• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Tương Dương Lâm tặc lộng hành ở Tam Hợp

HMO

Administrator
Staff member
Theo phản ánh của nhân dân, vào thời điểm cuối tháng 7/2014, trên địa bàn huyện Tương Dương xảy ra vụ chặt phá rừng trái phép với mức độ cực kì nghiêm trọng, gần 160 m3 gỗ quý pơ mu đã bị đốn hạ.



Tình trạng chặt phá rừng là vấn đề nhức nhối của huyện Tương Dương suốt nhiều năm qua



Vùng nhạy cảm
Vụ việc nói trên được phát giác khi lực lượng kiểm lâm địa bàn, bộ đội biên phòng, xã Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tiến hành tuần tra khu vực rừng biên giới Việt - Lào.


Địa điểm các đối tượng lâm tặc lựa chọn là 5 chỏm đồi liền kề nhau thuộc các lô rừng: lô 3, khoảnh 6 và lô 3, khoảnh 10, tiểu khu 704; lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 700; độ cao trung bình của khu vực này so với mực nước biển là 1.500m, cách Trạm Biên phòng cửa khẩu Tam Hợp 3,6 km.


Được biết, tổng số lâm sản bị chặt phá trái phép là 156,768 m3 gỗ tròn và xẻ. Trong đó, gỗ tròn pơ mu nhóm IIA gồm 59 lóng (150,534 m3); gỗ xẻ pơ mu là 46 tấm (5,434 m3), còn lại một ít gỗ dổi tròn.


Sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm Tương Dương đã báo cáo lên UBND huyện để tìm hướng xử lý. Đến ngày 31/7/2014, UBND huyện Tương Dương ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, bao gồm các lực lượng chức năng trên địa bàn (Hạt Kiểm lâm, BQL Rừng phòng hộ (RPH) Tương Dương, UBND xã Tam Hợp, Đồn Biên phòng Tam Hợp) có nhiệm vụ phối hợp tiến hành kiểm tra làm rõ tình hình vụ khai thác lâm sản trái phép nói trên.


Trong 5 ngày (4 – 8/8/2014), đoàn đã có mặt ở hiện trường để tìm hiểu. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết: “Vùng rừng bị khai thác là rừng phòng hộ biên giới Việt – Lào thuộc địa phận xã Tam Hợp, do BQL RPH Tương Dương quản lý và bảo vệ. Các đối tượng chặt phá theo hình thức khai thác chọn nên chưa thể xác minh được diện tích cụ thể”.


Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương


Cũng theo lời ông Lâm, hiện trường nơi xảy ra vụ việc thuộc khu vực đường biên, nằm giáp ranh giữa hai nước Việt Nam và Lào. Do đó, phải xây dựng phương án phù hợp khi giải quyết vấn đề, nếu vội vàng sẽ rất nguy hiểm.


Đùn đẩy trách nhiệm!
Trao đổi với PV, ông Quang Văn Đại, Chánh Văn phòng UBND huyện Tương Dương khẳng định: “Đây là vụ việc nghiêm trọng, quan điểm của huyện là phải xác minh chính xác và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật”.


Lập trường có vẻ kiên định thế nhưng với những gì đang diễn ra, khó có thể nói các lực lượng chức năng triển khai đến nơi đến chốn. Từ khi sự việc xảy ra đến nay đã gần 1 tháng nhưng cơ bản mọi thứ vẫn đang dậm chân tại chỗ.


Theo dư luận địa phương thì vụ việc chặt phá rừng trái phép này có tổng cộng 4 nhóm người liên quan, trong số đó phần lớn là người 2 bản Phà Lỏm và Văng Môn (đều thuộc xã Tam Hợp).


Trước đây, chính quyền địa phương đã không ít lần phải đau đầu giải quyết những vấn đề liên quan đến đồng bào người dân tộc.


Những khi xảy ra tranh chấp thì các đối tượng không ngần ngại rủ rê, lôi kéo cả nhà trốn sang địa phận nước bạn Lào. Mỗi lúc như thế, cán bộ lại phải chạy đôn chạy đáo thuyết phục họ quay về, kèm theo đó là kinh phí hỗ trợ (từ 8 đến 10 triệu).


Lo ngại vụ việc lần này sẽ trượt theo “vết xe đổ” nên các lực lượng chức năng được phân nhiệm vụ không dám mạnh tay, chính điều đó khiến sự việc dần rơi vào bế tắc.


Trước đó, UBND huyện Tương Dương đã yêu cầu cơ quan công an tổ chức khám nghiệm hiện trường, giao Hạt Kiểm lâm chủ trì tham mưu đưa số lâm sản nói trên ra khỏi rừng để phục vụ công tác điều tra.



Ông Vi Cảnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp


Tuy nhiên đến giờ này tất tần tật vẫn đang án binh bất động. Ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương nói: “Khối lượng gỗ rất lớn, muốn đưa ra phải thuê thêm người, chi phí dự kiến không hề nhỏ”.


Như đã nói, chủ rừng quản lý địa bàn xảy ra vụ việc là BQL Rừng phòng hộ Tương Dương. Chúng tôi tìm gặp ông Trưởng ban Ngô Văn Trị, được biết: Cuối tháng 7 vừa qua, trong quá trình tuần tra trên tuyến đường cửa khẩu Tam Hợp thì lực lượng chức năng phát hiện lâm tặc chặt 50 gốc pơ mu, dấu chặt còn mới, lá cây chưa khô. Một số tấm gỗ xẻ trước đó đã bị phân tán, số còn lại đang giữ nguyên tại hiện trường.


Khi chúng tôi đề nghị được xem biên bản tóm tắt sự việc thì ông Trị phân bua rằng: Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã làm báo cáo trình lên chính quyền, nhưng do vội về TP Vinh họp tổng kết ngành nên không lưu lại (?!). Rồi ông “lái” trái bóng trách nhiệm: “Trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về đồn biên phòng”.


Thực tế thì khu vực đường biên giới chưa bao giờ yên ả, dù là chủ rừng nhưng mỗi khi tiến hành tuần tra thì BQL RPH phải phối hợp với nhiều đơn vị khác cùng thực hiện chứ không thể đơn thương độc mã xông vào nơi rừng thiêng nước độc luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ.


Tuy nhiên, dù có biện hộ thế nào đi chăng nữa thì với tư cách là đơn vị chủ quản, BQL RPH huyện Tương Dương vẫn phải đứng ra chịu trách nhiệm chính của vụ việc phá rừng nghiêm trọng này.


Từ QL 1A vào UBND xã Tam Hợp là 17 km, mất gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới có mặt.


Suốt buổi làm việc, ông Vi Cảnh Toàn (Chủ tịch UBND xã Tam Hợp) luôn tỏ thái độ thiếu thiện chí hợp tác. Ông nói: Đến giờ vẫn chưa thấy cấp dưới báo cáo gì cả.


Hỏi về thông tin liên quan đến các đối tượng, vị này một mực bảo lưu quan điểm: “Anh thông cảm, đoàn kiểm tra chưa báo lại nên tôi chưa nắm được”.


Thế nhưng trong báo cáo mới đây của UBND huyện Tương Dương lại chỉ ra rằng: Có ít nhất 3 đối tượng lâm tặc đã đến “diện kiến” tại văn phòng làm việc của xã, 2 trong số đó khai nhận ở cùng 1 nhóm và đã chặt hạ 27 cây pơ mu.

Theo Nông Nghiệp.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top