• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Mức trúng tuyển cao kỷ lục, 29 điểm vẫn lo trượt đại học

HMO

Administrator
Staff member
Nhiều trường đại học có điểm chuẩn cao từ 27 đến hơn 30, thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn chưa chắc đỗ đại học.

Ngày 31/7, các trường đại học trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn. Dù có thể dự đoán, nhiều thí sinh và gia đình vẫn bất ngờ vì điểm trúng tuyển của các trường đại học, đặc biệt trường top đầu, quá cao.

Điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay
Đứng đầu trong khối ngành có điểm chuẩn cao kỷ lục là trường công an khi điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm. Trong khi đó, năm ngoái điểm chuẩn cao nhất là 29,75 điểm.

Các ngành lấy điểm chuẩn 30,5 là: Thí sinh nữ xét tuyển vào Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân dân theo tổ hợp DO1 (Toán, Văn, Tiếng Anh); thí sinh nữ phía Bắc thi tổ hợp A00 vào ĐH Phòng cháy Chữa cháy.

Vì nhiều thí sinh điểm cao nên ở một số ngành đào tạo, cùng một mức điểm chuẩn, chỉ những em đạt tiêu chí phụ (không tính điểm làm tròn) mới được xét trúng tuyển.


Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.
Xếp thứ hai trong khối trường có điểm chuẩn cao là trường quân đội, với mức lên tới 30 điểm. Trong khi đó, mức điểm chuẩn cao nhất năm 2016 là 28,25 điểm.

Các ngành có điểm chuẩn lên tới 30 là: Thí sinh nữ miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự (tăng 1,75 điểm so với năm ngoái); thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp B00) đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y (tăng 4 điểm so với năm ngoái).

Khối trường Y - Dược xếp thứ ba về điểm chuẩn cao chót vót. Năm nay, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất vào trường là 29,25 với ngành Y đa khoa (tăng 3,25 điểm so với năm 2016). Đây là điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay.

Đồng thời, để tuyển thí sinh, trường công bố 4 tiêu chí phụ ưu tiên lần lượt là: Điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.

Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM có điểm chuẩn cao nhất vào ngành Y đa khoa là 28,25 điểm (tăng 2,75 điểm) so với 2016.

Xếp thứ tư trong nhóm trường có điểm chuẩn cao là khối ngành kinh tế. ĐH Ngoại thương đã công bố điểm chuẩn đại học 2017 cho cả 3 cơ sở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM. Điểm trúng tuyển cao nhất tại cơ sở Hà Nội là 28,25 (ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Luật, khối A00), tăng 2,25 điểm so với năm ngoái.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết điểm chuẩn cao nhất vào trường là 27. Năm 2016, trường có điểm trúng tuyển theo quy định của nhóm GX.

Đặc biệt, nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn năm nay cũng có điểm chuẩn cao bất ngờ. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn cao nhất là ngành Đông phương với 28,5 điểm. Tiếp đến là ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành lấy 27,75 điểm.

Băn khoăn cộng điểm và chính sách ưu tiên
Hoàng Đình Quang - thủ khoa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương 2016 - cho rằng việc “mưa điểm 10” và điểm chuẩn của các trường tăng kỷ lục là kết quả của đề thi dễ hơn, hình thức thi thay đổi khi chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, chương trình thi chỉ gói gọn trong kiến thức lớp 12. Điều này không đánh giá được việc thí sinh năm nay học giỏi hơn năm trước.

Người từng nhiều năm luyện thi cho học sinh này nhận xét việc làm tròn điểm cũng gây tranh cãi, bởi chỉ cần chênh nhau 0,2, thậm chí là 0,1 cũng quyết định đỗ hay trượt.

Quang phân tích: Ví dụ nếu được 29,4 sẽ làm tròn lên 29,5 và chắc chắn đỗ Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội. Nhưng nếu chỉ được 29,2; 29,15 sẽ làm tròn thành 29,25 điểm.

Trường hợp khác, một thí sinh đạt 29,2 điểm sẽ làm tròn lên 29,25 và có khả năng đỗ. Tuy nhiên, một học sinh đạt 29,1 điểm, khi làm tròn xuống 29 điểm, chắc chắn trượt. Vậy, chỉ chênh nhau 0,1 điểm cũng quyết định đỗ trượt.

Theo Hoàng Đình Quang, với mức điểm thi năm nay, không nên có quy định làm tròn cả tổng điểm. Điều này sẽ giảm sự mất bình đẳng cho thí sinh, trường cũng không phải sử dụng quá nhiều tiêu chí phụ của một trường.

“Nhiều thí sinh đạt điểm chuẩn nhưng khi nhìn vào tiêu chí phụ, điểm ưu tiên cũng không chắc mình có đỗ đại học hay không. Các em phải thấp thỏm chờ đến khi trường công bố danh sách trúng tuyển mới biết rõ kết quả”, Hoàng Đình Quang nói.

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên dạy online - băn khoăn trong chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh.

Thầy Ngọc ủng hộ việc duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên, nhưng nếu có nhiều trường lấy điểm chuẩn ở mức trên 27 thì mức cộng điểm ưu tiên trong công thức tính cũ cần giảm một nửa, nếu không sẽ “bóp nghẹt” các cơ hội học tập trong các trường đỉnh cao ở thành phố.

“Với 29,25 điểm (cộng thêm tiêu chí phụ), số học sinh ở Hà Nội được học Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30. Nghĩa là, nếu em đó ở thành phố và là thủ khoa đạt điểm tuyệt đối thì vẫn… trượt”.

Thủ khoa 30 điểm cũng chưa chắc đỗ trường 'đỉnh'
"Em thấy rất bức xúc cho chính bản thân mình và cũng như các bạn cùng hoàn cảnh, cụ thể là thí sinh thuộc diện khu vực 3 không có điểm cộng ưu tiên", bạn N.P.H. mở đầu thư gửi về Zing.vn.

Nam sinh này cho rằng đề thi năm nay thực sự dễ hơn năm ngoái nhiều, trong khi điểm cộng ưu tiên vẫn giữ nguyên mức KV1 + 1,5; KV2 +1; KV2NT + 0,5 "thì có gì đó hơi thiếu công bằng".

"Đề chỉ có 2, 3 câu thực sự khó, mà từng ấy điểm cộng thì chẳng phải các bạn đã ăn chắc mấy câu khó rồi, không bù cho những thí sinh như em và KV3 nói chung, học đi học lại, làm các dạng bài khó tốn biết bao công sức và thời gian", H. nêu ý kiến.

Cũng theo thí sinh này, trường quân đội (nữ) có ngành lấy 30,25 điểm, công an có ngành 30,5 điểm, như vậy thủ khoa 30 điểm nhưng ở KV3 thì vẫn trượt đại học.

Theo Quyên Quyên (Zing)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top