• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An "Nỗi buồn" dòng Lam Giang: Nước thải "bức tử" sông

HMO

Administrator
Staff member
Ngược theo thượng nguồn dòng Lam từ cầu bến Thủy cho đến các dòng hợp lưu của dòng Lam như sông Giăng, Sông Hiếu, sông Dinh… có hàng chục nhà máy đang ngày đêm xả thải ra các dòng sông. Nước thải cộng thêm rác thải bị xả bừa bãi khiến cho gánh nặng ô nhiễm của những dòng sông đang trở nên báo động.

Có một điều mà bấy lâu ít ai nghĩ đến, đó là phần lớn những gì thải ra không trực tiếp thì gián tiếp đều đi về các dòng sông. Đặc biệt là nguồn nước thải trong quá trình sản xuất của các nhà máy.


Nước thải từ các xưởng cưa xẻ đá trắng trực tiếp xả xuống sông Hiếu ở xã Đồng Hợp

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại nhà máy đường Sông Lam, thuộc Công ty CP mía đường Sông Lam (đóng trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào một ngày đầu tháng 4 vừa qua. Gần trưa, phía sau nhà máy đoạn giáp với sông Lam một đường ống cỡ lớn đang xả nước ầm ầm ra sông Lam. Quan sát thấy trên mặt nước nổi lên một dòng bọt trắng như bọt xà phòng nhưng pha lẫn màu nâu vàng, lênh láng khắp mặt sông. Còn nước chảy ra chìm phía dưới có màu đen, thỉnh thoảng có màu đục vàng.

Một người dân thường chăn trâu ở bãi ven sông này cho biết: “Nhà máy đường đến mùa ép là gần như xả thải thường xuyên. Nhất là vào những ngày nghỉ và lễ hay ban đêm thì xả nước có màu lạ lắm, có mùi hôi nữa”.


Công ty CP mía đường Sông Lam xả thải chưa xử lý trực tiếp ra sông Lam
Nhà máy đường Sông Lam nằm ngay bên QL7 phía sau sát ngay bờ sông Lam. Nếu muốn tiếp cận phía sau phải chui qua nhiều cây bụi mới tiếp cận được khu đặt ống xả thải của họ. Việc xả thải của nhà máy này chỉ một số ít ngư dân và nông dân hoạt động trên sông và sát sông mới có thể biết được “mánh khóe” việc xả thải của đơn vị này. Chứng tôi len lỏi mãi trong các bui rậm mới tiếp cận được đến cống xả thải. Tại đây xuất hiện một mùi hôi, hắc rất khó chịu: “Trước đây họ hay xả vào những ngày mưa to. Còn mấy ngày nay thấy hầu như ngày nào cũng xả cả. Nhiều bữa xả nước đen ngòm, mui thối hoắc”. Một ngư dân đang đánh cá phía trên ống xả thải khoảng 100m, cho hay.

Một ống xả thải lớn bắc trực tiếp ra sông Lam
Về vấn đề này, ông Lê Viết Quý, Giám đốc sản xuất Công ty CP mía đường Sông Lam, khẳng định: “Dân họ không hiểu nên phản ánh thế thôi. Làm gì có chuyện đó. Hằng năm chúng tôi vẫn thuê làm quan trắc hai lần theo quy định. Cơ quan chức năng đến kiểm tra đều đánh giá là đủ tiêu chuẩn xả thải. Các giấy tờ đầy đủ cả mà”. Nhưng khi chúng tôi, mở cho ông Quý xem những hình ảnh chúng tôi vừa ghi nhận được thì ông Quý phân trần: “À, đây không phải là nước thải sản xuất đâu. Đây là nước anh em làm vệ sinh máy móc cuối vụ tràn ra thôi”(!?).

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Sáng, chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, rất ngạc nhiên: “Tôi chưa bao giờ nghe báo cáo hay phản ánh chuyện này. Tôi sẽ cho anh em kiểm tra ngay và sẽ có biện pháp xử lý”.


Nước thải có màu nâu sẫm, nổi bọt trắng hòa với màu vàng
Tiếp tục ngược theo QL7, chúng tôi có mặt tại nhà máy chế biến gỗ, thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông. Nhà máy gỗ này đóng ở bản Na Pha, xã Yên Khê, là khu vực đầu nguồn khe Diêm. Theo người dân phản ánh, nước thải từ nhà máy này xả ra khe Diêm (Một khe nước chảy ra hợp lưu với sông Lam), không qua một công đoạn xử lí nào.

“Ống nước xả của họ được chôn xuống giữa lòng khe Diêm, đứng trên bờ không thấy được mô. Bữa nay họ xả có lẽ hết cả rồi, mới cách đây mấy ngày trước họ xả ra cá chết trắng mà” - ông Trung một người dân Bồng Khê, thở dài ngao ngán.

Theo quan sát của chúng tôi thì nhà máy này tuy công suất không lớn nhưng sau một thời gian tạm ngừng hoạt động nay đã hoạt động mạnh trở lại. Theo người dân nơi đây thì đơn vị này hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong quá trình sản xuất họ có sử dụng một loại xút để trộn dăm gỗ, sau khi sản xuất xong nước thải cho ra hố lắng lọc phía sau nhưng không qua công đoạn xử lý nào cả. Rồi, sau đó tích đầy thì cho xả ra khe Diêm gây ô nhiễm. Cũng theo người dân nơi đây thì có đợt đơn vị này xả thải còn gây chết cả cá.


Một màu đen cũng tràn lan khắp nơi quanh ống xả thải
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Lam, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông, cho biết: “Xí nghiệp này được thành lập từ năm 2000, Công suất thiết kế là 1.000 tấn/năm, giấy phép xả thải là 28m3/ngày, đêm. Hồ sơ thì đầy đủ, nhưng mà làm ăn phập phù lắm, không hiệu quả. Lúc có nguyên liệu, lúc không nên việc xả thải cũng không có gì ảnh hưởng lắm”(?).

Khi chúng tôi đề cập đến việc xả thải của Nhà máy này, ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khá ngạc nhiên: “Thế à, tưởng lâu nay họ không làm nữa, lâu nay có thấy báo cáo là làm đâu? Tôi sẽ cho anh em kiểm tra xem sao. Nếu đúng thì xử lý thôi”.

Không chỉ có nhà máy đường Sông Lam và nhà máy gỗ Con Cuông mà theo người dân phản ánh hàng loạt các nhà máy như Xí nghiệp cao su cà phê (ở xã Tây Hiếu - Thị xã Thái Hòa); Nhà máy chế biến tinh bột sắn của DNTN Minh Đức (ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn)… đều cố tình xả thải không qua xử lý ra trực tiếp trên dòng sông Hiếu.


Nước thải từ khai thác, chế biến quặng thiếc xả xuống sông Dinh
Ngoài ra, các xưởng cưa xẻ đá của các hộ gia đình và nhiều doanh nghiệp ở xã Đồng hợp, Tam Hợp, Thọ Hợp… (H. Quỳ Hợp) cũng thường xuyên xả trực tiếp nước từ các xưởng cưa không qua xử lí ra sông Hiếu và sông Nậm Tôn (một hợp lưu của sông Hiếu) khiến cho nguồn nước sông Hiếu bị vẩn đục. Chưa hết, hàng chục mỏ quặng thiếc trên địa bàn các xã Châu Thành, Châu Hồng, Liên Hợp, Châu Tiến (cũng thuộc huyện Quỳ Hợp) khi chế biến cũng thường xuyên xả thải xuống sông Nậm Tôn và khe Nậm Huống khiến cho nguồn nước các sông suối thượng nguồn sông Hiếu luôn ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đỉnh điểm của nước thải từ quặng thiếc là sự cố vỡ đập chứa thải quặng thiếc ở khu vực suối Bắc (xã Châu Thành) của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Nghệ Tĩnh vừa qua khiến cho cá chết hàng loạt ở khe Nậm Huống.

Ông Vi Thanh Tường - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Vì chưa có tiền xây dựng theo quy hoạch, nên huyện yêu cầu doanh nghiệp nào tự xử lí nước thải, chất thải doanh nghiệp đó. Nếu để nước ra ngoài bờ rào, sẽ bị phạt ngay. Chúng tôi đã phát hiện và xử lí nhiều rồi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt quản lý về công tác môi trường trên địa bàn, nhất là đối với việc xả thải của các doanh nghiệp đá và thiếc”.
Hiện nay tình trạng chung xẩy ra ở nhiều địa phương là người dân thiếu ý thức thường đổ rác thải sinh hoạt xuống cấc dòng sông. Hiện tượng trên xẩy ra ở hầu khắp các huyện như Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương… khiến cho một lượng lớn rác thải tràn ra sông. Mặt khác, việc đổ rác bên bờ sông khi xẩy ra mưa lũ thì hầu hết rác thải đều bị cuốn sạch theo “hà bá”. Đó là chưa kể đến các làng nghề bún, bánh đa, tương…ở nhiều xã dọc sông Lam cũng đang vô tử xả thải trực tiếp ra môi trường. Và, các hiện tượng trên cũng là tác nhân không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước sông.

Bài & ảnh: Phạm Tuân (Tài Nguyên & Môi Trường)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top