• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Lên rừng dựng nghiệp

HMO

Administrator
Staff member
Họ là những thanh niên tình nguyện lên với đồi hoang, rừng tạp, biên giới xa xôi để dựng làng, biến những vùng khó khăn thành mảnh đất trù phú.

Những đồi hoang, rừng tạp xa xưa đã biến thành những nương chè tiền tỷ ở làng TNLN Sông Rộ
Tháng ngày ta góp sức chung/ Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây/ Đường xa ta tới đây/ Trên đồi cây khát nắng/ Giữa hai dòng suối vắng/ Đoàn ta vui cấy cày… Những câu thơ mộc mạc của nhà thơ Hoàng Trung Thông cứ như để nói về những người mà chúng tôi gặp ở làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Sông Rộ và Tam Hợp (Nghệ An). Họ là những thanh niên tình nguyện lên với đồi hoang, rừng tạp, biên giới xa xôi để dựng làng, biến những vùng khó khăn thành mảnh đất trù phú.

Biến đồi hoang thành khu dân cư trù phú
Năm 2000, làng TNLN Sông Rộ ra đời. Mục tiêu của làng là biến đồi hoang, rừng tạp ở xã Thanh Thủy và Thanh Hà (huyện Thanh Chương) thành ngôi làng quy mô với 150 gia đình trẻ, vừa phát triển kinh tế trang trại, vừa bảo vệ rừng. Anh Võ Tuấn Vi, Phó Chỉ huy làng TNLN Sông Rộ (nay là Tổng đội phó Tổng đội 9 thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An), kể lại, trong năm đầu tiên, có 20 thanh niên ở các địa phương của Nghệ An xung phong đến đây lập nghiệp. Khi ấy, muốn vào được khu vực như hiện nay, anh em phải lội suối, luồn rừng khảo sát nhiều ngày để dựng lán trại. Sống giữa rừng núi hoang vu, thời gian đầu rất buồn, một số anh em trẻ muốn về, nhưng rồi mọi người động viên nhau vượt qua khó khăn. Dựa vào con đường mòn trong rừng, ban chỉ huy làng đo đạc, chia cho mỗi đội viên 3ha đất rừng để ở và sản xuất.

Anh Hà Văn Dương, một trong những thanh niên lên lập làng đợt đầu nhớ lại, khi ấy anh mới 20 tuổi lên vùng rừng núi hoang vu này nhưng lại được hướng dẫn trồng chè công nghiệp. Anh không thể hình dung nổi trồng như thế nào, bán cho ai, vì có ai biết nơi “khỉ ho cò gáy” này mà vào mua. Nhưng được hướng dẫn, anh trồng và may mắn cây chè hợp đất đai, khí hậu nên phát triển rất nhanh. 3 năm sau, anh thu hoạch lứa chè đầu tiên và bán được giá. Được khích lệ, anh Dương tiếp tục cải tạo toàn bộ 3ha đất trồng chè. 10 năm sau, vợ chồng anh có cơ ngơi khá khang trang. Mấy năm qua, giá chè khá ổn định nên mỗi năm, 3ha chè mang về cho vợ chồng anh khoảng 150 triệu đồng. Đến lập nghiệp ở đây sau anh Dương 2 năm là vợ chồng anh Nguyễn Hữu Vân. Từ 3ha đất được chia, vợ chồng anh Vân trồng chè và trồng keo. Đến nay, ngoài chè thu về 100 - 120 triệu đồng/năm, gia đình anh Vân còn trồng 400 gốc cam, năm qua, dù mới có 200 gốc cam cho quả nhưng vợ chồng anh đã thu về 130 triệu đồng. Chỉ về phía quả đồi rậm rì cây bụi và gỗ tạp phía trước nhà, anh Vân cho biết: “Thời điểm thanh niên tình nguyện bọn tôi lên đây lập làng, toàn thế cả. Nhưng sau 15 năm, sức trẻ đã biến đồi hoang thành khu dân cư trù phú với những đồi chè xanh mướt”.

Anh Võ Tuấn Vi cho biết, trong tổng đội hiện nay thì Đội sản xuất số 2, nơi trước đây khó khăn nhất của làng, nay đều đã có cuộc sống ổn định. Hộ thấp nhất cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện làng có 150 hộ dân với 230ha chè, thu về trên 10 tỷ đồng/năm, 20ha lúa đủ cung cấp lương thực cho các hộ đội viên, 20ha cam, hơn 100ha keo nguyên liệu, 10ha tre điền trúc lấy măng. Mỗi năm, thu nhập từ trồng trọt của làng khoảng 15 tỷ đồng và 5 tỷ đồng từ chăn nuôi.

Đổi thay vùng biên
Bản Huồi Sơn và Phà Lõm (xã Tam Hợp) là những bản vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, nằm ở khu vực biên giới Việt - Lào. Người dân ở 2 bản này là đồng bào Mông, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng với nghề săn bắt, hái lượm... Vùng đất này trước đây an ninh phức tạp, thổ phỉ từ Lào xâm nhập vào tận bản. Năm 2004, trong một lần truy đuổi những đối tượng xâm nhập biên giới, trung úy biên phòng Và Bá Giải đã hy sinh vì bị bọn phỉ phục kích. Năm 2013, Trung ương Đoàn ra quyết định thành lập làng TNLN Tam Hợp với mục tiêu chuyển giao cách thức sản xuất mới cho bà con dân bản và tham gia bảo vệ rừng, an ninh biên giới.

Anh Vương Trung Úy, Phó Chỉ huy làng TNLN Tam Hợp, kể, năm 2014, anh cùng 11 anh em lên đây dựng lán lập làng. Khi ấy, điện chưa có, đường đất đá, dốc dựng đứng... Một năm sau, khu đất nằm chênh vênh bên sườn đồi được san phẳng, nhà cửa dần mọc lên, con đường từ đầu bản Huồi Sơn đến cuối bản được đổ bê tông, điện lưới được kéo về. Năm 2015, ban chỉ huy làng và Phòng Nông nghiệp huyện bắt đầu hướng dẫn cho người dân trồng chè Tuyết Shan, đến nay làng đã có được 10ha chè. Tiếp đó, dân làng được hướng dẫn trồng nghệ, năm 2016 thu được 6 tấn củ. Sau khi trồng thử nghiệm, làng TNLN Tam Hợp triển khai cho người dân trồng cây chanh leo. Đến nay đã có 20 hộ nhận trồng cây chanh leo với diện tích 5ha. Với sản lượng như đã trồng thử nghiệm, mỗi hécta chanh ở đây thu về khoảng 80 triệu đồng. Anh Vừ Giống Hùa (bản Huồi Sơn) là 1 trong 19 gia đình được nhận hỗ trợ từ dự án làng TNLN 30 triệu đồng/hộ để tách hộ, giãn dân, dựng nhà sinh sống riêng.

Ông Vi Cảnh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, phấn khởi cho biết: “Từ khi làng TNLN ra đời, cuộc sống của hơn 150 hộ dân ở nơi sâu nhất, xa nhất của xã đã thay đổi rất nhiều từ cơ sở hạ tầng. Quan trọng nhất là thay đổi được tư duy làm ăn của người dân vốn lâu nay chỉ biết phụ thuộc vào rừng. Chúng tôi đánh giá cao mô hình làng TNLN này, vì không chỉ góp phần bảo vệ an ninh biên giới mà còn giúp đời sống của người dân vùng biên thay đổi rõ nét”.

Theo Duy Cường (sggp.org.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top