• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Cửa Lò Làng chài mùa biển ngày ấy và bây giờ

HMO

Administrator
Staff member
Nghi Thủy thơm nồng vị biển. Những ngôi nhà nhỏ bé, lúp xúp cũ kỹ xen lẫn những ngôi nhà mới cao tầng quay mặt ra biển. Bước chân về cái doi đất tận cùng thị xã Cửa Lò, hình hài và hồn cốt đặc trưng của một vùng biển dường như đậm nét hơn nơi nào khác.

Mùi của quê biển

Chúng tôi vào nhà ngư dân Mai Văn Hải. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ bé, chị Nguyễn Thị Bảy, vợ anh Hải lúc này đang dở tay đan nốt tấm lưới kịp cho chồng đi biển chiều nay. Câu chuyện của chị Bảy cũng là câu chuyện của bao nhiêu người đàn bà làng biển Nghi Thuỷ này…


Những ngày trời yên biển lặng thì tàu ra khơi trở về bao giờ tôm cá cũng đầy ắp khoang. Cá nhiều thì vợ chồng, con cái ai cũng bận rộn, nào là đem ra chợ bán, thứ thì luộc để phơi, thứ thì nướng để nhập về các chợ Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn…


Đường vào làng chài Nghi Thủy, Cửa Lò


Bao đời nay, dẫu vất vả, nhưng ngư dân nơi đầy vẫn gắn bó với biển. Mọi người ở đây đều biết khi trong nhà không còn hạt gạo, đồng tiền, thì chính biển bao dung cho họ cuộc sống. Biển chưa từ chối ai mưu sinh bao giờ. Bởi thế, những ngư dân làng chài lớn lên đều biết bám biển để mà sinh tồn, tất cả đều phụ thuộc vào con cá, đều chờ đợi từ phía biển.


Không chỉ vợ chờ chồng, con chờ cha, mà bà con, làng xóm , người làng xóm, người bán cá… đều chờ. Tất cả đều chờ con cá từ biển về thì mới “lên” được. “ Đang mùa được cá thì phải gấp rút tranh thủ ra khơi để chớp cơ hội, chứ ngày biển động thì vợ chồng, con cái mới quây quần ở nhà thôi”, anh Hải tiếp chuyện. Đội tàu của anh cứ đi 5 ngày thì lại về một lần, mỗi lần cũng được 2-3 tấn cá. Trừ chi phí lãi khoảng 3-5 triệu đồng một chuyến. Mỗi lần ra khơi, anh em dong thuyền chạy một mạch ra đến Vịnh Bắc Bộ để thả dã kéo cá. Giữa biển trời mênh mông, cả đoàn kéo cá lên, phân loại cá, đập đá, ướp cá, quay máy, lại thả dã, kéo cho mỏi nhừ cả tay… Cứ thế liền tay cho đến khi tàu đầy cá mới về.


Phân loại, làm sạch cá trước khi đem nướng


Lúc này đã quá trưa, tiếng gọi nhau í ới của những người mẹ, người vợ, của những ngư dân làng chài hẹn nhau đi biển râm ran. Bước chân của họ tấp nập đi về phía bến. Họ đem theo những thứ cần thiết cho chuyến ra khơi, bắt đầu một chuyến đánh bắt thường ngày như bao đời nay.


Tại cái nơi trên bến dưới thuyền ấy chúng tôi đã được chứng kiến những đoàn thuyền hối hả nối đuôi nhau ra khơi. Tàu đi rồi, âu lo đằm sâu trong người ở lại. Chúng tôi nhận ra điều đó khi nhìn vào ánh mắt của người vợ, người mẹ dõi theo chồng, theo con. Chừng ấy tháng năm qua, những người đàn bà “lấy chồng nghề biển” nơi đây đều đứng trên bến cá, mắt dõi khơi xa tìm bóng những con thuyền mang theo người đàn ông họ yêu thương nhất. Cho đến khi dáng người chồng chỉ còn là chấm nhỏ giữa biển khơi, họ mới quay lưng trở về nhà. Thế mới biết, cuộc sống của họ, giản dị, chân chất, sâu sắc và cũng chứa chan tình làng nghĩa xóm.


Lúc này khoảng hai đến ba giờ chiều, cách đó không xa là bến lạch cạn, nơi dành cho những ngư dân thuyền nhỏ đi lộng trong ngày, sáng đi chiều về. Có lẽ cũng đến vài chục con tàu đang hối hả tìm lối vào bến. Cá được hối hả đưa lên bờ. Nào mực, nào tôm, cá nục, cá xóc…. Tất cả tươi rói quẫy trong niềm vui hân hoan được mùa biển. Giờ đây chúng tôi đã hiểu được vì sao nghề biển lại cuốn hút bao nhiêu đời người, mặn mòi gắn bó với những âm thanh lao xao, hương vị tanh nồng từ biển.



Cá được xếp để hấp chín và phơi khô


Biển cho ngư dân làng chài Nghi Thuỷ cuộc sống ấm no nhưng cũng luôn thử thách họ bằng những hiểm nguy rình rập trong những chuyến ra khơi. Biết bao giọt nước mắt vỡ oà đã rơi trong niềm vui khi gặp lại người thân và cả trong nỗi đau đớn khi người chồng, người cha, người thân của họ trọn đời ngoài biển cả. Ở làng chài nhỏ bé này đã có nhiều gia đình mất đi hai đến ba người vì đi biển. Biết bao nhiêu bãi cát đã hằn lên vết tay cào xé của người đi khơi xa vĩnh viễn không về? Và có biết bao nhiêu người đàn bà của xóm chài này đã từng ngồi hoá đá trước biển khơi trong nỗi đau khôn cùng của ngày biển động.


Nhưng qua đau thương họ vẫn niềm tin biển bỉ vào cuộc sống. Những cơn bão biển, hay giông bão cuộc đời không thể nào đánh gục được những con người rắn rỏi, vững vàng ấy, chính họ đã làm nên diện mạo của một Nghi Thủy phát triển hôm nay.


Ngày những cánh tay thần Phù Đổng vươn vai
Thế nhưng, chúng tôi không muốn gọi Nghi Thủy là một quê biển, hay làng biển, làng chài nữa. Bởi bây giờ nó như một đứa con hoang dại tự bao giờ đã lớn lên, trưởng thành. Ở đây, đã có sự phồn vinh, năng động của một đô thị biển đang được định hình ngày một rõ nét.


Hôm nay đã có những ngư dân giỏi dang, dám nghĩ, dám làm. Những con tàu công suất lớn được thay dần những con thuyền nhỏ. Từ những con cá bắt được của cái nghề truyền thống ông cha để lại, họ đã mang lại cuộc sống ấm no, có của ăn của để cho nhiều nghề khác.


Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Dương Ngọc Xô, Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy, Cửa Lò cho biết: Trước kia, Nghi Thủy cũng nghèo, như bao làng chài ở mảnh đất miền Trung nắng gió khác. Cho đến thời kỳ đổi mới, xóa bỏ bao cấp, hợp tác xã tập trung, thì Nghi Thủy trong buổi đầu bước ra nền kinh tế thị trường lại bỡ ngỡ, bước đi dò dẫm. Người dân trở về vẫn làm nghề truyền thống đi vây mực, vây cá, vây moi… manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Và nếu cứ tiếp tục như thế, thì mãi mãi Nghi Thủy vẫn mãi là một làng chài bé nhỏ, cuộc sống ngư dân bấp bênh theo con sóng.


Các ngư dân đang chuẩn bị cho ngày ra khơi


Tuy nhiên, Nghi Thủy cũng không thể bỏ nghề cá, không thể bỏ biển, mà đó vẫn, đang và sẽ là nghề trọng tâm, là thế mạnh lớn nhất. Chỉ có từ nghề cá mới làm động lực để phát triển được nghề khác, như một đầu tàu kéo theo các toa tàu còn lại. Biển được là được tất cả, mất nghề biển là mất tất cả. Nếu vậy, phải bỏ dần cách làm ăn nhỏ lẻ, bấp bênh, phập phù… truyền thống, phải vươn khơi, phải đánh bắt xa bờ. Từ nghề cá, mà phát triển ra các nghề dịch vụ - thương mai du lịch. Một người đi biển, sẽ kéo theo nhiều người lao động khác: buôn bán, chế biến thực phẩm, dịch vụ du lịch… Cho đến bây giờ, Nghi Thủy vẫn không là nơi phát triển du lịch trọng tâm của Cửa Lò, hầu như không có nhà hàng, khách sạn… Nhưng nơi đây có 2 chợ hải sản lớn nhất của Cửa Lò, và hàng trăm đại lý bán hải sản khác. Hiện nay, Nghi Thủy có khoảng 170 tàu thuyền, trong đó khoảng 39 tàu lớn, từ 300 – 500 mã lực. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2014 là 5000 tấn, đạt 88% kế hoạch đề ra trong năm.


Hiện nay, nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu lớn ra khơi. Trong thời gian tới, Nghi Thủy dự tính sẽ làm thí điểm 3 tàu vỏ sắt công suất lớn, ông Xô cho biết


Dân Nghi Thủy năng động, nhạy bén, đó là lợi thế và động lực rất lớn cho mảnh đất ngày càng phát triển đi lên. “Nhìn các nơi khác, họ cũng có biển, cũng có tài nguyên như thế, tại sao họ làm được mà mình không làm được? Vấn đề ở đây là phải đầu tư. Có tàu lớn, nhưng đội ngũ lao động cũng phải được nâng cao, ngư dân không chỉ cần kinh nghiệm sóng nước của cha ông để lại, mà cần có kỹ thuật mới. Chúng tôi đang mở lớp đào tạo thuyển trưởng, thuyền máy, thuyền viên… Đưa học viên đi tham quan học tập các mô hình khác ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu; đào tạo quản lý xa bờ. Có như thế chúng ta mới vững vàng ra khơi, đảm bảo an toàn, sản lượng đánh bắt cũng như chất lượng sản phẩm”, ông Dương Ngọc Xô chia sẻ.


Bên cạnh đó, Nghi Thủy cũng đang chú trọng nâng cấp sửa chữa, mở rộng cảng cá để thuận lợi cho tàu neo đậu khi cập cảng vận chuyển hàng, tránh trú bão. Quy hoạch chợ hải sản, quản lý du lịch đảo Lan Châu, đảo Song Ngư.


Trong lộ trình du lịch về với Cửa Lò, có làng cổ Mai Bảng, Nghi Thủy đặc trưng cho làng biển truyền thống, có thêm điểm đến là chợ hải sản tấp nập hôm nay, để du khách thăm quan, và mua bán. Với cá, tôm, cua, mực… đang tươi rói; các thực phẩm nước mắm, ruốc chua, ruốc mặn gia truyền có màu đỏ au được làm rất kỳ công phu từ nguyên liệu gạo hoặc ngô xay nhỏ, ớt tươi chạt nhỏ, mật mía, muối và con tép biển.


Cái làng chài ven biển hoang sơ ngày ấy, chỉ mới hơn hai chục năm trôi qua, đã vươn vai đứng dậy như Phù Đổng, để tạo nên vị thế mới cho mình. Ở đây, ngoài vẻ đẹp của một vùng biển mặn mòi sóng gió, Nghi Thuỷ như một viên ngọc tự nhiên đầy sức hút giữa biển xanh mà từ xa xưa, vua Bảo Đại đã từng đến vùng đất này và dừng lại chọn làm nơi nghỉ dưỡng.

Theo Giadinh.net.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top