• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kẽ hở Luật Phòng chống tham nhũng tạo cơ hội cho “cả họ làm quan”

HMO

Administrator
Staff member
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, bất cập trong Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành dẫn tới tình trạng một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn)
Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 sáng nay (28/10), bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng” . Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

“Cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình
“Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực”- bà Nga thẳng thắn.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.

Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Dẫn ra ý kiến cho rằng khoản 3 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, bà Lê Thị Nga khẳng định điều này đã dẫn tình trạng một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình. Hay như gần đây nhất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức thì đã có tới 44 lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên và chỉ có 2 nhân viên.

“Liên quan đến vấn đề này, một số cử tri đề nghị Nhà nước cũng cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả. Theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là những ý kiến rất cần được lắng nghe, quan tâm, nghiên cứu để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ”- bà Nga đề xuất.

Đối với xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, Ủy ban Tư pháp khẳng định “vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua".

Ít phát hiện tham nhũng cấp tỉnh, huyện
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán vẫn còn thấp. Kiến nghị xử lý trách nhiệm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự.

Đáng lưu ý, thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn một năm kể từ khi phát hiện mới chuyển, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng…

Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phòng chống tham nhũng còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ.

“Đặc biệt là trong các năm qua, mặc dù Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều lần nhưng Chính phủ vẫn không xác định cụ thể được số tài sản tham nhũng qua công tác thanh tra, chưa tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác dẫn đến không đánh giá chính xác được hậu quả vật chất do tham nhũng gây ra”- bà Nga thẳng thắn.

Ngoài ra, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, trong 3 năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều giảm dần.

“Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này còn nghiêm trọng”- bà Nga phản ánh.

Cấu kết "sân sau", "lợi ích nhóm"
Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ lưu ý những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết "sân sau", "lợi ích nhóm"…

"Với quy định "biên chế suốt đời", "có vào không có ra", "có lên không có xuống" đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.

Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng "dĩ hòa vi quý", "dễ mình dễ ta". Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế.

Theo Dân Trí
 

Ads HMO

Ads HMO

Top