• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Trang Người được mệnh danh “Sát thủ” lươn đồng

HMO

Administrator
Staff member
Nghề đặt trúm (một công cụ đánh bắt lươn) đã có từ lâu đời ở Nghệ An. Đây là nghề vất vả, cực nhọc nhưng đem lại thu nhập cho nhiều gia đình ở nông thôn, giúp họ vượt qua khó khăn, đói nghèo. Đặc sản lươn đồng xứ Nghệ đã vang nổi khắp nơi trong cả nước, trở thành một trong “15 món ngon nhận kỷ lục châu Á”. Nhưng gần đây việc sử dụng thuốc hóa học, trừ sâu vô tội vạ, cộng với việc đánh bắt cá bằng kích điện đã và đang tận diệt loài cá da trơn có giá trị dinh dưỡng cao này.

Gian nan nghề đánh lươn đồng
Theo thợ đặt trúm bắt lươn đồng Nguyễn Văn Loan (ở xã Quỳnh Trang, TX.Hoàng Mai, được làng xóm suy tôn là “sát thủ”) thì để đánh bắt được lươn đồng, thợ đặt trúm phải kỳ công làm mồi. Hai loại thức ăn mà con lươn thích nhất là giun đất và cua. Cua nướng lên thơm lừng trộn với giun đất băm nhuyễn sẽ tạo nên mùi tanh nồng mà không con lươn nào có thể cưỡng lại được. “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”, chúng nghe mùi là sẽ kéo nhau chui vào, có trúm đến cả chục con, bắt mãi không hết” - Loan cho biết.

Nghề bắt lươn đêm không cần vốn, chỉ tốn công và sức. Dụng cụ bắt lươn là những ống tre, mét có lóng dài khoảng một mét, rỗng ruột, đường kính từ 6-7cm. Một đầu được bịt kín, đầu kia được đục thông rồi gắn một chiếc tơi hình phễu để lươn chui vào dễ dàng nhưng không thể thoát ra. Bây giờ đường sá đã được nông thôn mới, tre nứa trong làng cũng hiếm dần nên một số người nảy ra sáng kiến dùng ống nhựa PVC làm trúm lươn. Nhưng theo “sát thủ” lươn đồng Trần Văn Loan thì loại này tuy nhẹ, thuận tiện trong việc di chuyển, bảo quản nhưng lại không “ăn” lươn bằng trúm làm bằng ống tre hoặc mét.

Loan được bố truyền nghề cho từ nhỏ, nên khi mới 10 tuổi đầu, cậu đã biết đặt trúm bắt lươn, trở thành một “sát thủ” có tiếng trong làng. Ông Trần Văn Đoàn (bố Loan) cho hay, ngày trước khi xong mùa vụ, rảnh rỗi người ta đi đặt trúm bắt lươn để làm thức ăn, nhiều thì đem ra chợ quê bán lấy tiền đong gạo. Lươn nhiều nên chỉ bắt loại lớn hơn chân cái, còn nhỏ hơn thì thả lại xuống đồng. Thế nhưng dăm năm trở lại đây, món lươn đồng trở thành đặc sản tại các nhà hàng, quán nhậu, có khi lươn lên đến vài ba trăm ngàn/kg mà không có để lái buôn đến lấy.
Là nghề không cần vốn liếng gì nhiều nhưng công việc đặt trúm cần có kỹ thuật, phải học hỏi qua một thời gian mới rành rẽ. Nguyễn Văn Tình - một thợ đánh lươn (28 tuổi, Ngụ xã Quỳnh Trang, TX.Hoàng Mai) - giải thích: “Nếu đặt trúm cạn quá, lươn sẽ không chui vào, còn sâu dưới lớp bùn thì mùi thức ăn không phát tán ra xa để dụ dỗ chúng đến. Con lươn cũng tinh khôn lắm nên cần phải có kinh nghiệm mới bắt được chúng”. Ngoài ra, để không bị thất lạc ống trúm, thợ đánh bắt lươn đêm phải có trí nhớ tuyệt vời cũng như cách bố trí “sơ đồ” chỗ đặt hợp lý.

Đặt xong hơn 100 ống trúm thì trời đã tối om. Giữa cánh đồng hoang vắng, gió bắt đầu thổi mạnh, tiếng ếch nhái, côn trùng kêu rỉ rả. Mấy người thợ đánh trúm mình mẩy lấm lem, ướt nhoẹt, ngồi bó gối nhìn về phía ngôi làng có ánh điện nhập nhòe. Có lẽ giờ này mấy nhà trong làng đã xong bữa cơm tối, cùng nhau ngồi xem thời sự hay uống nước chè tán chuyện. Cuộc sống ngày càng khó khăn, để lo bao khoản chi tiêu trong gia đình, những người thợ đánh lươn lại càng phải vất vả, chăm chỉ hơn. Họ đành “hy sinh” đi những nhu cầu tưởng chừng giản đơn mà rất thiết yếu của đời sống thường ngày.

Chiếc lều dựng tạm che mưa gió chỉ đủ cho một người nằm, nên cứ người này thức canh giữ trúm thì người kia ngủ, thay phiên nhau cho tới sáng. “Ngày trước khi con lươn chưa có giá như bây giờ thì chẳng cần phải canh giữ làm gì, đặt trúm xong ai về nhà nấy ngủ, sáng mai ra đổ. Nhưng giờ ăn trộm ghê lắm, mình lơ đãng một chút là có kẻ đến dốc trộm mất lươn, mất gạo của vợ con” - Loan bộc bạch.




Đặc sản lươn “Nghệ” nguy cơ cạn kiệt …

Đã từ lâu, nói về mảnh đất xứ Nghệ, người ta thường nhắc đến món đặc sản lươn đồng. Vì vậy nếu có dịp về Nghệ An, du khách thập phương thường ghé các nhà hàng, quán xá ăn các món chế biến từ lươn, đặc biệt có hai món được nhiều người thích nhất đó là cháo, miến lươn và xúp lươn. Lươn không chỉ là món đặc sản của người Nghệ An, mà bây giờ đã “di cư” có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… Những năm gần đây, lươn đồng được tiêu thụ nhiều nên giá cả đã tăng cao. Thương lái không chỉ tìm mua lươn để nhập cho các nhà hàng trong tỉnh, mà còn xuất ra Hà Nội, Hải Phòng, vào tận Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Để cung đủ cầu, nhiều nhà nông đã học mô hình nuôi lươn trong ao, hồ, đầm, có nhà xây bể để nuôi. Và cũng chính từ loài đặc sản này, nhiều gia đình đã làm giàu nhanh chóng, nghề nuôi lươn trở thành một nghề “hót” của nông dân.

Theo các chuyên gia của Viện dinh dưỡng, thịt lươn chứa nhiều loại vitamin và chất khoáng như vitamin A, B1, B6 hay chất sắt, natri, kali, calci. So với các loại như hến, tôm đồng, cua đồng, thịt lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Vì thế, thịt lươn luôn được chọn lựa là thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Theo Đông y, lươn có tác dụng bồi dưỡng khí huyết, tiêu trừ phong thấp, có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lị, đau nhức xương sống, trĩ nội, phong thấp...

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học tùy tiện, vô tội vạ đã và đang khiến lượng cá tôm, lươn đồng suy giảm nghiêm trọng, không có môi trường sinh sôi nảy nở như trước. Bên cạnh đó, một số người dùng chích điện, thuốc hóa học đánh bắt cũng khiến loài thủy sản này ngày càng bị tuyệt diệt. Những cánh đồng lúa màu mỡ, giàu phù sa ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… là nơi cho loài lươn cư ngụ, sinh sản, vì vậy nơi đây được xem là “vựa” lươn của tỉnh Nghệ An. Nhưng những năm gần đây, trên các cánh đồng này, thợ đánh lươn trầy trật cả đêm hôm, mới đánh được vài ba kilôgram. “Anh em chúng tôi đi đánh lươn, bẫy được con lớn thì lấy, còn bé thì thả lại ruộng đồng, làm thế để sau này còn có cái mà mưu sinh. Bây giờ người ta đánh bắt tôm cá, lươn đồng bằng kích điện, hóa chất, không chóng thì chầy những loài thủy sản này sẽ biến mất, lúc đó chẳng biết làm nghề gì mà sống nữa” - anh Nguyễn Văn Bộ buồn rầu cho hay.

Đặc sản lươn đồng xứ Nghệ đã vang nổi khắp muôn phương. Và càng vinh dự hơn khi vừa qua, món miến lươn xứ Nghệ cùng với phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng, gỏi cuốn Sài Gòn… đã vượt qua hàng trăm món ăn khác của Việt Nam để được chọn vào danh sách đề cử “15 món ngon nhận kỷ lục châu Á”. Ấy nhưng con lươn đồng ngày một hiếm, khiến những người nông dân hiền lành, chân chất suốt cuộc đời gắn bó với nghề đánh bắt loài thủy sản như Tình, Loan, Bộ… cũng trở trăn, lo lắng. Liệu rồi đây một món ăn được xem là đặc sản của xứ Nghệ có còn tỏa mùi thơm nghi ngút trong các bữa ăn gia đình, nhà hàng quán xá nữa hay không?
Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top