• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Linh thiêng Nam Đàn quê Bác

HMO

Administrator
Staff member
Theo “Từ điển Nhân vật xứ Nghệ” (PGS TS Ninh Viết Giao – NXB Tổng hợp Tp HCM 2008), huyện Nam Đàn đứng đầu danh sách với 76 nhân vật được tôn vinh trong “Từ điển” này.

Vùng đất “địa linh – nhân kiệt”
Cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng; khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Phùng Hưng và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một trong những cuộc khởi nghĩa vào loại lớn nhất thời Bắc thuộc.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Hơn 150 năm trước, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã ngợi ca Nam Đàn là ”Trùng lai danh thắng địa” (đất có nhiều danh thắng). Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu cũng từng tự hào về vùng đất Nam Đàn – quê cha đất tổ của mình là “Cổ lai đa hào kiệt” (nhiều người hào kiệt từ xưa).
Trở lại trang sử vàng chói lọi của Nam Đàn lúc vua Mai dựng cờ khởi nghĩa vào năm 713. Mai Hắc Đế - thuở nhỏ tên là Mai Thúc Loan, sinh ra trong một gia đình nghèo khổ ở Nam Thái, Nam Đàn, 10 tuổi cậu bé đã mồ côi cả cha mẹ.

Điều đầu tiên hết sức khâm phục là cả vua Mai và 3 người con: Mai Thị Cầu, Mai Bảo Sơn, Mai Kỳ Sơn đều ra trận. Hoàng tử cả Mai Bảo Sơn hy sinh ở thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) năm 722, trong cuộc chiến chống quân Đường tái xâm lăng do Dương Tư Húc cầm đầu.

Sau khi Mai Bảo Sơn ngã xuống được 4 năm, cả hai chị em Mai Thị Cầu, Mai Kỳ Sơn đều đã hi sinh thân mình để cứu mạng sống hàng ngàn người dân ở Hải Phòng bị giặc Đường bắt làm con tin.

Người vợ sau của Mai Hắc Đế là bà Phạm Thị Uyển. Trong cuộc chiến không cân sức với quân Đường ở sông Tô Lịch (nay thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) năm 722, bà Uyển đã tuẫn tiết.

Cũng năm này, khi kẻ thù tràn đến kinh đô Vạn An, chẳng may vua Mai lâm bệnh nặng qua đời. Con út của vua là Mai Thúc Huy (tức Mai Thiếu Đế) tuy tuổi còn nhỏ, vẫn tiếp tục cầm quân chống giặc.

Được vài tháng, thế lực suy yếu, Mai Thiếu Đế cùng 300 quân cảm tử chiến đấu đến hơi thở cuối cùng ở kinh đô Vạn An vào khoảng tháng 9-10 năm 722.

Trong lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, Mai Hắc Đế là nhà quân sự thiên tài và là nhà ngoại giao lỗi lạc. Vua Mai đã liên kết với hàng vạn quân sĩ của hai nước láng giềng là Lâm Ấp và Chân Lạp, cùng tham gia cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (nay thuộc hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh), chống lại đế chế nhà Đường thời bấy giờ đang lúc cực thịnh.

Hơn 200 năm trước, tại Nam Đàn, đã truyền tụng sấm ký nổi tiếng của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Đụn Sơn phân giải / Bò Đái thất thanh / Thủy đáo Lam Thành / Nam Đàn sinh Thánh” (tạm dịch: khi nào núi Đụn nứt đôi, khe Bò Đái mất âm thanh, sông Lam đổi dòng chảy sát núi Lam Thành, lúc đó Nam Đàn sẽ sinh Thánh).

Đúng như tiên đoán của Trạng Trình, vào cuối thế kỷ 19, ở Nam Đàn đã xảy ra những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ nói trên! Mới đầu, nhiều người cho rằng, vị “Thánh” đó là cụ Phan Bội Châu. Nhưng chính cụ Phan lại không công nhận tiên đoán đó, mà cho rằng: “Thánh nhân” của Nam Đàn chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Hồn thiêng núi sông quê Bác
Nhà chí sĩ nổi tiếng Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở Xuân Hòa, Nam Đàn. Năm 17 tuổi, chàng trai họ Phan đã viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc”; 18 tuổi lập “Sĩ tử Cần Vương đội”, định đánh úp thành Nghệ An, hưởng ứng phong trào Cần Vương.

Năm 1904, Phan Bội Châu lập Hội Duy Tân kháng Pháp đến cùng. Sau đó ông tập hợp những người yêu nước vào tổ chức Đông du sang Nhật Bản, tìm mưu kế chống Pháp.

Cũng chính cụ Phan lập ra tổ chức “Việt Nam quang phục hội” – sau cải tổ thành “Việt Nam quốc dân Đảng”, tất cả đều vì lí tưởng giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích của bọn thực dân Pháp.

Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau này đã khẳng định cụ Phan Bội Châu là: “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người (dân số nước ta giữa thế kỉ 20-PV) trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Cụ Phan Bội Châu chính là bạn thân của cụ Vương Thúc Quý (thầy dạy của Bác Hồ thời nhỏ) và bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ.

Nam Đàn là nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Trên núi Đại Huệ ở phía Bắc Nam Đàn, nay vẫn lưu di tích thành nhà Hồ (Hồ Quý Ly) chống quân Minh xâm lược đầu thế kỷ 14. Khi nhà Hồ thất bại, dòng dõi vua Trần là Trần Ngỗi và Trần Trùng Quang, đã dựa vào thế sông núi hiểm trở của Nam Đàn, tiếp tục chống giặc Minh. Di tích hành cung Nam Hoa của hai vị lãnh tụ khởi nghĩa này, nay vẫn còn ở Nam Kim, Nam Đàn.

Cũng không ai ngờ rằng đến nay, trên núi Thiên Nhẫn, giáp hai xã Nam Hoành, Nam Kim của Nam Đàn vẫn còn di tích thành Lục Niên do Lê Lợi xây dựng cuối năm 1424, khi ông đưa quân vào giải phóng Nghệ - Tĩnh. Thành Lục Niên đã được lãnh tụ Lê Lợi chọn làm đại bản doanh cho nghĩa quân Lam Sơn, làm bàn đạp giải phóng, ba tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh – Thanh Hóa. Sau đó, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến ra giải phóng thành Đông Đô (Hà Nội), dần dần quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi...

Vào thời kì nhà Lê – nhà Mạc tranh giành quyền lực, rồi nhà Trịnh - nhà Mạc đánh nhau, rồi Trịnh – Nguyễn phân chia đằng Ngoài – đằng Trong nồi da nấu thịt..., đất Nam Đàn đã được các thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật chọn làm địa bàn hoạt động trọng yếu.

Đặc biệt, trong hai lần kéo đại quân Tây Sơn ra Bắc, “phù Lê diệt Trịnh”, và tiêu diệt 20 vạn quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung đều coi Nam Đàn là địa bàn quan trọng.

Sau khi từ Bắc trở về Phú Xuân, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đã đánh tan phục binh của quân Trịnh ở Truông Băng – Truông Hến trên núi Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Tại đây nay có ngôi chùa Đại Tuệ nổi tiếng. Núi Đại Tuệ từ đó được vua Quang Trung cho đổi tên là Đại Huệ từ tháng 8/1788.

Cũng chính vua Quang Trung khi kéo quân ra Bắc, đã ba lần viết thư mời danh thần số 1 của triều Lê lúc bấy giờ là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, làm quân sư cho nghĩa quân Tây Sơn.

Cụ Nguyễn Thiếp lúc bấy giờ đang ở ẩn tại núi Thiên Nhẫn – Nam Đàn. Theo chỉ dụ của vua Quang Trung, cụ Nguyễn Thiếp đã lập Viện Sùng chính ở Nam Đàn, để giúp vua trông coi về văn hóa, giáo dục, tìm chọn người hiền tài, dịch các sách Tứ thư, Ngũ kinh ra chữ quốc âm, giúp vua Quang Trung tìm đất dự định dựng kinh đô ở thành Phượng Hoàng - Trung Đô, nay là thành phố Vinh, Nghệ An.

Hoàng đế Quang Trung từng ca ngợi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp: “Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ, lời tiên sinh hẳn có thế thật”.

Tiếp nối con đường của Bác đã đi, một trong những học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỉ 20 là Lê Hồng Sơn, sinh năm 1879 ở Xuân Liễu, Nam Đàn. Anh là thế hệ đầu tiên của tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, phụ tá đắc lực cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Năm 1933, anh bị giặc Pháp bắt và xử tử tại quê nhà.

Tiếp nối gương sáng đó là người thanh niên Nguyễn Tiềm sinh năm 1912 ở Nam Trung, Nam Đàn. Tháng 10/1930, ở tuổi 18, Nguyễn Tiềm đã được bầu làm Bí thư đầu tiên của tỉnh ủy Nghệ An, lập kỉ lục trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1932, Nguyễn Tiềm hi sinh tại nhà ngục Lao Bảo của thực dân Pháp.

Nam Đàn quê Bác từ xưa đã nổi tiếng là vùng đất khoa bảng hiếu học. Năm 1469, đời vua Lê Thánh Tông, một người con Nam Đàn là Nguyễn Thiện Chương - người đầu tiên đỗ tiến sĩ ở tuổi 18.

Từ đó cho đến hết triều Nguyễn tháng 8/1945, huyện Nam Đàn có 11 người đỗ đại khoa, 25 người đỗ chánh bảng và phó bảng (thân phụ Bác Hồ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc).

Sáng danh thời đại mới
Thời đại Hồ Chí Minh (tính từ 1945 đến nay), đất học Nam Đàn cũng sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ cách mạng nổi tiếng.

Có thể kể: cố GS Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; cố GS NGND Nguyễn Thúc Hào, hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐH Sư phạm Vinh, GS TS KH – Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Trương, Tổng biên tập đầu tiên của “Từ điển Bách khoa Việt Nam”; cố Bộ trưởng Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an) Trần Quốc Hoàn; cố GS Nguyễn Văn Hường – Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; cố Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Song Tùng; đương nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...

Thời chống Mỹ, huyện Nam Đàn đã đóng góp cho đất nước 2.545 liệt sĩ, 169 mẹ Việt Nam anh hùng, 30 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 8/23 xã – thị trấn của huyện cũng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nay ở tuổi 75, nhưng thương binh chống Mỹ, đại tá, Anh hùng Nguyễn Viết Sinh vẫn chưa bao giờ quên những tháng ngày khốc liệt ở chiến trường Trường Sơn.

Chỉ tính bốn năm 1961-1965, ông đã cuốc bộ ròng rã xuyên rừng, vượt núi, gùi hàng, dẫn quân với chặng đường hơn 41.000km với khoảng 55 tấn hàng trên lưng, tính ra ông đã vượt chặng đường tương đương xích đạo. Ông là người con của xã Xuân Hòa, Nam Đàn, quê hương của cụ Phan Bội Châu.

Cùng độ tuổi 75, bà Lê Thị Hường ở Nam Hưng, Nam Đàn, đã lập một chiến tích hiếm có. Ngày 27/6/1966 trên đất Nam Đàn, nữ thanh niên xung phong Lê Thị Hường đã dùng liềm cắt cỏ, một mình bắt sống phi công Mỹ. Tên phi công Mỹ to cao gần gấp đôi bà Hường. Khi hắn đang cầu cứu vào máy bộ đàm, thấy bà Hường xuất hiện, hắn vội rút súng ngắn, nhưng bà Hường đã nhanh hơn, nhặt đá ném rớt súng và đập vỡ máy bộ đàm của y.

Sau đó, bà Hường dùng dây rừng trói và dẫn giải tên phi công về. Khi được Bác Hồ tặng Huân chương Chiến công năm 1967, bà tâm sự rất thật: “Tui nhỏ, hắn thì to. Mệt lắm! Nhưng tui không cho phép thua nó. Có chết cũng phải bắt cho được tên phi công này”.

Đến Nam Đàn hôm nay, bạn sẽ được thưởng thức trái hồng cậy ngọt lịm, thơm phức, món thịt me (thịt bê) ở Nam Nghĩa càng ăn càng thèm. Bánh đúc chấm nước tương Nam Đàn nổi tiếng thơm ngon... Từ xưa Nam Đàn đã nổi tiếng với câu ca dao: “Sa Nam trên chợ dưới đò / Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên” (Sa Nam nay là thị trấn Nam Đàn).

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân Nam Đàn đạt khoảng 2500 USD/năm, tương đương mức trung bình của tỉnh Nghệ An.

Năm 2014, thu ngân sách của huyện hơn 90 tỉ đồng, đến nay, số hộ nghèo của tỉnh chỉ còn dưới 8%, gần 80% số trường của huyện đã đạt chuẩn quốc gia. Gần 100% thôn – xã trong huyện đã được điện lưới quốc gia phủ kín...

Nam Đàn quê Bác đang ngày càng xứng danh là vùng đất linh thiêng ngời sáng.
Theo GD & TĐ
 

Ads HMO

Ads HMO

Top