• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Kỳ nghỉ hè của những đứa trẻ vùng ven biển có hoàn cảnh khó khăn

HMO

Administrator
Staff member
Mới hơn 5 giờ sáng, giữa mùi vị mặn nồng đặc trưng của các xưởng chế biến hải sản tại bến cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, nhiều đứa trẻ đang lúi húi bóc vỏ tôm thuê.

Ngày qua ngày, những hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại, cho đến khi mùa hè kết thúc. Những ngày hè, thay vì được vui chơi, học sinh ở nhiều vùng quê lại lao vào làm việc để kiếm tiền mưu sinh, san sẻ gánh nặng cơm áo với gia đình.

Nhọc nhằn với biển
Trong hơi nóng bốc lên của những mẻ tôm mới hấp chín, em Nguyễn L.P (8 tuổi) thoăn thoắt làm công việc của mình, không kịp ngẩng đầu lên: “Hồi mới vào nghề, em toàn bị vỏ tôm đâm vào tay chảy máu, nhưng giờ quen rồi, làm nhanh hơn, mỗi buổi bóc được khoảng 3, 4kg nõn tôm”, P. cho biết.

Tiền công cho mỗi kg nõn tôm thành phẩm là khoảng 10 nghìn đồng. Những người dân nơi đây cho biết, cứ đến dịp hè, những đứa trẻ được nghỉ học lại ra bến bóc vỏ tôm thuê. Công việc không quá nặng nhọc, lại có thêm thu nhập, nên bố mẹ bọn trẻ cũng đồng ý: “Làm thuê phụ được bố mẹ đồng nào hay đồng đó, chứ không ra đây đi làm, thì bọn nó cũng rủ nhau ra biển chơi chứ chẳng chịu ở nhà, lúc đó không ai quản lý được lại càng nguy hiểm”, bà Sửu, một người buôn bán lâu năm tại chợ cá này cho biết.

Đây cũng là nghề quen thuộc của trẻ em các xã bãi ngang ven biển Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) vào mỗi dịp hè. Đến cửa Lạch Thơi, xã Sơn Hải, không khó để thấy lúp xúp những đứa trẻ đội mũ, nón, ngồi dưới tấm bạt bóc vỏ tôm. Bàn tay ửng đỏ vì hơi nóng của tôm mới vừa luộc xong, nhưng vẫn không giảm tốc độ làm việc của em Lê Thị G. (12 tuổi, xã Sơn Hải). Em vui vẻ cho biết: “Làm quen rồi thì cũng không thấy nhọc lắm, em chỉ đi làm buổi chiều thôi, kiếm tiền để dành, vô năm học mới mua thêm đồ dùng học tập và quần áo mới”.

Không đi làm thuê kiếm tiền, nhưng ở nhà phụ bố mẹ làm muối là công việc thường ngày của nhiều đứa trẻ vùng biển. Mới chuẩn bị vào lớp 8, em Hồ Anh D. (13 tuổi, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu) đã rất có kinh nghiệm: Trời càng nắng, muối lại càng được mùa. Trẻ con ở làng cứ 5, 6 tuổi là đã biết cạo muối rồi. Bình thường em đi học một buổi, một buổi ra đồng. Nhưng mùa hè được nghỉ, lại được nắng nên ngày mô cũng đi làm. Cứ nắng to như ri là sáng đổ nước lên sân, chiều ra cạo muối được rồi! Mệt nhất là bữa nào động dông, trời kéo mây là cả nhà lại hối hả đi “cứu muối” cho vào kho, nếu không kịp mưa xuống là trôi hết…”.

Trung bình, những ngày nắng nóng đỉnh điểm, mỗi gia đình diêm dân có thể làm được 4 – 5 xe muối tương đương khoảng 400kg. Với giá thành 6 – 8 nghìn đồng/kg, trừ các chi phí, cho thu nhập khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ngày.

Mưu sinh giữa cháy nắng gió Lào
Đối với những đứa trẻ ở vùng đồng bằng, miền núi cách xa biển, mùa hè của các em lại nằm bên bờ ruộng, bờ sông đi móc cua, bắt cá... Năm nay chuẩn bị lên lớp 5, nhưng Hồ Anh T. (xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu) vẫn bé loắt choắt. Tay xách giỏ, đầu đội mũ, chân trần lem luốc bùn đất, trên những thửa ruộng đã gặt xong, nhóm bạn của T. chia nhau ra lom khom tìm các lỗ cua.

Nhìn vào giỏ đã thấy kha khá T. nói: “Em chuẩn bị ra chợ đây. Ngày mô mấy đứa em cũng rủ nhau đi, ít nhiều chi cũng được, nhưng đến trưa hoặc cuối buổi chiều là về để mang qua chợ bán. Mỗi kg cua em bán được 12 – 15 nghìn, tùy con to nhỏ. Mà dễ bán lắm, không khi mô ế cả. Một ngày em cũng bán được 30 – 40 nghìn”.

Nhà ở xóm 9, gần sát với mỏ đá Quỳnh Xuân nên dù mới 13 tuổi, Hồ Thị Q. đã có kinh nghiệm 2 năm theo mẹ đi bốc sò. Nhà Q. có 6 anh chị em, Q. là con thứ 3, sau Q. còn 3 em. Q. đến với công việc này khi mẹ sinh thêm em thứ 6. Trước Q., chị gái đang học lớp 11 cũng đã đi làm công việc này nhiều năm nên gia đình thấy công việc này rất bình thường. Cùng đội với Q., P., T. cũng là hai bạn cùng xóm, cùng trường.

Ba cô bé nhỏ tuổi nhất, được giao nhiệm vụ đứng trên xe tải để chuyển và bốc gạch vào vị trí. Giữa cái nắng chang chang nhưng cả ba chỉ có một chiếc mũ sơ sài, không có áo khoác, không có khẩu trang, không có găng tay bảo hộ lao động…

Chìa cho chúng tôi những bàn tay đầy những vết chai và sẹo, Q. nói: “Nghề này, bị gạch rơi xuống chân, xuống tay là bình thường. Hôm nào đi làm chúng em cũng cầm thêm bông băng, lỡ máu có bị xây xước thì băng lại rồi làm tiếp. Mệt thì mệt nhưng vui. Có tiền bọn em mua sách vở cho năm học mới…”.

Nghề đóng sò phát triển ở vùng Bắc Nghệ này trong khoảng gần 10 năm trở lại đây. Để tiết kiệm chi phí, mỗi một máy đóng sò, người chủ chỉ thuê một vài người làm công, trả lương thường xuyên. Phần còn lại như bốc vác, sắp xếp gạch, họ thuê lao động nhàn rỗi trong vùng và trả lương theo giờ, theo chuyến hoặc theo khối lượng công việc. Riêng những ngày hè, đội quân lao động đang tuổi học trò tăng cao vì các em được nghỉ cả ngày.

Ông Hồ Văn Sỹ (xóm 16, xã Quỳnh Xuân) chủ một lò đóng táp lô cho hay: để bốc một chuyến sò với 4.000 viên một tốp lao động từ 6 – 8 người mất chừng 2 tiếng đồng hồ, tiền công từ 120 – 150 nghìn/xe. Thấp là vậy, nhưng không phải khi nào cũng có việc. Mùa cao điểm của nghề sò thường gắn với nghề xây dựng.

Trong đó tập trung nhiều từ tháng 2 - 10. Tuy nhiên, năm nay do nắng gắt, các công trình nghỉ nhiều nên thu nhập của lao động bốc sò không cao. Thậm chí, muốn có hàng các em phải dậy sớm từ 4, 5 giờ sáng để “tranh giành” xe. Đến khoảng 9 giờ “chợ lao động” sò vắng người thuê, các em hết việc, thẩn thơ chơi với nhau hoặc về nhà lo cơm nước phụ bố mẹ.

Ông Hoàng Quốc Hoàn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Lao động trẻ em làm việc tại các bến, bãi sò đã xuất hiện nhiều năm nay ở huyện Quỳnh Lưu. Về phía huyện, thời gian qua, phòng cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn và nhắc nhở các phường xã và các cơ sở sản xuất kiểm tra, chấn chỉnh. Tuy nhiên, để xử lý triệt để rất khó khăn, một phần cũng xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân.

Theo GD & TĐ
 

Ads HMO

Ads HMO

Top