• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Mỹ Lý chưa hẳn bình yên

HMO

Administrator
Staff member
Những năm gần đây, bộ mặt xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn đang có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui đang hiện hữu là những nỗi lo đang lớn dần trong từng nếp nhà của bà con dân bản.


Thấy thì mừng!
Xã biên giới Mỹ Lỹ nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn khoảng 65km, nếu như khoảng 4 năm về trước, muốn vào trung tâm xã Mỹ Lý phải lựa chọn một trong hai con đường thủy hoặc bộ. Nếu đi theo đường thủy, sẽ xuống ngã ba Cửa Rào, huyện Tương Dương thuê thuyền ngược dòng Nậm Nơn, sau khoảng 4 tiếng đồng hồ sẽ đến được trung tâm xã biên giới Mỹ Lý. Mỗi chuyến đi thuyền, khách hàng phải trả khoảng 1 triệu đồng.

Cách khác là lên thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn dùng xe máy chạy khoảng 3 tiếng đồng hồ vượt đường rừng núi. Nhưng vào những hôm trời mưa, đường trơn, đèo dốc hiểm trở thì chỉ có những tay xe ôm "chuyên nghiệp" của miền sơn cước mới dám đi, còn khách hàng phải trả cái giá lên đến nửa triệu đồng.


Xe chất lượng cao chở khách từ trung tâm thị trấn Mường Xén vào xã Mỹ Lý hằng ngày.

Thế mà giờ đây, xã biên giới Mỹ Lý đang đón nhận 2 chuyến xe khách chất lượng cao vào và ra trung tâm huyện trong ngày. Khách hàng chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút cho chặng hành trình với số tiền vé 100 nghìn đồng cho mỗi lượt đi. Chính nhờ giao thông thuận lợi, bộ mặt của những bản làng gần trung tâm xã Mỹ Lý đang thay da đổi thịt hằng ngày. Nhiều ngôi nhà khang trang của người dân được dựng lên, các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn như trạm y tế xã, các trường học đang xây dựng kiên cố, người dân vùng biên được hưởng thụ đời sống vật chất, tinh thần khá đầy đủ.

Cùng với cơ sở hạ tầng, hai bên con đường dẫn vào trung tâm xã, hệ thống quán sá với đầy đủ mọi loại mặt hàng, dịch vụ mọc lên san sát. Bên cạnh những mặt hàng phục vụ dân sinh, Mỹ Lý đã có những quán chuyên dịch vụ như cà phê, karaoke... Cũng nhờ giao thông thuận lợi, nhân dân, cán bộ đang công tác trên địa bàn có thể vào, ra trung tâm huyện học tập, giao lưu dễ dàng. Người dân trong xã có điều kiện thuận lợi để trao đổi, buôn bán hàng hóa với các vùng lân cận.

Hiện nay, các mặt hàng nông sản do bà con sản xuất, được các tiểu thương vào tận nơi thu mua. Đây là cơ hội cho Mỹ Lý phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây nông sản có giá trị kinh tế cao để cung cấp cho các thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỹ Lỹ vốn được thiên nhiên ưu đãi, có tiềm năng về cá sông, đặc biệt là loại cá mát có giá trị kinh tế cao. Vài năm trở lại đây, nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ dâng lên, nguồn thủy sản trên sông Nậm Nơn lại dồi dào hơn. Đây được xem là nguồn lợi lớn để người dân địa phương khai thác, đánh bắt, nâng cao thu nhập.

Nghĩ mà lo...
Những điều trông thấy cho ta cảm nhận về một xã biên giới Mỹ Lý vốn xa xôi hẻo lánh trước đây, giờ đang hết sức sôi động, vui tươi. Thế nhưng, nếu hiểu về Mỹ Lý, đặc biệt, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường thì lại thấy lo cho vùng đất biên viễn này.

Mỹ Lý là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh với đặc điểm dân cư phân bố không đồng đều. Trong đó có một số bản làng cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại hiểm trở khó khăn. Đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy và khai thác lâm sản, thủy sản, cuộc sống nhìn chung còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã biên giới vẫn còn cao, trong lúc đó, mặt bằng dân trí lại thấp.

Hiện nay, Mỹ Lý chưa được hòa mạng điện lưới quốc gia. Nguồn điện sinh hoạt chủ yếu được một số hộ dân trong xã lấy từ tua pin nhỏ lắp đặt ở các sông suối, không ổn định. Phần lớn các gia đình trong xã vẫn phải chịu cảnh leo lắt đèn dầu vào ban đêm. Nguồn điện phục vụ cho sản xuất như máy xát lúa, đều phải sử dụng đến máy nổ.

Nhìn chung, người dân xã Mỹ Lý vẫn còn nặng tính chất sản xuất tự cung, tự cấp, chưa có các nông sản mang tính chất hàng hóa để phát triển kinh tế lâu dài. Chính vì thế, Mỹ Lý đang gặp rất nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Với vị trí giao thương thuận lợi, Mỹ Lý đang chịu không ít sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Quán hàng mọc lên dày đặc, trong đó có khá nhiều quán dịch vụ karaoke hình thành một cách tự phát, ảnh hưởng đến dân sinh, việc giảng dạy, học tập của thầy và trò. Theo phản ánh của giáo viên trường Mầm non Mỹ Lý 1 thì quán karaoke ngay trước cổng trường nhiều hôm khách hát cả ngày đêm, kể cả thời gian buổi trưa là giờ các cháu nghỉ tại trường.

Thanh niên ở Mỹ Lý phần đông không chịu bám nương rẫy mà chọn cách rời địa phương đi làm ăn xa. Một thời gian sau, họ lại trở về địa phương đem theo lối ăn chơi đua đòi, vì thế, bao nhiêu của cải làm ra, họ "nướng" vào các quán rượu, karaoke... vốn đắt đỏ hơn nhiều so với dưới xuôi. Đặc biệt, Mỹ Lý đang phải đối đầu với vấn nạn ma túy. Đây là một trong những địa phương có tỉ lệ người nghiện ma túy cao nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn. Trong đó, tỉ lệ người nghiện đang có diễn biến trẻ hóa theo thời gian và đã xác nhận có ca nhiễm HIV trên địa bàn.

Một điều đáng lo ngại nữa là nhiều nét văn hóa vốn là bản sắc của người bản địa đang bị làm cho méo mó, biến mất. Nhiều chàng trai, cô gái quên tiếng mẹ đẻ, họ không còn nhớ động tác nhảy sạp, không biết cách dệt vải để làm nên bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình...

Nếu chỉ nhìn thoáng qua những bản làng ở trung tâm xã sẽ cho thấy Mỹ Lý đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thế nhưng, để công tác xóa đói giảm nghèo ở đây bền vững cùng thời gian, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân thì Mỹ Lý đang còn nhiều lắm những nỗi lo.

Theo Báo Biên Phòng
 

Ads HMO

Ads HMO

Top