• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Kỹ nghệ đi rừng 'săn ong'

HMO

Administrator
Staff member
Hàng năm, khoảng từ tháng 3 âm lịch đến cuối tháng 8, hàng chục người ở xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) lại tất bật với nghề đi săn ong rừng. Không chỉ để kiếm tiền, đây còn là mùa để những tay thợ rừng trình diễn tài nghệ và kinh nghiệm của mình so với bạn nghề.

Các sản phẩm từ ong rừng được bày bán ở xã Nam Hưng
“Cuộc đua” trong rừng
Anh Nguyễn Phùng Quản (SN 1987) cho hay: “Ăn ong” là nghề ông cha tôi để lại. Trước đây, người dân chủ yếu đi lấy mật ong về sử dụng, phục vụ nhu cầu ăn uống, chữa bệnh và biếu tặng. Nhưng nhiều năm trở lại đây nó đã trở thành nghề kiếm tiền triệu mỗi ngày của nhiều hộ gia đình. Với gia đình tôi, nghề săn mật ong rừng đã đem lại khoản thu nhập không nhỏ”.

Anh Quản đã có hơn chục năm trong nghề săn mật ong rừng. Anh cho biết không phải ai cũng làm được nghề này, nó đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, độ “lì” và phải am hiểu tập tính của đàn ong. Tay nghề hơn thua nhau của cánh thợ rừng là số lượng mật kiếm được trong mùa.

Anh Quản bật mí, để biết khu vực nào có ong mật chỉ cần đi dọc các khe nước lên phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng mát. Bởi ở đó, ong thường đến chấm nước (uống nước) rồi bay về hướng tổ. Còn muốn tìm thấy tổ ong thì nhìn theo hướng ong bay, chú ý những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, tránh được gió lớn, gần cây có một khoảng trống để ong định hướng bay về tổ.

Sau khi xác định được vị trí đàn ong làm tổ, người thợ tiến hành lấy mật. Để đánh được tổ ong cách mặt đất hàng chục mét, nằm chót vót trên cây cao, những người thợ ngoài sự gan dạ, kinh nghiệm còn có thêm sự hỗ trợ của một số dụng cụ như quần áo dày, tấm màn trùm kín đầu để tránh ong đốt, dây thắt an toàn phục vụ việc leo cao, chiếc liềm hoặc dao và túi bóng đựng mật ong.

Trước khi trèo lên cây, người thợ sẽ mặc đồ bảo hộ, trùm kín mít tránh ong đốt. Sau khi tiếp cận được tổ ong, họ sẽ gạt ong trưởng thành, dùng dao cắt tổ bỏ luôn vào bì, túi ni lông mang theo.

Công đoạn đưa mật xuống đất cũng phải cẩn thận. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, mọi công sức sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Cách bắt này có ưu điểm là không gây cháy rừng và bảo vệ được giống ong vì chỉ lấy tổ hoặc lấy mật ong, giữ được ong trưởng thành.

Còn nếu khi gặp loài ong chần, người thợ sẽ đào lấy tổ dưới đất, bắt cả ong trưởng thành về ngâm rượu hoặc bán con cho lái buôn. “Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi không dùng lửa để xua đuổi đàn ong như lúc trước. Vì cách làm này dễ gây cháy rừng. Những người đi lấy mật ong đa số đều làm rừng nên hiểu rõ sự nguy hiểm của việc lấy mật ong bằng lửa”, lời anh Quản.


Một người thợ săn ong rừng chuẩn bị leo cây lấy tổ ong
Trước đây, ong nhiều, những người thợ chỉ cần theo dõi khu rừng tràm gần nhà hoặc các vùng lân cận là mỗi ngày có thể kiếm được vài tổ ong. Nhưng hiện nay, ong hiếm nên họ phải đi xa, lùng khắp các đồi núi thuộc các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc của Nghệ An, hoặc sang các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nếu khoảng cách gần, người thợ thường đi về trong ngày, nhưng nếu xa hơn chuyến đi của họ kéo dài khoảng vài ba ngày.

Theo những người săn ong, cách tốt nhất là đi đến đâu thì hỏi dân địa phương đến đó. Nếu chỉ dẫn được ong mật thì chia đôi mật, còn ong vẽ, ong chần thì trả tiền công hướng dẫn, hai bên cùng có lợi.

Nguy hiểm rình rập
Ông Nguyễn Đức Thân, cán bộ lâm nghiệp xã Nam Hưng cho biết, hiện nay trên toàn xã có khoảng 15 người chuyên đi săn ong rừng ở trong và ngoài tỉnh. Đây là nghề đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình nhiều năm nay.

Giới thợ rừng nơi đây khẳng định, tuy kinh nghiệm và bí quyết của từng người khác nhau, không ai chỉ bảo ai nhưng giữa họ có một điểm chung là yêu quý và bảo vệ rừng tràm để cho từng đàn ong về làm tổ, nuôi sống gia đình.

Chị Nguyễn Thị Phú (SN 1989, vợ anh Quản) tâm sự: “Nhờ nghề này mà chừng 6 năm nay, kinh tế của gia đình được cải thiện. Tận dụng căn nhà nằm sát quốc lộ 15 nên mật ong của chồng đi về được em bán trực tiếp cho khách qua đường”. Giá tổ ong tùy to hay nhỏ, giao động từ vài chục nghìn đến 500 nghìn đồng. Mỗi chai mật ong rừng (1 lít) có giá khoảng 250 – 300 nghìn đồng. Ong chần bắt về được ngâm vào rượu, mỗi hũ (khoảng 3,5 kg), có giá từ 300 – 500 nghìn đồng.

Vì là nghề khá nguy hiểm, phải đi sâu vào rừng nên trong mỗi chuyến đi, thường có hai người để hỗ trợ nhau. Nếu như may mắn, mỗi chuyến một nhóm sẽ kiếm được từ 10 đến 20 lít mật ong. Như chuyến của anh Quản cách đây vài ngày thu được 13 lít mật ong. Nhưng hôm nay, anh chỉ kiếm được 5 lít.

Tuy nhiên, chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là người thợ có thể trả giá bằng cả tính mạng. Ông Nguyễn Văn Tâm, một thợ săn ong rừng gần vài chục năm cho biết, việc thợ rừng bị ong đốt vài chục mũi trong ngày là chuyện xảy ra như cơm bữa. “Mỗi khi gặp đàn ong hung hãn, anh em chúng tôi phải bỏ lại đồ nghề chạy theo hướng ngược gió để lánh nạn. Đó là chưa kể những làn gặp phải rắn lục trên cây cao… Tùy vào trường hợp mà người thợ rừng xử lý theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo tính mạng”, ông nói.

Những người có thâm niên trong nghề chia sẻ, làm nghề săn ong cần phải có bản lĩnh và gan dạ. Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt phải bình tĩnh chịu đựng đau đớn để xử lý. Vì đang ở trên cây mà buông tay thì không biết hậu quả như thế nào. Nhiều lần gặp tổ ong dữ không đánh được ban ngày họ phải đánh ban đêm. Mà đánh ban đêm lại càng khó vì xác suất đạp vào những cành cây khô dễ gãy hoặc rắn rết cắn càng cao.


Vợ anh Quảng đón nhận thành quả của chồng sau một ngày đi rừng săn ong
Sợ nhất trong nghề đánh ong vẫn là chuyện gặp rắn độc trên cây. Bởi trên những cây to thường có dây leo, hay các loại cây sống ký sinh, đó chính là môi trường thuận lợi cho các loại rắn sinh sống. Và trong những năm tháng săn ong rừng, người dân nơi đây đã không ít lần bị rắn cắn hoặc nhờ mưu trí mới thoát khỏi sự tấn công của những con rắn độc.

“Năm nay, ong vào vụ muộn hơn. Nhưng chỉ mới thời gian đầu mà anh em chúng tôi cũng thu được lượng ong kha khá. Hy vọng, năm nay sẽ bội thu”, anh Quản tâm sự.

Theo những người thợ săn ong, cách phân biệt mật ong rừng và mật ong nuôi chỉ có cách dễ nhất là dựa vào khứu giác, vì ong ở rừng sâu thường ăn được nhiều loại hoa nên có mùi thơm hơn. Mật ong thật có độ keo sóng sánh, màu vàng trong, nếm vào ngọt thanh và có hương vị riêng.

Phân biệt mật ong pha đường và mật ong nguyên chất chỉ cần cho một giọt mật ra tờ giấy, nếu giọt mật thấm nhanh qua tờ giấy hoặc tan ra, đó là mật pha đường. Mật thật càng để lâu càng keo, càng đậm. Nếu để lâu bề mặt sẽ tạo thành một lớp sáp cứng, khi dùng ta gạt bỏ phần này.

Theo Long Trần (PLVN)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top