• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghi Lộc Làng nghề đóng tàu 700 năm tuổi

HMO

Administrator
Staff member
Những ngày tháng 3, mưa xuân vơi dần để đón cái nắng đầu mùa, chúng tôi có dịp tới thăm làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hơn 700 năm tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Nơi mà cách đây hàng trăm năm những người bám biển đã biết làm cho mình những con tàu để vươn khơi.


Những con thuyền công suất hàng trăm mã lực của cơ sở đóng tàu Gia Ân

tại làng nghề Trung Kiên hoàn thiện những công đoạn cuối cùng

Làng Trung Kiên nằm trong vùng "Địa linh nhân kiệt”: bên hữu có núi Hổ; bên tả là núi Rồng vươn dài ra tới biển. Làng còn có nhiều di tích cổ như đình, đền, chùa, bia đá,… được tạo dựng từ thời Lê.

Nghề đóng thuyền ở Trung Kiên có cách đây hơn 700 năm, nhưng trở thành phường - làng đóng thuyền nổi tiếng phải kể từ thời Lê (hơn 500 năm). Vua Lê Thánh Tông đã cho lập hạm đội hải binh lớn nhất nước tại Cửa Lò, làm căn cứ để bảo vệ biên giới phía Nam và xuất quân đi bình định phương Nam. Làng Hoàng Lao (tên gọi trước của Làng Trung Kiên) nằm trong vùng căn cứ này, nên người thợ được trưng dụng để đóng và sửa chữa tàu thuyền cho quân đội. Đồng thời với thợ Hoàng Lao là nhiều tốp thợ ở các nơi khác từ ngoài Bắc được trưng dụng vào, đã tạo điều kiện cho thợ Hoàng Lao học hỏi thêm kinh nghiệm và nâng cao tay nghề.

Kể từ đó, tiếng tăm của thợ đóng thuyền Hoàng Lao - Trung Kiên càng được lan truyền đi xa. Nhà vua luôn muốn đưa thợ ở đây về để đóng thuyền. Trải bao năm tháng làng nghề đóng thuyền Trung Kiên sau một thời gian bị lãng quên, nay đã khởi sắc trở lại. Đặc biệt là sau khi có chủ trương phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ ở Nghệ An, thì các xưởng đóng thuyền được mở rộng để đáp ứng đóng nhiều tàu thuyền có sông suất lớn.

Nói về làng nghề đóng tàu của mình, ông Phạm Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên cho biết: Lịch sử nghề đóng tàu của làng Trung Kiên đã có từ rất lâu đời. Tiếp nối cha ông, dân làng lại phát triển làng nghề của mình, vừa phục vụ cho người dân quanh vùng và các tỉnh lân cận.

Cũng theo ông In, Trung Kiên trước còn có tên gọi nữa là làng Kẻ Lau. Làng nghề này từng được biết đến là nơi đóng, sửa chữa những con tàu không số huyền thoại tham gia vận chuyển vũ khí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. "Năm 1959 – 1960, một đơn vị thủy văn Trung ương có về làng, nhờ đóng hoặc sữa chữa những con tàu ‘‘lạ’’. Những con tàu đó không có số hiệu gì cả, mãi đến sau này chúng tôi mới biết đó là những con tàu trong đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Miền Nam. Có 6 con tàu được chính những người thợ làng Trung Kiên đóng tại đây. Ngoài ra, thợ Trung Kiên còn được điều vào Hà Tĩnh đóng tàu không số ở trong đó. Tính ra, người làng Trung Kiên đóng và sửa chữa được cả chục chiếc tàu không số phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển’’, ông Nguyễn Gia In cho biết thêm.

Tay đang thoăn thoắt chêm dặm các mạch của con thuyền, anh Nguyễn Gia Quảng – một chủ xưởng đóng tàu trong HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên tâm sự "Ngày xưa thiếu thốn, nhưng cha ông đã đóng những con tàu không số vượt biển khơi, sóng giữ. Giờ đây, là người con của làng chúng tôi tiếp nối sự nghiệp ấy, để những con tàu này vững vàng vượt sóng ra khơi”.

Để thích ứng với cơ chế thị trường, các ông chủ mới của làng Trung Kiên đã đứng ra lập tổ hợp đóng tàu thuyền. Cả xã Nghi Thiết đã xuất hiện 13 tổ hợp đóng tàu thuyền lớn nhỏ. Hàng năm, các tổ hợp này đóng được chừng 200 chiếc thuyền các loại. Thuyền nhỏ như: thuyền te, thuyền lưới, thuyền giã, thuyền câu, thuyền gõ (dài khoảng 12-13m), thuyền đánh cá (khoảng 25-50 tấn). Tàu thuyền lớn, mũi đứng lắp từ 1-3 máy (60 mã lực), tàu xa bờ (150-200 mã lực)… Thậm chí, người thợ Trung Kiên đã đóng được những con tàu tới 1.200 mã lực, có khả năng bám biển dài ngày.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 80 – 100 con tàu từ đây ra các vùng biển kéo dài từ Bắc chí Nam. Giờ đây, các nghệ nhân và thợ thuyền ở đây lại học hỏi, tìm hiểu để đóng những con tàu vỏ sắt vững vàng trước giông tố để vừa khai thác nguồn lợi hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Mặc dù vậy, làng đóng tàu Trung Kiên vẫn còn đó những trăn trở, khi mà nguồn nguyên liệu là những cây gỗ lớn ở Nghệ An đã không dồi dào như trước kia, số lượng lao động trẻ và lớp lao động kế cận cứ ít dần dù thu nhập của một lao động vào khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Trước những đóng góp của làng nghề Trung Kiên, vào ngày 25-11-2014 vừa qua, Trung Kiên được Ban chấp hành TƯ Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là ‘’Làng nghề tiêu biểu Việt Nam’’; HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu ‘’Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam’’; ông Nguyễn Trọng Nhỏ - nghệ nhân của làng được phong tặng danh hiệu ‘’Nghệ nhân làng nghề Việt Nam’’.

Theo ĐĐK
 

Ads HMO

Ads HMO

Top