• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Tương Dương Người đàn ông trăng hoa vẫn quyết cưới đến 9 vợ, mặc vợ con phản đối

HMO

Administrator
Staff member
Những đứa con của ông Tiến đứa nào đứa nấy đều vì thương mẹ và xấu hổ vì cái “kỷ lục” không giống ai của cha mình.

Mặc vợ con phản đối, người đàn ông trăng hoa vẫn quyết cưới đến chín vợ
Bản Cam bao năm qua vẫn là bản nghèo nhất xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Già bản Vi Văn Kim không lấy vợ. Ông bảo người Thái ở bản Cam nghèo lắm và ông cũng nghèo cũng chẳng lấy vợ làm gì cho khổ.

Ấy thế mà, ngay trong bản Cam này lại có một người khác hoàn toàn già bản Kim – ông Nguyễn Văn Tiến. Ông Tiến có đến 9 bà vợ. Cũng như bao người đàn ông tham lam khác, ông Tiến bảo số mình phải thế! Và tất nhiên, ông chưa khi nào thấy hối hận vì lấy quá nhiều vợ. Nhưng có một điều mà ông phải thừa nhận, nếu không lấy nhiều vợ, thì ông… có nhiều vàng lắm.

Vợ chạy vạy tiền để cưới thêm vợ cho chồng
Ông Nguyễn Văn Tiến nhiều năm qua đã nổi danh là “người đàn ông đào hoa nhất miền Tây xứ Nghệ” với 9 bà vợ. Ông Tiến sinh năm 1958, bố ông là cụ Nguyễn Văn Ngãi, người gốc Hà Tĩnh. Cụ Ngãi rời quê nhà lên huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) làm kinh tế. Mẹ ông tên Mỵ Uôn, là người dân tộc Thái bên nước bạn Lào. Bố mẹ ông nên duyên vợ chồng và định cư ở xã Yên Hoà, huyện Tương Dương xa xôi tột cùng của xứ Nghệ.

Ông Tiến sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Tương Dương khắc nghiệt, nhà đông con, song ông được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông Tiến kể mình từng là giáo viên tiểu học. Nhưng bấy giờ ngoài những khó khăn chung của cả nước, đồng lương giáo viên đã eo hẹp, đời sống ở vùng cao nhiều thiếu thốn nên ông xin nghỉ dạy, đi bộ đội, xuất ngũ rồi bỏ hẳn nghề giáo để đi buôn.

Ông bôn tẩu khắp nơi buôn bán, trên hành trình ấy, ông gặp bà Lý Thị Hoan là người xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu cùng tỉnh. Bà Hoan kém ông ba tuổi, cũng là gia đình tha hương lên huyện miền Tây Tương Dương lập nghiệp. Họ thương yêu và kết hôn khi cả hai còn rất trẻ, ông Tiến cũng không nhớ chính xác khi đó mình bao nhiêu tuổi, ông chỉ chắc chắn rằng, bấy giờ mình còn chưa tròn đôi mươi. Họ sinh sống và làm ăn ở xã Yên Hoà, huyện Tương Dương. Sau đó, ông Tiến vẫn thường xuyên ngược xuôi cùng những chuyến buôn kiếm tiền nuôi vợ con.

Đến xã Nga My cùng huyện Tương Dương, ông Tiến nhanh chóng phải lòng sơn nữ Lô Thị Xuyên. Thế rồi bằng cái duyên ăn nói, tán tỉnh của mình, ông đã “hạ gục” nàng sơn nữ mới lớn ấy. Bà Xuyên đồng ý làm vợ hai của ông Tiến, bất chấp việc bấy giờ ông đã có ba mặt con với người vợ đầu.

Ông Nguyễn Văn Tiến nổi tiếng với 9 bà vợ.
Đương nhiên, trên thế gian này chẳng có người vợ nào mong muốn hay đồng ý việc chồng mình… lấy thêm vợ. Bà Hoan cũng thế, bà đã nỉ non thuyết phục, rồi phản đối. Song bà lại không đủ quyết liệt để ngăn cái tâm ý lấy thêm vợ của chồng. Cuối cùng bà cũng đành buông xuôi, lo chạy vạy để tổ chức đám cưới cho chồng.

Hai người đàn bà chấp nhận sống cảnh chồng chung, rồi vài năm sau, cả bà Hoan, bà Xuyên lại phải chứng kiến chồng mình lấy thêm vợ nữa. Bà vợ thứ ba cũng là một sơn nữ người Thái ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Đám cưới lại được tổ chức, vẫn cùng một chú rể, chỉ khác cô dâu lần này là bà Vi Thị Thành. Sau đám cưới lần thứ ba, đầu những năm 90, ông Tiến chuyển đến bản Cam, xã Cam Lâm định cư.

Phân chia lịch, mỗi tối ngủ với một bà
Sống ở bản Cam còn chưa ấm chỗ, ông Tiến đã làm đám cưới lần thứ tư với bà Nguyễn Thị Thẩm. Ông Tiến vừa buôn bán vừa làm thuốc Nam nên quanh năm suốt tháng lang bang khắp cánh rừng này đến ngọn núi khác, đồng nghĩa với việc ông có thêm nhiều “cơ sở” với các bà vợ chính thức và không chính thức.

Sau bà vợ thứ tư, ông Tiến lại làm đám cưới với bà vợ thứ năm là Lô Thị Phượng ở huyện Tương Dương, bà thứ sáu là Vi Thị Khuê, bà thứ bảy là Lữ Thị Hoa cũng đều là người Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Rồi đến bà vợ thứ tám là Trần Thị Hoa (ở thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh) còn bà thứ chín là Nguyễn Thị Mười ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

“Nghề của tôi là hay đi rừng lấy rồi mua bán thuốc, gặp bà nào ưng thì tôi lấy làm vợ vậy thôi! Họ gặp rồi đem lòng yêu thương và tự nguyện đến với mình. Gặp bà nào tôi cũng nói rõ ràng là tôi đã có nhiều vợ, nhưng họ vẫn chấp nhận làm vợ tôi, chứ tôi không ép buộc ai bao giờ. Họ thương mình thì mình thương lại thôi. Tôi nghĩ, âu cũng là cái số kiếp rồi. Mỗi đám cưới tuy không đăng ký kết hôn nhưng tôi đều mang lễ đến nhà cô dâu xin gia đình ăn hỏi, tổ chức cưới đàng hoàng. Cứ mỗi lần cưới là tôi mang hai, ba chỉ vàng đến nhà gái. Chín bà là ít nhất hai cây vàng đấy”, ông Tiến nói.

Ông Tiến phân bua về những cuộc gặp với các bà vợ mà ông cho rằng đó là “định mệnh”. Trong số các bà vợ của ông Tiến, có bà là giáo viên. Ngày trước, họ tình cờ gặp nhau, bà ấy là cô giáo trẻ đẹp, lúc đầu họ không để ý gì đến nhau, nhưng rồi sau vài câu xã giao, dăm câu chuyện hỏi han, họ phải lòng nhau. Rồi ngay ngày hôm sau, ông Tiến đi chợ mua một con lợn về làm mấy mâm cơm mời anh em bạn bè của cô giáo đến ăn cỗ và tuyên bố họ là vợ chồng.


Bà Vi Thị Khuê (trái) và Lữ Thị Hoa (phải) có gần hai năm sống cùng nhau dưới một mái nhà.
Hay một bà vợ khác của ông, họ gặp nhau trên một chuyến xe khách, bà vợ khi đó mới 18 tuổi, sau vài câu chuyện với bạn đồng hành, họ hẹn gặp nhau thêm đôi lần nữa và tổ chức đám cưới…

Nghe ông Tiến kể về những đám cưới với các bà vợ “định mệnh” của mình, mà tôi cứ ngỡ họ bước ra từ truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Cái cách ông Tiến gặp gỡ, tán tỉnh rồi lấy vợ, nó có khác gì anh cu Tràng kéo xe thuê, gặp người đàn bà ngoài chợ rồi sau mấy câu bông phèng, Tràng bỗng dưng có vợ đâu nhỉ!?

Vợ anh cu Tràng vì miếng ăn mà theo không một người vơ với trên đường, các bà vợ của ông Tiến, không biết có bà nào vì lý do đó không? Chỉ thấy già bản bảo, ông Tiến có 9 vợ là thật đấy, liên quan đến nhiều vấn đề tế nhị lắm, nhưng cũng chẳng có lý do nào khác ngoài tình và tiền cả.

Ông Tiến tiết lộ thêm rằng: “Chuyện vợ chồng, tôi phân chia lịch rõ ràng, cứ mỗi tối ngủ với một bà. Cũng có bà không chịu “chung chồng” nên bỏ về ở bên ngoại, tôi phải thường xuyên đến thăm”. Ở bản Cam, ngôi nhà gỗ của ông Tiến kê liền mấy cái giường, giường nọ cách giường kia chỉ bằng mấy tấm ri-đô. Thế nên, cũng có lúc mấy bà ở chung nhà với nhau, nhưng họ sống như thế chỉ được một thời gian rất ngắn, rồi lại ai về nhà người ấy.

Chỉ có bà Vi Thị Khuê và Vi Thị Hoa cùng chung chồng dưới một mái nhà được gần hai năm. Nhưng rồi bà Khuê cũng đến lúc như những bà vợ khác, không thể vờ mù, câm, điếc để san sẻ chồng, bà đã bỏ đi. Nhiều năm nay, chỉ còn lại bà Hoa sống cùng ông Tiến và con riêng của ông với bà vợ khác.

Một trong số các bà vợ của ông Tiến đã dứt áo ra đi – bà Nguyễn Thị Thẩm không giấu giếm nói: “Có duyên thì đến với nhau, hết duyên thì vui vẻ đường ai nấy đi. Sống với ông Tiến được bốn năm thì tôi đi, tôi quay về sống với con cái của chồng cũ, ông Tiến thỉnh thoảng lại đến thăm”.

Được câu trước nói giọng tỉnh queo, câu sau bà Thẩm đã không giấu được sự ân hận xót xa, bà bảo lúc đầu bà cũng nghĩ đơn giản là chỉ cần yêu ông ấy, bà sẽ vượt qua được tất cả. Nhưng cảnh chung chồng dưới một mái nhà, “nhìn bên ngoài thì thấy có vẻ yên ấm lắm, nhưng sống chung một thời gian tôi mới biết được nỗi khổ đó là vô bờ bến”, bà Thẩm giãi bày.

Ông Tiến có 9 bà vợ, nhưng chỉ hai bà sinh con với ông. Các bà còn lại, sau thời gian bị tình cảm xốc nổi làm cho mụ mị mà theo ông về làm lẽ đã bị thực tế cảnh chung chồng “tát” cho tỉnh ngộ. Lại không có đứa con để làm sợi dây kết nối, nên họ nhẹ tênh dứt áo ra đi…

Những người con của ông Tiến cũng chẳng thể đối diện với làng bản như những người bình thường được. Các con của ông không ai được học hành đến nơi đến chốn. Cứ nhắc đến việc bố có nhiều vợ là con nào con nấy đều lảng tránh. Họ từng vì thương mẹ mà phản đối việc bố lấy thêm vợ. Song, họ cũng phần nhiều cam chịu như mẹ mình nên đành nhắm mắt nhìn bố lấy đến người vợ thứ tám, thứ chín.

Ông Tiến năm nay mới sáu mươi tuổi, vẫn nhanh nhẹn, cường tráng, cộng với bản tính trăng hoa bất chấp mọi thứ của mình, danh sách vợ của ông có dừng lại hay tiếp tục nối dài thì chỉ có ông Tiến mới biết!

Phạm Công (NGL)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top