• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Lấy đâu 500 tỷ khắc phục sự cố công trình thủy lợi Bản Mồng?

HMO

Administrator
Staff member
Là công trình đại thủy nông lớn nhất bắc miền Trung, mang lại hiệu quả thiết thực cho miền Tây Bắc Nghệ An, do vậy hồ Bản Mồng được ưu tiên dành nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng. Tuy nhiên...

Tác giả bên cầu qua kênh tại bản Bình Ba, đất đã đổ sụp hết xuống lòng kênh
Năm 2014 hạng mục đập phụ kênh tiêu Châu Bình được giải ngân với 138,35 tỷ đồng. Năm 2016 được phân bổ tiếp 600 tỷ đồng. Tuy nhiên kênh tiêu khởi công tưng bừng, gần xong thì trôi tuột.

Ra quân hoành tráng, ai ngờ...
Thực hiện đề tài khoa học do nhóm tác giả của Hội Thủy lợi Nghệ An đề xuất, Bộ NN-PTNT đã giao Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần đập phụ, kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình. Tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng. Ngày 12/10/2014, đơn vị trúng thầu là TCty 36, Bộ Quốc phòng đã tưng bừng làm lễ khởi công tại vị trí tuyến kênh tiêu thuộc xã Châu Bình, thời gian hoàn công là 12 tháng.

Với lực lượng hùng hậu, trang thiết bị hiện đại, cùng với việc giải ngân kịp thời nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đơn vị trúng thầu đã đồng loạt rải quân thi công trên cả tuyến kênh tiêu Châu Bình với chiều dài hơn 8km.

Tuy nhiên đến tháng 4/2016 khi tuyến kênh đào đến độ sâu 10m thì xuất hiện các dòng chảy ngầm từ hai bên mái kênh đổ xuống. Theo đó đất từ hai bên sạt dần xuống lòng kênh. Đến tháng 9/2016 khi toàn bộ tuyến kênh sắp sửa hoàn thành cũng là lúc mùa mưa lũ đến. Lúc này nước ngầm hai bên bờ kênh cứ đổ ra như khe suối, nhiều đoạn kênh trên toàn tuyến bị sạt lở một cách ồ ạt.


Đất sập xuống lòng kênh, sắp đánh sập cả nhà dân
Cuối tháng 6/2017, chúng tôi đến hiện trường thì thấy cảnh tan hoang. Lán trại công trường bỏ hoang, máy móc và sắt thép xây dựng hoen rỉ chất thành đống. Nhiều đoạn kênh đã bị vùi lấp hẳn, chân cầu giao thông qua kênh tại bản Bình Ba bị xói lở trơ gốc. Bà Vân, nhà ở gần đó bảo: Kênh sập hết rồi, nhiều đoàn cán bộ đến kiểm tra, nhưng họ bảo không sửa được, nên đã cho công nhân nghỉ hết.

Trao đổi với chúng tôi ,Chủ tịch UBND xã Châu Bình, là ông Lương Văn Đại trút một hơi thở dài: "Khi triển khai đắp đập phụ, đào kênh tiêu dân chúng ai cũng vui mừng phấn khởi, bởi không phải di dời quê hương bản quán đi chỗ khác. Thế nhưng đến nay thì ái ngại lắm bởi kênh tiêu sập hết cả rồi, từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thấy nhà thầu đến thi công lại. Mùa mưa đến nơi rồi, kênh tiêu vẫn tiếp tục sạt lở. Mưa làm sạt lở hết kênh, rồi sạt lở đến vườn. Nhiều hộ gia đình ở bản Bình Ba đang rất lo lắng vì đất sạt lở từ kênh đã kéo vào gần sát nhà ở".

Lấy đâu 500 tỷ khắc phục sự cố?
Trước hiện tượng sạt lở làm sập đất xuống kênh tiêu Châu Bình, gây nên nỗi hoang mang cho dân chúng và làm tổn hại đến kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng công trình, ngày 13/4/2017 ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã dẫn đầu đoàn cán bộ của tỉnh cùng các cơ quan liên quan trực tiếp đến hiện trường kênh tiêu Châu Bình để kiểm tra sự cố.


Thiết bị thi công hoen rỉ
Tại đây nhà thầu báo cáo tuyến kênh bị sạt lở là do xây dựng trên nền đất mềm yếu, khi đào sâu xuống thì nước hai bên mái kênh cứ thế chảy ra, kéo theo sạt trượt. Lúc đầu nhà thầu gia cố bằng cách cứng hóa một số đoạn sạt lở, nhưng rồi cũng bị nước mạch làm trôi tuột.

Chủ tịch UBND Nghệ An yêu cầu nhà thầu phối hợp với các cơ quan hữu quan nhanh chóng tìm mọi biện pháp khắc phục sự cố. Có ý kiến cho rằng muốn khắc phục thì kinh phí bỏ ra phải trên 500 tỷ.

Từ hiện trường trở về, chúng tôi tìm đến Ban 4, có trụ sở tại TP Vinh để tìm hiểu nguyên nhân vì sao tuyến kênh tiêu Châu Bình lại bị sạt lở một cách nghiêm trọng như vậy. Ông Hoàng Xuân Thịnh, PGĐ Ban 4 trả lời: Ban 4 được Bộ giao làm chủ đầu tư hợp phần đầu mối. Còn hợp phần đập phụ, kênh tiêu Châu Bình do Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, Cty CP Tư vấn Thiết kế hạ tầng cơ sở tỉnh Nghệ An là đơn vị thiết kế. TCty 36 Bộ Quốc phòng là đơn vị trực tiếp thi công.

Nói về sự cố sạt lở trên tuyến kênh tiêu Châu Bình có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là kênh tiêu đã xây dựng trên nền đất cao lanh. Bản chất của đất cao lanh khi khô thì ứng như đá, nhưng khi nước vào lại bị nhão như bùn.


Nhiều đoạn kênh đã bị đất lấp hẳn
Mặt khác tuyến kênh tiêu đi qua vùng đá vôi có các hang các-tơ. Đặc thù của hang các-tơ là rò nước từ độ cao xuống độ thấp. Và khi dòng chảy ngầm từ các hang các-tơ đi qua vùng đất cao lanh là nó bị trôi, sập. Hiện tượng sạt lở làm sụt đất tại tuyến kênh Châu Bình là như vậy.

"Thế trong quá trình khảo sát thiết kế, đơn vị khoan thăm dò địa chất có phát hiện ra các hang các-tơ không?", chúng tôi đặt câu hỏi. Ông Thịnh trả lời: "Đơn vị khảo sát lập dự án thiết kế tuyến kênh tiêu Châu Bình là Cty CP Tư vấn thiết kế hạ tầng cơ sở Nghệ An, do ông Hoàng Thế Dũng làm giám đốc".

Về nguyên tắc khoan thăm dò địa chất bắt buộc khoảng cách tối thiểu các mũi khoan là 250 m/mũi. Không biết họ có làm đúng hay không thì phải xem các bản nghiệm thu của chủ đầu tư. Biết rằng đơn vị thiết kế chỉ khoan thăm dò địa chất tại các vị trí tim của tuyến kênh rồi nội suy ra tính chất đất của hai bên. Và muốn khoan để thăm dò địa chất các hang các-tơ thì phải dùng biện pháp khoan dò địa chất địa vật lý, phương pháp này ở Nghệ An chưa làm được.

Điện thoại hỏi ông Hoàng Thế Dũng về quá trình khoan thăm dò địa chất ở tuyến kênh tiêu Châu Bình đơn vị có phát hiện ra các hang các-tơ không, ông Dũng trả lời: "Khi khoan thăm dò, tại các vị trí xây dựng cầu giao thông và dân dụng qua kênh, chúng tôi đã phát hiện thấy một số hang các-tơ. Vì vậy khi thiết kế cầu, chúng tôi đã tính toán thi công cọc nhồi tại các vị trí chân và trụ cầu. Quá trình thi công, nhà thầu cũng đã làm đúng như thiết kế. Còn hiện tượng sạt lở mái kênh làm đổ sập đất xuống lòng kênh, cơ quan thiết kế chúng tôi cũng đang tiến hành tìm các biện pháp khắc phục".


Ông Hoàng Xuân Thịnh, PGĐ Ban 4: "Hiện sự cố sạt lở kênh tiêu Châu Bình chưa có cách khắc phục"

Ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình: "Mùa mưa lại đến, kênh tiếp tục bị sụp vào vườn tược, nhà cửa khiến các hộ dân rất lo lắng"
Bàn về biện pháp xử lý kênh tiêu Châu Bình, ông Hoàng Xuân Thịnh nói: "Trước hết phải nói nhà thầu thi công không dại gì họ làm sai thiết kế. Khi công trình thi công gần xong thì xuất hiện sạt lở làm sập đất từ hai bên mái kênh xuống lòng kênh, kể từ đó đến nay, nhà thầu cũng chỉ biết báo cáo và để nguyên như thế. Hiện chưa có biện nào xử lý được.

Bây giờ đổ thêm 500 tỷ hay nhiều hơn nữa để thực hiện cứng hóa bằng bê tông cũng không thể được. Thế nên tháng 5/2017, Bộ NN-PTNT đã cử một đoàn cán bộ sang Israel để nghiên cứu gia cố địa chất tương tự như ở Châu Bình. Sắp tới Bộ sẽ cho tiến hành khảo sát địa chất địa vật lý từ lòng hồ đến kênh tiêu Châu Bình, để xử lý các hang các-tơ, chống mất nước từ lòng hồ thấm xuống kênh. Vì vậy trước mắt chỉ biết tiếp tục theo dõi thêm, chờ quyết sách của Bộ".

Ông Thịnh còn cho biết, đối với kênh tiêu Châu Bình, cái sai thì cũng đã sai rồi. Rồi đây các cơ quan hữu quan chắc sẽ phải tổ chức các cuộc điều tra để tìm ra người nào, cơ quan nào đã chủ quan bất cẩn trong thiết kế hay trong thi công, để đến nỗi không lường được sự cố rất nghiêm trọng đã xảy ra.
Theo Hồ Quang (Nông Nghiệp)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top