• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Không cho con em đi học để... giữ đất

HMO

Administrator
Staff member
Đã 3 tuần trôi qua kể từ ngày tựu trường (12/8), ngày khai giảng lại cận kề, nhưng 56/64 học sinh tiểu học ở điểm trường lẻ thuộc khối Toàn Thắng, xã Quang Sơn (Đô Lương) vẫn chưa được đến trường. Nguyên nhân do đâu?


Một lớp học ở điểm chính Trường Tiểu học Quang Sơn (Đô Lương, Nghệ An)


Chủ trương đúng
Rất nhiều điểm trường lẻ được đưa về điểm trường chính ở các xã có điều kiện tượng tự Quang Sơn là xã Thái Sơn hoặc khó khăn hơn như ở xã Thượng Sơn đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ và triển khai thuận lợi vì tương lai của chính con em họ.
Căn cứ mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Quang Sơn đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 - 2015 và Thông báo số 87 của UBND huyện Đô Lương về việc giao chỉ tiêu cho Trường Tiểu học Quang Sơn trong năm học 2013 - 2014 được bố trí 14 lớp học (rút xuống 2 lớp so với năm học 2012 - 2013), trước khi vào năm học 2013 - 2014, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quang Sơn đã chủ trương đưa 3 lớp học từ điểm trường lẻ tại khối Toàn Thắng về điểm trường chính nhằm bảo đảm điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện Trường Tiểu học Quang Sơn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mấy năm nay được địa phương tăng cường quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên đầu tháng 8 này vừa đưa vào sử dụng một nhà học 2 tầng.

Trong khi đó, tại điểm trường lẻ, cơ sở vật chất chỉ là 1 ngôi nhà cấp 4 gồm 4 phòng học được xây dựng cách đây gần 30 năm, nay đã xuống cấp. Năm nay, khu vực Toàn Thắng có 64 học sinh thuộc 3 lớp: lớp 1 - 21 học sinh; lớp 2 - 25 học sinh và lớp 3 - 18 học sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương - cho biết: Chủ trương đưa điểm lẻ không đáng có về điểm chính là đúng. Như vậy mới tăng cường công tác quản lý và tập trung đầu tư nâng cấp được cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Mặt khác, trong đổi mới phương pháp dạy học, yêu cầu ở cấp tiểu học là vừa học, vừa chơi với các chuyên đề, các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Muốn làm được điều này thì phải quy về một mối.
Điểm chính Trường Tiểu học Quang Sơn (Đô Lương)
Nỗi lo của nhà trường, giáo viên
Thế nhưng ở điểm trường lẻ khối Toàn Thắng, cha mẹ học sinh ở 3 xóm 8, 9,10 đã phản đối quyết định này và đồng loạt không cho con em đến trường chính mà vẫn bắt các em đến điểm trường cũ dù cơ sở này đã đóng cửa.
Tại Trường Tiểu học Quang Sơn vào sáng 28/8, trong danh sách 64 học sinh của 3 lớp học (1, 2 và 3) tại điểm trường lẻ thuộc khối Toàn Thắng gồm 3 xóm 8, 9, 10 mới chỉ có 7 học sinh tới trường học tập. Tại lớp 3C do cô giáo Nguyễn Thị Thanh làm chủ nhiệm chỉ có 15 học sinh ngồi học thưa thớt.
Cô Thanh cho biết: Sĩ số của lớp 27 em, hôm nay 1 em nghỉ ốm và 11 em ở điểm trường lẻ chưa đến học. Chúng tôi tha thiết mong cha mẹ các em đưa con đến trường để ổn định lớp và duy trì công việc học tập của các em”.
Không phải chỉ ở lớp cô Thanh, mà ở một số lớp học khác cũng nằm trong tình trạng tương tự.
Trên gương mặt của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn Trần Thị Tuyết (vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng từ ngày 9/8/2013) không giấu nổi sự lo lắng khi tiếng trống khai giảng đang cận kề mà ở một số lớp học vẫn chưa ổn định sĩ số.
Cô tâm sự: “Là nhà giáo, chúng tôi mong muốn đem lại cho các em một môi trường học tập tốt nhất, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía cha mẹ học sinh để cho con em tới trường học tập”.
Tại sao phụ huynh không cho con em tới trường?
Một số đối tượng trên địa bàn đã tung tin “chính quyền xã sáp nhập điểm lẻ vào điểm chính để bán đất khu vực điểm trường lẻ” nhằm kích động, xúi giục người dân phản đối chủ trương xóa điểm trường lẻ...
Được biết, sau khi có chủ tương của Đảng ủy, HĐND xã về việc chuyển 3 lớp học ở điểm trường lẻ Toàn Thắng về học tại điểm chính Trường Tiểu học Quang Sơn, chính quyền xã đã phối hợp với lãnh đạo nhà trường, nhiều lần ra thông báo, tổ chức đối thoại, thành lập các đoàn vào từng xóm để tuyên truyền, vận động nhưng các bậc cha mẹ học sinh ở xóm 8, 9, 10 thuộc khu vực Toàn Thắng vẫn nhất quyết không cho con tới trường.
Trực tiếp về các xóm 8, 9, 10 của khu vực Toàn Thắng để tìm hiểu nguyên nhân vì sao cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho con em tới trường học, người dân bày tỏ rằng do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, khu vực Toàn Thắng là vùng thường hay ngập lụt cục bộ nên các cháu không thể tự đến trường.
Các cha mẹ đang có con theo học lớp 1, lớp 2, lớp 3 đều là những lao động trẻ, lao động chính, mùa màng bận rộn phải lo làm ăn để kiếm sống nuôi gia đình, không có thời gian đưa đi đón về ngày hai buổi vì trường không có chế độ ở nội trú. Cũng có ý kiến cho rằng, ngôi trường này có từ lâu đời, gắn với truyền thống của làng, nên không thể xóa.
“Mong muốn của chúng tôi là giữ lại mái trường để con em học tập ở đây, vừa đảm bảo sức khỏe cho các cháu, vừa tiện lợi cho người dân để phục vụ sản xuất, có thực mới vực được đạo”, ông Lê Đăng Đại - người dân có 2 con học lớp 1 và lớp 3 vẫn chưa đến trường - bày tỏ.
Thế nhưng, có lẽ những lý do này không mấy thuyết phục bởi lẽ: Cơ sở vật chất ở điểm trường lẻ xuống cấp, không bảo đảm đủ điều kiện học tập cho các em, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trời. Và quãng đường từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính chỉ có 2 cây số và mặc dù không phải là đường nhựa nhưng cũng được rải đá sạch sẽ.
Và trên thực tế có nhiều nơi điều kiện còn vất vả hơn, đường sá khó khăn hơn, phải đi qua đồi núi 2, 3 cây số nhưng người dân vẫn quyết tâm để con em được học ở điểm trường chính, nhằm bảo đảm sự tốt đẹp hơn cho con em họ. Như ở Lam Sơn - một xã miền núi của Đô Lương - đây có tới 3 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách 3 cây số so với điểm trường chính, nhưng năm nay cũng đã hoàn thành việc xóa bỏ các điểm trường lẻ. .

Nhiều cha mẹ học sinh viện lý do bận làm ăn không có thời gian đưa, đón con, nhưng qua tìm hiểu được biết hiện tại có một số người ở Toàn Thắng hàng ngày vẫn chở con đến điểm trường chính để học lớp 4, lớp 5, nhưng lại vẫn để con học lớp 1, 2, 3 ở nhà.
Bà Phan Thị Thúy, ở xóm 10, có con thứ hai đang học lớp 4 ở điểm trường chính, con thứ ba học lớp 2 ở điểm lẻ biện hộ: “May chồng tôi đi xây ở phía trên đó (ý nói phía điểm trường chính) nên mới chở được đứa lớp 4 đi học, tui đây đang còn 1 đứa nhỏ ở nhà, lại bận đồng áng không có điều kiện để chở con đi học”.

Thế nhưng theo thông tin mà chúng tôi có được thì vấn đề cốt lõi, sâu xa là do một số đối tượng trên địa bàn đã tung tin “chính quyền xã sáp nhập điểm lẻ vào điểm chính để bán đất khu vực điểm trường lẻ” nhằm kích động, xúi giục người dân phản đối chủ trương xóa điểm trường lẻ; thậm chí đe dọa, ngăn cản để cha mẹ học sinh không đưa con em đến điểm trường, khiến cấp ủy, ban cán sự 3 xóm 8, 9, 10 gần như tê liệt.
Xóm trưởng của một xóm trong khu vực Toàn Thắng, người có cháu ngoại cũng đang phải nghỉ học ở nhà đã xác nhận với chúng tôi điều này trong một tâm lý “lực bất tòng tâm”.
Điểm lẻ ở khối Toàn Thắng của Tiểu học Quang Sơn (Đô Lương)​
Bài học trong công tác dân vận

Phải chăng vấn đề đặt ra ở đây là công tác vận động quần chúng chưa đến nơi, đến chốn, chưa nhuần nhuyễn?
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Bí thư Chi bộ xóm 10- cho rằng: Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng tờ trình gửi cho các đại biểu HĐND đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp nhằm thông báo cho nhân dân biết chủ trương này, để dân tham gia ý kiến.
Nhưng tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân có nhiều ý kiến của người dân không đồng tình với chủ trương, nhưng xã vẫn chưa làm thêm một bước nữa là thăm dò ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là những người có con em đang theo học tại điểm trường lẻ. Nếu làm được khâu này thì sẽ nắm bắt được tình hình tư tưởng tốt hơn, từ đó có biện pháp chủ động hơn.
Qua trao đổi trực tiếp với một số Bí thư, Xóm trưởng ở 3 xóm 8, 9, 10, chúng tôi cũng nhận thấy gần như vai trò của Chi ủy, ban cán sự các xóm đã thực sự bị vô hiệu hóa, các đoàn thể tại thôn xóm chưa chủ động vào cuộc để thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết công việc liên quan đến địa bàn dân cư, chưa tổ chức họp dân trong từng xóm để tuyên truyền, giải thích, vận động mà chỉ mới thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri. Công tác tuyên tuyền vận động chủ yếu vẫn do giáo viên của Trường Tiểu học Quang Sơn đảm nhận, nhưng không mang lại hiệu quả cao

Chính ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã - thừa nhận: “Chúng tôi nghĩ vì sự học của con em, trước sau gì người dân cũng sẽ đồng thuận chứ không lường trước được sự việc diễn biến phưc tạp như thế này...”
Còn ông Nguyễn Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương - khẳng định: Quan điểm, thái độ của huyện là kiên quyết thực hiện đúng theo chủ trương, lấy kiên trì vận động, thuyết phục là chính.
Đến thời điểm hiện tại, các vị cha mẹ học sinh vẫn nhất quyết không cho con em mình đến trường (trừ 7 học sinh là con của cán bộ, giáo viên đã đến học tại điểm trường chính và 1 em phải gửi học ở thành phố Vinh).
Không cho con em quyền đến trường học tập, vô hình trung, các bậc cha mẹ học sinh đã vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em; cao hơn cả là lương tâm, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ đối với tương lai con trẻ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có thái độ dứt khoát, nghiêm khắc đối với các hành vi xúi giục, kích động nhân dân, gây mất ổn định trật tự xã hội của một số đối tượng bất mãn, có động cơ không lành mạnh.

HMO nguồn GDTĐ.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top