm ơn cháu, câu chuyện cháu kể đã chạm đến trái tim người nghe”, Hà Trang tâm sự.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, Hà Trang là một thuyết minh viên trẻ tuổi, chịu khó, nhiệt tình. Với cách nói chuyện dí dỏm, cộng với chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, Hà Trang đã làm sống lại bản hùng ca bất tử Truông Bồn.

Theo Thủy Tiên, Văn Thanh (báo Giao Thông)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top