Dự án Trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng, sản xuất chế biến gừng và chuối ở miền tây Nghệ An dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 5-2015. Dự án góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực biên giới Nghệ An...
Bà con dân tộc Mông, xã Nậm Còn, huyện Kỳ Sơn thu hoạch gừng.
Sau quá trình khảo sát, Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã xây dựng Dự án Trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng, sản xuất chế biến gừng và chuối. Mục tiêu của Dự án là xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp và thảo dược ứng dụng công nghệ mới, quy trình canh tác hữu cơ và phương pháp bảo quản hiện đại trong việc trồng, chế biến và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Bước đầu, dự án được triển khai tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 110 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 76 ha.
Huyện Tương Dương là một trong những huyện nghèo trong cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 59%. Ðây là vùng miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, giáp biên giới nước bạn Lào, có nguồn tài nguyên đất phong phú. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn so với diện tích toàn huyện nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 11,42%. Tuy nhiên, với thế mạnh là vùng núi cao, có khí hậu cận nhiệt đới kèm theo lượng mưa phong phú là điều kiện thích hợp với nhiều loại cây gia vị (cây gừng), cây ăn quả (chuối) và nhiều loại thảo dược quý như lam kim tuyến, chè hoa vàng... Mặc dù vậy, với việc trồng rải rác ở một số hộ gia đình, phương pháp canh tác lạc hậu không thể giúp người dân nơi đây tạo ra những sản phẩm có năng suất cao và có khả năng thương mại hóa. Bên cạnh đó, hiện trạng các loại thảo dược bị khai thác cạn kiệt mà không có biện pháp và dấu hiệu phục hồi, làm hạn chế rất nhiều khả năng tạo ra các giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp, ngay cả khi dược thảo đang là lợi thế phát triển của vùng... Việc có những tác động kỹ thuật phù hợp như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tuyển chọn, sản xuất giống, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ kết hợp xen canh cây gừng, chuối, lan kim tuyến, chè hoa vàng và thực hiện công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch là những hoạt động cấp thiết để tận dụng những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt hơn để phát triển thành hàng hóa đặc sản của địa phương. Ðồng thời thông qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho việc bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biên giới Nghệ An.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An Trương Văn Hiền cho biết: Dự án sẽ đi vào hoạt động chính thức vào tháng 5-2015, trên diện tích hơn 76 ha tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Dự án bao gồm các hạng mục: Thành lập hệ thống thí nghiệm để nghiên cứu, sản xuất giống cây gừng, chuối, lan kim tuyến, chè hoa vàng nói riêng và các giống cây dược liệu có giá trị y học và kinh tế cao nói chung bằng phương pháp nuôi cấy mô; Xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu thô, đáp ứng tiêu chuẩn cung cấp cho các đơn vị bào chế dược liệu và phục vụ xuất khẩu; Mở rộng quy mô vùng nguyên liệu, nghiên cứu trồng và sản xuất các giống cây nông nghiệp, cây thảo dược quý khác, cung cấp cho thị trường. Cụ thể, các sản phẩm từ hoạt động cấy mô: giống chuối, gừng, hoa, dược liệu...; sản phẩm từ trồng lan kim tuyến tươi, sấy khô; chè hoa vàng tươi, sấy khô; chuối trái tươi và sấy khô; sản phẩm từ gừng: củ gừng tươi, sản phẩm chế biến từ gừng. Công suất, sản lượng và quy mô dự kiến là: 3,5 triệu cây giống/năm, 27,6 tấn thảo dược/năm; trong đó trồng 8 ha lan kim tuyến với sản lượng đạt 24 tấn/năm, 12 ha chè hoa vàng 3,6 tấn/năm, năm ha gừng tươi 35 tấn/năm, 30 ha chuối với 2.100 tấn/năm. Theo kế hoạch sản xuất, giai đoạn 1 đạt 80%, giai đoạn 2 đạt 90% và giai đoạn 3 đạt 100% công suất thiết kế và từ năm thứ tư trở đi, công suất hằng năm tăng thêm 2% so với năm trước.
Ðối với thị trường cũng được nghiên cứu cụ thể, đó là thị trường chính của sản phẩm này, trước hết dùng cho các hoạt động cung cấp giống để trồng gừng, lan kim tuyến, chè hoa vàng và nghiên cứu một số giống khác để cung cấp cho thị trường. Ðối với gừng, chuối có nhu cầu tiêu thụ cao, sau quá trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch theo quy trình nghiêm ngặt, sản phẩm sấy, chế biến sẽ được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, còn các sản phẩm tươi (có áp dụng phương pháp bảo quản mới) trước tiên cung cấp cho thị trường Nghệ An, sau đó mở rộng thị trường ra các vùng lân cận và hướng đến xuất khẩu. Ðối với sản phẩm lan kim tuyến và chè hoa vàng, thị trường chính được hướng đến các công ty dược liệu trong và ngoài tỉnh có nhu cầu vì dược tính của hai loại sản phẩm này có khả năng điều trị được rất nhiều loại bệnh. Hiện sản phẩm này đã có Công ty cổ phần Dược phẩm ACG (Tập đoàn Á Châu) muốn hợp tác sản xuất và một số đơn vị khác cũng đồng ý bao tiêu sản phẩm nếu sản phẩm tạo được tạo ra đúng tiêu chuẩn, chất lượng như cam kết.
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Trịnh Minh Châu cho biết: Toàn xã Lưu Kiền có khoảng hai nghìn người, chủ yếu là bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, sống bằng nghề trồng trọt và khai thác thảo dược, cây lâm nghiệp nên thu nhập thấp. Dân cư sống thành từng cụm. Thời gian nhàn rỗi của người dân lớn, đời sống còn nghèo, nên khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập và mức sống cho nhân dân...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Hồ Ngọc Sỹ, tại các huyện miền núi cao Nghệ An, hai sản phẩm gừng và chuối được trồng khá nhiều, sinh trưởng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao. Ðặc biệt, ở huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, gừng là cây trồng bản địa có năng suất cao và nhiều giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên do thiếu doanh nghiệp bao tiêu nên đầu ra của bà con nhiều năm không ổn định. Việc Tổng công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An quyết định đầu tư Dự án trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây dược liệu, giống cây trồng, sản xuất chế biến gừng và chuối, vừa mở ra cơ hội kinh doanh mới cho đơn vị, vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các huyện miền núi nghèo.
Theo Nhân Dân