• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nỗi đau từ nạn tảo hôn ở miền núi

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Ở các huyện miền núi xa xôi của tỉnh, vấn nạn tảo hôn đã và đang gây ra những hệ lụy, bi kịch cho người dân các dân tộc thiểu số. Tảo hôn không chỉ gia tăng đói nghèo, số vụ ly dị, giảm sút chất lượng giống nòi, sức khỏe sinh sản mà còn đẩy nhiều trường hợp đến cái chết thương tâm...

Ngược lên “cổng trời” miền biên viễn xứ Nghệ, chúng tôi tìm về các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Mường Típ của huyện Kỳ Sơn, nơi có đông đồng bào người Mông sinh sống. Sau những ngày mưa bão, con đường vào ngã ba Huồi Tụ bị hư hại nặng nề, có đoạn đất đá từ trên núi đổ xuống lấp hết lối đi. Thấy bạn tôi nhăn mặt, lắc đầu ngao ngán, Già Bá Lềnh (một người bạn đường mới quen) mỉm cười cho hay: “Đường thế này là tốt rồi chứ ngày trước kinh khủng lắm, trời mưa không đi được đâu. Từ thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã Huồi Tụ phải mất nửa ngày mới tới nơi”.

Slide.jpg

Bị bắt làm vợ khi ở tuổi 14, em Lầu Y No
(xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn) đã tìm đến cái chết

Những bản làng nằm cheo leo như tấm thảm giữa đại ngàn như một bức tranh thủy mặc mê hoặc người khách lạ. Đã có dịp đi nhiều vùng trên khắp đất nước hình chữ S nhưng có thể nói thiên nhiên, đất trời miền Tây xứ Nghệ sơn thủy hữu tình, đẹp đến nao lòng. Vẻ đẹp của trùng điệp núi non, những hệ thống rừng nguyên sinh, sông Lam hiền hòa với những tộc người chân thành, mến khách. Nhưng dưới tán rừng xanh thẳm vẫn còn đó những hệ lụy, bi kịch đau lòng từ nạn tảo hôn. Tiếp chúng tôi, Phó chủ tịch xã Huồi Tụ - Dềnh Bá Lồng không giấu được nỗi niềm: “Đã vận động nhiều, tuyên truyền nhiều nhưng cũng chỉ được một phần nào đó thôi. Cái bụng họ không chịu hiểu thì nói thế nào đi nữa cũng vô ích. Nạn tảo hôn là một trong những vấn đề xã hội khiến cán bộ chúng tôi đau đầu, đang cố tìm cách thay đổi”.


Bỏ học lấy nhau ở tuổi 16, vợ chồng Và Nỏ Công - Xồng Y Bâu đến nay vẫn chưa có giấy đăng ký kết hôn, con cái không có giấy khai sinh

Xã Huồi Tụ có 826 hộ dân với hơn 4.186 nhân khẩu, trong đó người Mông chiếm hơn 90% dân số. Đã từ lâu đời, người dân tộc Mông có tập tục bắt vợ. Đây là nét đẹp có từ xa xưa, khi đôi trai gái đồng ý lấy nhau thì nhà trai “giả vờ” qua nhà gái để bắt vợ về. Mặc dù nhà gái trong lòng đã chấp thuận nhưng “mặt ngoài còn e” nên vẫn nhùng nhằng chưa muốn về. Bắt vợ thể hiện cái danh giá, phẩm hạnh của người con gái, sự yêu quý, trân trọng của người con trai. Có thể nói đây là một tập tục đẹp đẽ trong cộng đồng người Mông cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở miền Tây xứ Nghệ. Tuy nhiên trải qua thời gian, tập tục này không còn được vẹn nguyên bản chất như vốn có mà đã bị lai căng, thay đổi. Hờ Bá Đà - Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Huồi Tụ - góp chuyện: “Nhiều thanh niên trong các thôn bản đã lợi dụng phong tục tốt đẹp này để “vô tư” bắt vợ, cưỡng ép những cô gái mà họ thích. Trong khi đó những người “bị bắt” thường không có tình yêu với kẻ “bắt cóc” mình nên xảy ra bi kịch, đặc biệt có người đã tìm đến cái chết để được giải thoát”.
Tảo hôn, cưỡng hôn không chỉ đẩy nhiều cô gái ở các vùng miền núi tìm đến cái chết mà còn gây ra đói nghèo, thất học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh sản cũng như nhiều lệ lụy khác. Mặc dù không được chính quyền địa phương cho phép nhưng Và Nỏ Công và Xồng Y Bâu (ở bản Huồi Lê, xã Huồi Tụ) vẫn về ở với nhau như vợ chồng khi mới 15 - 16 tuổi. Bỏ học giữa chừng, vợ chồng mũi dãi chẳng biết làm gì để ăn, đành phải “cầu cứu” cha mẹ, anh em. Năm ngoái, nhờ ưu tiên của Nhà nước dành cho hộ nghèo nên “vợ chồng” mới có căn nhà để ở. Nhưng mãi đến giờ đã có hai mặt con, cả hai vẫn chưa đăng ký kết hôn, đồng nghĩa với việc con cái không có giấy khai sinh.


Tảo hôn đẩy nhiều em nữ các dân tộc thiểu số vào bi kịch, thiệt thòi

Tảo hôn không chỉ rơi vào những gia đình nghèo khó, trình độ thấp mà còn có hộ khá giả, làm cán bộ văn hóa. Hôm chúng tôi lên một xã sát biên giới, vẫn còn xôn xao chuyện cô bé Lỳ Y B. (13 tuổi, đang học lớp 8) con anh Lỳ Nỏ C., cán bộ văn hóa xã và vợ là bí thư chi bộ bản, “phải lòng” một chàng trai lớp trên. Mặc dù hai gia đình ngăn cản nhưng cô cậu đã “thề non hẹn biển” nên nhất quyết không chịu rời nhau. Tâm sự với chúng tôi, anh C. vò đầu, bứt tai: “Bố mẹ đã hết sức khuyên can, anh em dòng họ cũng thế nhưng vẫn không ăn thua. Mình nạt nộ, làm găng thì sợ chúng nó ăn lá ngón tự tử nên đành thôi. Làm văn hóa xã mà giờ chuyện tảo hôn lại xảy ra ở ngay gia đình mình nên cũng đau lòng lắm”.
Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng “nhí” không thể lo được cho cuộc sống của mình vì tuổi đời còn quá trẻ. Có cặp bố mẹ cho ra ở riêng sống được vài tháng thì đường ai nấy đi vì chẳng có gì... để ăn! Theo chị Vi Thị Sen, cán bộ tư pháp xã Huồi Tụ cứ 10 cặp về ở với nhau thì có 6 cặp không thành, điều này gây khó khăn cho gia đình và chính quyền địa phương. Chúng tôi đã tích cực vận động, tuyên truyền nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Cô giáo Lỳ Y Mãi mới về dạy học ở trường THCS Dân tộc Bán trú Huồi Tụ mới 3 năm nhưng chứng kiến không biết bao nhiêu học sinh bỏ học giữa chừng về nhà lấy... vợ, chồng! “Cũng có trường hợp gia đình nhà chồng tốt, thông cảm cho thì sau khi lấy về các em vẫn đến trường học bình thường, tuy nhiên số đó là rất ít. Lấy chồng sớm không chỉ khiến cho nhiều em nữ bị thiệt thòi về học tập mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý” – cô Mãi cho hay.
Giữa những cánh rừng xa thẳm, núi non trùng điệp, nơi còn nhiều khó khăn, hạn chế về văn hóa, kinh tế vấn nạn tảo hôn đã và đang gây ra nhiều bi kịch, hệ lụy cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự chung tay, góp sức của các cấp ban ngành, cộng đồng xã hội là hết sức cần thiết nhằm từng bước xóa bỏ quan niệm lạc hậu, vấn nạn ăn sâu vào tiềm thức lâu đời của người dân miền núi.

HMO theo Congan.com.vn
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top