• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghi Lộc Loại giấy truyền thống “trăm năm không mục nát”

HMO

Administrator
Staff member
Trải qua hàng trăm năm, giấy dó Phong Phú vẫn được người sử dụng mua về phục vụ thị trường làm quạt giấy, quấn hương trầm, dán bụng cá biển, làm vàng mã. Nhiều gia đình làm nghề nướng cá đã thử sử dụng loại giấy khác để dán bụng cá, nhưng đều quay trở lại sử dụng giấy dó truyền thống nhờ những đặc tính dai, mỏng.


Mỗi ngày gia đình ông Trị làm được từ 100 đến 150 tờ giấy dó
Từ vỏ thân cây niệt mọc dại ở các vùng cao đã được những người dân cần cù chặt về làm nên tờ giấy dó mỏng manh nhưng trong và dai. Đây là nghề từng cứu đói, cứu bần cho bà con lúc giáp hạt. Hiện nay, dù có nhiều sự lựa chọn tốt hơn, nhưng hàng chục hộ ở làng Phong Phú vẫn theo nghề thủ công này.

Khuôn seo làm của hồi môn
Trưa nắng như đổ lửa, bà Dương Thị Loan (51 tuổi, ngụ xóm Phong Phú, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đang thoăn thoắt phơi giấy dó trên bãi đất trống trước nhà. Vừa làm, bà cho biết: “Lúc tôi lập gia đình được bố mẹ cho 5 khuôn seo làm của hồi môn. Từ những khuôn ấy, hai vợ chồng tôi tiếp tục nối nghiệp ông bà, tổ tiên. Đến nay cũng hơn 33 năm theo nghiệp này. Vất vả nhưng chủ động thời gian, tận dụng được nhân công nên gia đình tôi vẫn sống tốt với nghề”.

Đây là nghề làm được quanh năm, chỉ trừ những hôm trời mưa. Mỗi ngày vợ chồng bà túc tắc làm cũng đổ được khoảng 100 tờ giấy dó. Giá bán trung bình hiện nay khoảng 4000 đồng/tờ, sau khi trừ chi phí cũng kiếm được khoản tiền kha khá. Vì là nghề vất vả, tất cả làm bằng phương pháp thủ công, phải thức đêm dậy hôm, tốn nhiều thời gian nên hầu như chỉ có người trung niên và cao tuổi theo. Thanh niên trai tráng trong làng chỉ phụ giúp lúc rảnh rỗi chứ không làm chính.


Ông Hà đang cạo bỏ lớp đen bên ngoài vỏ cây niệt
Nhìn tờ giấy dó trong và dai, nhiều người không hình dung nó được làm nên từ vỏ của loại cây mọc hoang dại ngoài đồng, đồi cao. Đó là cây niệt và cây dó. Nhiều năm trước, người làm nghề phải lên rừng thuộc các huyện miền núi như Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳnh Lưu… của Nghệ An, hay sang một số huyện của tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh tìm cây niệt đem về làm nguyên liệu sản xuất.

Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ một đến vài ngày. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã đặt mối hàng để cắt giảm quá trình di chuyển. Số còn lại vẫn tranh thủ thời gian nông nhàn tự đi tìm, chặt cây.

Cây niệt sau khi đưa về sẽ được tuốt sạch lá, chỉ tước lấy phần vỏ cây, cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài. Phần vỏ này tiếp tục tước mỏng, sau đó được nhồi với nước vôi. Người làm sẽ chia thành các cục vừa tay, vắt kiệt nước vôi trước khi bỏ vào nồi nấu. “Phải luộc liên tục trong 2 ngày 2 đêm để vỏ cây vốn dai trở nên mềm hơn. Vào những hôm nóng bức, để luộc được một nồi niệt cũng bở hơi tai”, bà Loan cho hay.


Nồi niệt được nấu 2 đêm 2 ngày để vỏ cây mềm ra
Sau quá trình nấu lâu dài, vỏ cây trở nên mềm bở. Người thợ đưa ra hồ ngâm rửa sạch nước vôi, tiếp tục đem ra đâm, giã thật mịn. Nguyên liệu được đặt trên một tấm đá dày, bằng phẳng, dùng chày gỗ để đập kỹ thành một thứ bột ướt màu nâu. Tiếng đập trở thành nét riêng của ngôi làng này. Cứ tờ mờ sáng, lại vang lên âm thanh đó báo hiệu ngày làm việc mới.

Sau khi cho vào cối giã nhuyễn, nguyên liệu được đem đãi lấy nước trong, cho vào bể seo tráng lên khuôn vải màn (gọi là seo giấy). Ông Nguyễn Văn Hà (57 tuổi, chồng bà Loan) bật mí, để việc đổ nước cây niệt lên không bị trôi đi, người dân nơi đây có thêm bí quyết là lấy nước cây bìm bìm đem hoà với nước niệt đã tẩy trắng thành hợp chất sền sệt.

Công đoạn cuối cùng là múc nước này tráng lên khuôn màn 1m2. Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng nhưng phải khéo léo, kiên trì nên người phụ nữ thường đảm nhiệm công việc này.

Họ đứng bên tàu seo, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre cho nước chảy xuống hết, khi nào chỉ còn bột giấy đọng lại trên khuôn thì mới đưa ra phơi nắng. Giấy dày hay mỏng là phụ thuộc vào “ngữ đỉnh” ở khuôn seo. Khi khuôn seo khô, bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai, đó chính là sản phẩm giấy dó.

Trăm năm không mục nát
Những người có thâm niên trong nghề cho hay, trong nhiều công đoạn, khó nhất chính là khâu đun lửa - phải giữ lửa ở nhiệt độ cao khi luộc vỏ cây niệt trong nước vôi đặc. Sản phẩm giấy dó có thể để đến trăm năm cũng không bị mục nát nhờ sợi dó có khả năng hút và nhả ẩm tốt.


Nồi niệt được nấu 2 đêm 2 ngày để vỏ cây mềm ra
“Tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công nên đòi hỏi sự cần mẫn chịu khó của người làm. Đã từng có người thử bỏ vỏ cây niệt vào trong máy để nghiền thay cho công đoạn đập bằng đá hoặc gỗ, nhưng kết quả không như mong muốn. Tờ giấy khi thành phẩm bị bở, nát không thể sử dụng được”, ông Hà cho biết. Cũng vì lý do đó mà trải qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây vẫn chỉ sử dụng phương thức thủ công để làm nghề.

Tiếng là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng gia đình ông Phạm Văn Trị (50 tuổi) chưa bao giờ xem nhẹ nghề này, bởi nhờ đó mà nhà ông vẫn đảm bảo lương thực trong những ngày giáp hạt. Đất Nghi Phong cát trắng bạc màu, nhà làm 10 sào ruộng, gồm lúa và màu, nhưng năng suất thu hoạch kém, làm nông nghiệp chẳng ăn thua.

Ông Trị luôn chịu khó làm thêm nghề phụ để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Một ngày của ông thường bắt đầu từ lúc 4h sáng, chuẩn bị nguyên liệu cho việc tráng hàng trăm khuôn giấy dó đem phơi cẩn thận, rồi mới đi làm đồng… Trưa về, ông cùng vợ con tranh thủ bóc tờ giấy dó xuống khỏi khuôn trước khi tiếp tục đổ lớp khác.


Bà Loan đang rửa khuôn để chuẩn bị cho việc tráng lên khuôn
Nghề này không làm giàu được, nhưng cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Với gần 50 khuôn, mỗi ngày gia đình ông Trị đổ được từ 2-3 lần, có 100-150 tờ giấy dó. Trừ chi phí, vợ chồng ông cũng có khoản tiền kha khá sinh hoạt và lo hai đứa con ăn học đàng hoàng. Không những thế, nhiều hộ còn nhờ vỏ cây niệt để phát triển kinh tế, đưa con cái vào đại học, phương trưởng.

Trải qua hàng trăm năm, giấy dó Phong Phú vẫn được người sử dụng mua về phục vụ thị trường làm quạt giấy, quấn hương trầm, dán bụng cá biển, làm vàng mã. Nhiều gia đình làm nghề nướng cá đã thử sử dụng loại giấy khác để dán bụng cá, nhưng đều quay trở lại sử dụng giấy dó truyền thống nhờ những đặc tính dai, mỏng.

Thời trước, sản phẩm giấy dó được người làm tự đi tìm mối tiêu thụ. Nhưng nhiều năm trở lại đây đều được các thương lái đến tận nhà thu mua. Tùy vào mục đích sử dụng của khách hàng mà người làm điều tiết để tạo ra tờ giấy dó mỏng hay dày tùy loại.


Cận cảnh tờ giấy dó thành phẩm
Năm 2007, làng nghề giấy dó Phong Phú, xã Nghi Phong được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Thời điểm đó có trên 60% hộ dân trong làng theo nghề thủ công trên. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại hoá, hiện nay các loại giấy công nghiệp ra đời nên thị trường giấy dó cũng khó cạnh tranh. Hiện nay, một số hộ đã chuyển đổi sang nghề khác nhưng vẫn còn nhiều gia đình ngày ngày tráng giấy dó để bán.

Ông Nguyễn Đình Lý, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết, hiện nay trong xã có khoảng 30 hộ làm nghề giấy dó. Thời điểm hiện tại, dù nghề đã giảm sức nóng, nhưng không thể phủ nhận đây là nghề tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Hằng năm, chính quyền luôn trực tiếp xuống thăm hỏi, động viên bà con gìn giữ nghề truyền thống của làng quê.

Theo Long Trần (báo Pháp Luật Việt Nam)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top